Món ăn Việt Nam vô cùng khó quên với sự cân bằng hoàn hảo của vị mặn, ngọt, chua, cay.
Gỏi cuốn
Đây là một món ăn đường phố vô cùng phổ biến ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Thành phần của gỏi cuốn rất đa dạng và ngẫu hứng nhưng cơ bản gồm rau và thức ăn. Các loại rau trong gỏi cuốn rất đa dạng với xà lách, rau diếp, rau mùi, chuối xanh, khế chua... còn đồ ăn cuốn cùng có thể là thịt nướng, tôm, cua... tuỳ ý. Gỏi cuốn có thể chấm với nước mắm chua ngọt hoặc thứ nước xốt đặc sánh được làm kì công từ gan, đậu phộng...
Bánh mì
Món bánh mì của Việt Nam đã tạo nên một cơn sốt ẩm thực trên toàn thế giới. Chiếc bánh mì nóng giòn, đầy ắp với nhiều rau xanh nộm, pate béo ngậy và các loại thịt có thể thoả mãn bất cứ thực khách nào, cho dù là người khó tính nhất.
Bánh xèo
Bánh xèo là món ăn được cả người bản địa bánh lẫn du khách ưa thích. Món bánh này thường có kích thước rất lớn, lớp vỏ bên ngoài thường mỏng, giòn, bên trong là lớp nhân gồm tôm, thịt heo (thịt bò), giá đỗ, trứng, vỏ mỏng, giòn tan. Loại bánh được gọi là bánh pancake của Việt Nam này thường được ăn kèm với rất nhiều rau xanh và chấm với nước mắm chua ngọt hoặc nước xốt được chế riêng từ gan và nhiều loại gia vị khác.
Bún chả
Được coi là một đặc sản Hà Nội, bạn sẽ tìm thấy bún chả tại mọi nơi trong thành phố, từ những quán vỉa hè cho đến nhà hàng, nhưng bún chả, ngon nhất vẫn là ăn ở những quán bình dân. Những miếng thịt được tẩm ướp đậm đà nướng trên than hoa nóng hổi, ăn kèm nước mắm pha và bún trắng nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đã mê hoặc biết bao du khách khi đến Việt Nam.
Phở
Không rõ đã có biết bao bài báo viết về món ăn Việt này với những lời ca tụng tuyệt vời nhất. Một bát phở cơ bản bao gồm bánh phở, thịt bò hoặc thịt bò, chút hành hoa rồi được chan thứ nước dùng có vị ngọt thanh ninh từ xương. Người ta có thể ăn phở vào bất cứ lúc nào, từ bữa sáng, bữa trưa, bữa tối hay ăn đêm mà đều cảm thấy ngon miệng và thích thú.
Cao lầu
Cao lầu được xem là một trong những món ăn ngon nhất miền Trung Việt Nam, đặc biệt là ở Hội An. Một tô cao lầu gồm có sợi mì vàng thái dày sợi ăn kèm với thịt xíu, một ít sợi mì cắt miếng vuông vừa ăn chiên giòn, lạc, tép mỡ chan với chút nước xốt vừa đủ để làm tô mì ướt và có vị đậm đà. Cao lầu thường được ăn kèm với rất nhiều rau sống và bánh tráng. Nhiều người cho rằng, nếu không có rau sống Trà Quế, có lẽ cao lầu khó có thể ngon đến thế.
Chả cá
Chả cá được xem là một món ngon nổi bật và cực kỳ tinh tế của ẩm thực Việt. Để có chả cá ngon, người ta phải làm rất cầu kỳ, từ khâu chọn cá cho đến các gia giảm, tẩm ướp. Chả cá thường được chiên trên một chiếc chảo nhỏ với dầu ăn với hai loại rau gia giảm chính là hành và thì là. Món này được ăn kèm với bún trắng, lạc rang và đương nhiên không thể thiếu mắm tôm.
Mì Quảng
Nhắc đến đặc sản miền Trung, đương nhiên không thể bỏ qua mì Quảng - món ăn dân dã quen thuộc với mỗi người, mỗi nhà trên mảnh đất Quảng Nam nắng gió. Thành phần làm nên tô mì Quảng gồm có sợi mì gạo và một trong số các loại nhân như thịt gà, thịt lợn, cá, tôm, một số nơi còn có thêm trứng. Cũng như những món ăn miền Trung khác, mì Quảng được ăn với rất nhiều rau sống, trong đó đặc trưng nhất là rau cải mầm và rau bạc hà. Nước dùng của mì Quảng không nhiều nhưng có vị cay rất đặc trưng.
Nộm hoa chuối
Món ăn này gồm có sợi hoa chuối xắt nhỏ trộn cùng giá, lạc, chút rau thơm trộn đều với nước cốt chanh và chút ớt. Nộm hoa chuối thanh mát, dễ ăn và là món ăn ưa thích của rất nhiều người. Món nộm này thường không trộn cùng thịt, nếu muốn món ăn thêm giòn, bắt miệng, người ta có thể dùng thêm tai heo.
Cơm tấm
Cơm tấm là món ăn đường phố vô cùng được yêu thích tại Sài Gòn, người ta có thể ăn cơm tấm vào buổi sáng, buổi trưa hay buổi tối đều được. Ở mỗi hàng, cơm tấm sẽ có chút hương vị khác nhau, nhưng về cơ bạn, một phần ăn có cơm, thịt sườn nướng, trứng chiên, chả cua ăn với nước mắm chua ngọt.
(Theo Trí Thức Trẻ)