- 15h chiều nay, Hà Nội đang có gió mạnh cấp 5, giật cấp 7-9 kèm mưa lớn, nhiều xe máy bị quật ngã dúi dụi.
Hình ảnh, clip phản ánh về tình trạng ngập, lụt, sạt lở đường, ùn tắc giao thông trong những ngày mưa bão bạn đọc có thể gửi về [email protected] hoặc gọi phản ánh theo số 0988 222.863. |
18h12
Thanh Hóa: Huyện vùng cao Mường Lát bị chia cắt
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, Thanh Hóa cho biết, tuyến đường huyết mạch nối huyện Mường Lát với TP Thanh Hóa lại bị sạt lở do ảnh hưởng của bão số 3.
Hôm nay, trên địa bàn huyện tiếp tục sạt lở ở những điểm cũ trước đó (do trận mưa lũ từ ngày 13/8) khiến cho huyện Mường Lát rơi vào cảnh cô lập, chia cắt với các huyện khác.
Sạt lở khiến huyện Mường Lát bị cô lập |
Trước đó, trên địa bàn huyện Mường Lát trận mưa kéo dài từ đêm ngày 13 đến sáng ngày 14/8 đã làm sạt lở cục bộ tuyến đường 15C và tuyến thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý khiến giao thông tê liệt. Đợt mưa lũ vừa qua tại huyện Mường Lát cũng khiến một cháu bé 5 tuổi chết.
17h15
Quảng Ninh: Ba Chẽ bị nước lũ cô lập
Đến 17h, tại huyện Ba Chẽ, nước sông đang dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập lụt cục bộ, các con đường dẫn vào huyện Ba Chẽ đều ngập nước, người và các phương tiện đều không thể di chuyển qua được.
|
Nước ngập sâu khiến các tuyến đường vào Ba Chẽ đều ngập nước. (Ảnh: báo Quảng Ninh) |
Theo thống kê sơ bộ, tính đến 16h ngày 19/8, trên địa bàn huyện có 15 nhà lợp bằng pro xi-măng bị tốc mái; nước lũ đã khiến hơn 100 ngôi nhà ở thị xã Ba Chẽ bị ngập; 2 nhà bếp loại tre gỗ bị sập; khoảng 40 cây xanh trên địa bàn thị trấn bị gẫy, đổ; nhiều cây keo, quế, sa mộc và hoa màu bị thiệt hại; một số điểm trên các tuyến đường bị sạt taluy.
Hiện các tuyến đường vào Ba Chẽ đều ngập nước, Ba Chẽ đang bị cô lập hoàn toàn.
16h30
Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Hà Nội. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9.
Trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây vàTây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên còn có gió giật cấp 7-9.
Các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-7.
Khu vực Đông bắc, Đồng bằng- Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to.
Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa to.
16h
Tại Hải Phòng lúc này rải rác có mưa lớn kèm gió mạnh,
Tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, chính quyền đã vận động 30 hộ dân sống khu vực ngoài đê ven sông Lạch Tray, di dời về trụ sở UBND phường.
Cảnh sát đường thủy hỗ trợ phương tiện tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Q.Minh |
Các phương tiện neo đậu an toàn |
Trên sông Cấm, khu vực Cảng Hải Phòng, lực lượng Cảnh sát đường thủy tuần tra kiểm soát và hỗ trợ các phương tiện tàu thuyền neo đậu tránh trú bão.
15h30
Tại Thái Bình: Khu vực huyện ven biển Tiền Hải vẫn đang có mưa nhỏ, gió nhẹ. Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch tỉnh Thái Bình cùng các lãnh đạo huyện Tiền Hải đang túc trực chủ động phòng chống bão.
Chủ tịch Thái Bình Nguyễn Hồng Diên túc trực và kiểm tra công tác phòng chống bão trên địa bàn. (Ảnh: Lê Anh Dũng) |
Ông Lại Văn Hoàn, Chánh Văn phòng tỉnh Thái Bình cho biết: Tỉnh đã có chỉ đạo từ rất sớm trong việc yêu cầu các tàu thuyền đánh bắt hải sản vào nơi neo đậu an toàn, yêu cầu các hộ nuôi trồng thủy sản tại Tiền Hải vào khu vực an toàn, bên cạnh đó tổ chức chuẩn bị nhân lực, vật lực cũng như các biện pháp phòng tránh bão để ứng phó kịp thời trong việc phòng chống bão số 3.
Tại Nam Định: Trên địa bàn huyện Giao Thủy đang có gió giật cấp 6-7, mưa nhỏ.
Sóng biển dâng cao tại bờ biển Quất Lâm. Ảnh: The Beauty of Namdinh |
Để đối phó bão, Nam Định đã di dời khẩn cấp 15.000 người chủ yếu tập trung vào 3 huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường ra khỏi khu vực nguy hiểm tại các lều chòi nuôi trồng thủy sản…
Người dân tại Giao Thủy, Nam Định chống nhà cửa cẩn thận để phòng chống bão. Ảnh: Hoàng Hà Anh |
15h15:
Bão số 3 đang ảnh hưởng đến Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/h), giật cấp 10-11.
