-Trưa nay, UBND TP.HCM đã phát đi 2 công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi và yêu cầu các sở, ban, ngành cùng 24 quận huyện sẵn sàng ứng phó với bão số 14, tên quốc tế Kirogi.
Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, UBND huyện Cần Giờ, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp thực hiện thông báo, yêu cầu ngư dân và các chủ phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên sông, trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn; chấp hành lệnh nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động thủy sản.
Sở Giao thông vận tải TP, Cảng vụ Hàng hải TP và UBND các quận, huyện yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng chấp hành lệnh cấm xuất bến hoạt động.
Lệnh cấm có hiệu lực kể từ 01 giờ, ngày 19 tháng 11 năm 2017 cho đến khi có lệnh mới.
Đồng thời, bằng mọi biện pháp sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển, diễn biến bão số 14 và kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới trên khu vực Biển Đông từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc.
Bão số 14 di chuyển hướng thẳng vào khu vực Nam bộ. Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn TƯ |
Tại công điện, UBND TP yêu cầu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại cửa sông, cửa biển kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi theo lệnh cấm này.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy, Công an TP duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.
Đối với các quận huyện, UBND TP chỉ đạo huyện Cần Giờ chuẩn bị sẵn sàng Phương án di dời dân xã đảo Thạnh An và các hộ dân có nhà đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn ngay khi có chỉ đạo của TP.
Các quận, huyện có bờ bao, đê bao ven sông, vùng trũng thấp như: quận Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn tổ chức rà soát tại các khu vực trọng điểm vào thời điểm mưa lớn và mực nước triều dâng cao cho đến khi hết đợt triều cường, mưa, bão.
Chủ động thực hiện phương châm “04 tại chỗ”, chuẩn bị kinh phí, vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải cát…), lực lượng, trước hết là lực lượng trực tiếp quản lý đê nhân dân túc trực tại những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra tràn, bể bờ bao để xử lý ngay giờ đầu khi phát hiện sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố, không để xảy ra ngập úng kéo dài, gây thiệt hại cho người dân.
Dự báo bão số 14, kết hợp triều cường TP.HCM nguy cơ ngập nặng |
Đề nghị, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 14 và tình hình triều cường, mưa trên địa bàn TP để kịp thời thông tin đến mọi người dân biết để chủ động phòng tránh.
Theo Bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn TƯ: áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão thứ 14 và có tên quốc tế là Kirogi.
Hồi 10h ngày 18/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, ngay trên phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách bờ biển các tỉnh Khánh Hòa-Ninh Thuận-Bình Thuận khoảng 510 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.
Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 150km về phía Bắc, 100km về phía Nam tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 19 tháng 11 năm 2017, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 12.
Vùng gió mạnh do bão trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km về phía Bắc, 150 km về phía Nam tính từ vùng tâm bão có thể đi qua.
TP.HCM họp khẩn đối phó với áp thấp có thể mạnh lên thành bão
Chiều nay, UBND TP.HCM đã họp khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão và đang có diễn biến phức tạp.
Thủ tướng chỉ đạo ứng phó khẩn cấp bão số 14 và mưa lũ
Thủ tướng vừa có công điện 1786/CĐ-TTg ngày 18/11 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan ứng phó khẩn cấp bão số 14 và mưa lũ.
91 người chết do bão, hàng cứu trợ cả năm sau mới nhận
Thứ trưởng NN&PTNT cho biết, có những khoản viện trợ thiên tai từ 2016 nhưng giờ mới được ký, như vậy không còn tính thời sự, không còn ý nghĩa.
44 người chết trong bão: Do chủ quan
Số người chết do bão Damrey tăng nhanh chóng mặt. TƯ nhận định nhiều cấp chính quyền và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm.
Phố biển Nha Trang tan hoang sau bão lịch sử
Hàng ngàn cây xanh bật gốc, gãy ngã ngổn ngang, biển hiệu, quảng cáo lớn nhỏ bị gió đánh tả tơi rơi xuống đường, đè lên đường dây điện...
Hồng Xoan