Trong những giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió giật cấp 10-11.
Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-8. Khu vực Đông bắc, Đồng bằng- Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to.
Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 7-9 và mưa to.
14h15
Hà Nội hiện đang có gió mạnh cấp 5, giật cấp 8 kèm mưa lớn. Dự báo cấp gió này còn duy trì trong suốt chiều nay và có thể kéo dài tới sau 19h tối còn mưa to thì tới đêm do đó người dân nên hạn chế ra đường.
CLIP NGƯỜI ĐI ĐƯỜNG NGÃ DÚI DỤI:
CLIP GIÓ GIẬT Ở KEANGNAM:
Khu vực Keangnam, đường Phạm Hùng hiện giờ gió giật rất mạnh và mưa lớn. Nhiều người dân đi xe máy phải vứt xe giữa đường và chạy vào các tòa nhà để trú tránh.
Gió giật mạnh khiến xe máy đi qua cầu Vĩnh Tuy phải dừng túm tụm lại để tránh bão. Ảnh: Minh Tuệ - Otofun |
Sau 3 tiếng có mưa lớn, hiện rất nhiều tuyến phố trung tâm thủ đô đang bị ngập sâu, có nơi hơn nửa mét.
Phố Hoàng Mai bị ngập sâu hơn nửa mét. Ảnh: Nguyen Hung - Otofun |
12h20
Hải Phòng: Mưa to kèm gió lớn
Mặc dù không kéo dài nhưng những cơn mưa lớn trút xuống đã làm ngập lụt cục bộ tại một số tuyến đường trong nội thành.
Một số tuyến phố ở Hải Phòng bắt đầu ngập úng. (Ảnh: Q.Minh) |
Theo báo cáo của BCH Phòng chống thiên tai và TKCN Hải Phòng, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-13.
Sáng nay, lượng mưa đo được tại một số khu vực trên địa bàn thành phố có nơi lên đến hơn 10mm, như Đồ Sơn, Thủy Nguyên, Cửa Cấm…
Trước đó vào chiều ngày 18/8, UBND TP.Hải Phòng đã có công điện khẩn chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão.
12h10
Trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội, đoạn trước cửa khách sạn Tháp Hà Nội, 1 cây xanh bị bật gốc đè xuống đúng 1 ô tô Forte biển kiểm soát 29A-94443. Chủ nhân vừa ra khỏi xe vài phút thì cây bật gốc đổ từ từ đè vào xe.
12h05
Tại khu 3 phường Hà Trung, TP Hạ Long (Quảng Ninh) xuất hiện tình trạng bùn đất trên các đồi núi bị cuốn xuống khu vực dân cư.
Trên QL 18 đoạn phường Đại Yên, TP Hạ Long ngập nước, rất nhiều ô tô chết máy đã phải nhờ đến sự trợ giúp của lực lượng cứu hộ.
Ảnh: Phạm Công |
11h00
Hồi 11h, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 107,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh-Nam Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 10-12 và tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 15-20km.
Đến khoảng 14h chiều nay, bão tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Do hoàn lưu bão rộng nên vùng ảnh hưởng trực tiếp (có gió cấp 6 trở lên) mở rộng từ Quảng Ninh-Nghệ An.
Vùng có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10-12 được xác định từ Hải Phòng - Thái Bình. Ninh Bình bão nhẹ hơn từ 1-2 cấp.
Người dân ở Nam Định chằng chống nhà cửa trước khi bão vào. |
Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Người dân ở Thái Bình chằng buộc mít. |
Riêng khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200mm. Bắt đầu từ 13h chiều nay, gió tại Hà Nội sẽ mạnh lên rõ rệt. Thời gian gió mạnh có thể kéo dài trong 5-6 tiếng.
Nhóm PV
11h15
Hiện nay, trên địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình đang có mưa to đến rất to, gió giật mạnh. Ở Nam Định nhiều người dân hiện nay không dám ra đường.
Quảng Ninh đã ra lệnh cấm các phương tiện xe máy, xe thô sơ di chuyển qua cầu Bãi Cháy để đảm bảo an toàn, thay vào đó sẽ hỗ trợ vận chuyển miễn phí xe máy cho người dân cần thiết qua cầu.
|
Mưa rất to, Quảng Ninh ra lệnh cấm xe máy và các phương tiện thô sơ qua cầu Bãi Cháy. (Ảnh: Phạm Công) |
|
Lệnh cấm cầu Bãi Cháy được thực hiện từ 8h sáng (Ảnh: Thành Công) |
|
Các phương tiện qua cầu Bãi Cháy được hỗ trợ vận chuyển miễn phí. (Ảnh: Thành Công) |
Ở một số đảo hiện có khách du lịch mắc kẹt, như đảo Cô Tô có 9 khách, xã đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà) có 10 khách, trong đó có 2 trẻ em, đảo Quan Lạn và Minh Châu (huyện Vân Đồn) có 15 du khách, trong đó có 8 khách nước ngoài. Các địa phương này đã chỉ đạo các khách sạn, nhà nghỉ phục vụ chu đáo cho du khách, đồng thời chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, không để người dân trên đảo bị đói trong thời gian bão.