(VEF.VN) - Việt Nam đang phải nhập khẩu xăng dầu và nhiều sản phẩm hóa dầu khác nên còn nhiều "đất" cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để một dự án lọc dầu đi vào hiện thực và hoạt động hiệu quả lại là vấn đề khác.

Mới đây, Tập đoàn Khang Thông đã ký hợp đồng thiết kế kỹ thuật Dự án Nhà máy Lọc dầu với Tập đoàn STFE và Công ty PTTES (Thái Lan) , có công suất khoảng 12 triệu tấn/năm, dự định đặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định). Một lần nữa, danh sách các dự án lọc dầu của Việt Nam đang dài thêm ra.

Việt Nam đang phải nhập khẩu xăng dầu và nhiều sản phẩm hóa dầu khác nên còn nhiều "đất" cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để một dự án lọc dầu đi vào hiện thực và hoạt động hiệu quả lại là vấn đề khác.

Khó tìm kiếm liên doanh

Theo ông Nguyễn Văn Thuyết, công tác tại Ban QLDA Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn, nền công nghiệp dầu khí Việt Nam hiện tại còn non trẻ. Các dự án dầu khí thường đòi hỏi công nghệ hiện đại, phức tạp và có tổng vốn đầu tư lớn. Do vậy, việc tìm kiếm, thành lập công ty liên doanh để tận dụng lợi thế sẵn có và kinh nghiệm của các đối tác nước ngoài là điều mà các nhà đầu tư phía Việt Nam rất mong muốn.

Tuy nhiên, việc tìm được đối tác ngoại để lập công ty liên doanh nhằm triển khai một dự án lọc dầu lớn tại Việt Nam là hết sức khó khăn.

Đối tác này phải đáp ứng được những điều kiện của phía Việt Nam, như có kinh nghiệm trong vận hành các nhà máy lọc dầu (do đây là dự án công nghệ cao, Việt Nam chưa làm chủ và kiểm soát được); có khả năng thu xếp vốn (lọc dầu cần số vốn đầu tư lớn, cần một định chế tài chính lớn đứng ra cam kết cho vay); đảm bảo nguồn dầu thô cho cả đời dự án, không sử dụng dầu thô trong nước vì trữ lượng khai thác đang hụt; bao tiêu xuất khẩu một phần sản phẩm hoá dầu.

Cho đến nay, trong tất cả các dự án lọc dầu, duy nhất có dự án khu Liên hợp Lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá) tìm kiếm được đối tác nước ngoài đáp ứng đầy đủ những tiêu chí trên và đi đến thành lập liên doanh lọc hoá dầu.
Đã dư thừa công suất, bao nhiêu nhà máy khác sẽ đi vào hoạt động? (ảnh minh họa)

Trong số 3 đối tác liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thành lập liên doanh Khu liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn, Công ty Idemitsu Nhật bản (IKC) đang sở hữu và vận hành 4 nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản. IKC cũng có khả năng thu xếp vốn với giá trị khoảng 4 tỷ USD cho dự án. Công ty Dầu mỏ quốc tế Cô oét (KPI) là công ty con của công ty Dầu lửa Quốc gia Cô Oét (KPC) chuyên cung cấp dầu thô cho thị trường thế giới, đảm bảo nguồn dầu thô cho cả đời dự án; Công ty hóa dầu Mitsui (MCI) sẽ bao tiêu sản phẩm hoá dầu và sẽ cung cấp các bản quyền công nghệ các phân xưởng hoá dầu.

Còn lại, cho tới nay chưa có dự án lọc dầu thứ 2 nào thành công trong viêc tìm kiếm đối tác liên doanh. Điển hình nhất là dự án lọc dầu Dung Quất, sau hàng chục năm tìm kiếm đối tác, cuối cùng phải chuyển về hình thức Việt Nam tự đầu tư.

Dự án lọc dầu Cần Thơ do Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Viễn Đông và Công ty Semtech Limited B.V.I (Mỹ) góp vốn đầu tư. Liên doanh này đã được thành lập và được UBND TP. Cần Thơ cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 21/5/2008, công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 538 triệu USD. Tuy nhiên sau đó Công ty Semtech Limited đã quyết định rút lui khỏi liên doanh. Suốt thời gian dài qua Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Viễn Đông đã tìm kiếm đối tác liên doanh mới, nhưng đến nay vẫn "bó tay".

Năm 2009, Công ty cổ phần Hapaco (Hải Phòng) cũng thuê đối tác từ Cộng hòa Liên bang Đức lập một dự án lọc dầu công suất 5 triệu tấn/năm, trên diện tích 170 ha địa điểm KCN Nam Đình Vũ, vốn đầu tư 1,8 tỷ USD. Hapaco dự kiến góp 20% vốn, số còn lại kêu gọi các đối tác nước ngoài tham gia, tuy nhiên cũng chưa thấy có kết quả.

Tại Khánh Hòa, từ 2008, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và các đối tác đã đăng ký đầu tư dự án tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong với số vốn khoảng 4 tỷ USD, hiện cũng trong quá trình tìm kiếm đối tác.

Việc các nhà đầu tư quốc tế hờ hững, theo ông Thuyết, là do lợi nhuận ngành lọc dầu thấp; chi phí đầu tư quá cao dẫn đến khó khăn trong việc thu xếp tài chính và hiệu quả dự án không cao; sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nhà máy lọc dầu trong khu vực, đặc biệt là từ Singapore; các tập đoàn dầu khí lớn đều có các nhà máy lọc dầu trong khu vực nên không muốn đầu tư thêm để cạnh tranh với chính họ.

Ngay cả khi tìm được các đối tác đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên và có mong muốn cùng hợp tác thì kết quả cũng không được như ý muốn. Khó khăn ở đây là làm thế nào dung hoà được lợi ích và rủi ro của các bên tham gia dự án. Tại các dự án dầu khí lớn, vấn đề này càng được coi trọng vì bản thân dự án chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, khó lượng hoá như thị trường sản phẩm, kỹ thuật công nghệ, hiệu quả đầu tư, khả năng thu xếp tài chính, chính sách pháp luật của nước sở tại, các đối thủ cạnh tranh, mong muốn khác nhau của các đối tác, chiến lược phát triển của các bên hay văn hoá hợp tác...
Dự án lọc dầu Nghi Sơn cũng mất 4 năm tìm đối tác, chưa kể có sự hỗ trợ lớn của CP trong việc thu xếp vốn (ảnh doanh nhân)

Lọc dầu Nghi Sơn cũng phải mất tới 4 năm tìm kiếm đối tác và đàm phán. Theo ông Thuyết, thực tế có những thời điểm bế tắc, tưởng như phải bỏ dở giữa chừng.

Sau khi Chính phủ đồng ý gói ưu đãi về thuế, đất đai cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào nhà máy, khấu hao, ngoại hối, quyền phân phối của nhà đầu tư nước ngoài... thì mọi chuyện mới suôn sẻ. Có thể nói, gói ưu đãi của Chính phủ chính là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của liên doanh Lọc dầu Nghi Sơn.

Dự án nào sẽ sống sót?


Vấn đề khó khăn nhất mà các DN có tham vọng "dấn thân" vào công nghiệp lọc dầu là vốn đầu tư lớn. Thực tế cho thấy, hiện nay, việc đầu tư vào các dự án lọc dầu dưới 2 triệu tấn/năm không đem lại hiệu quả. Muốn hiệu quả phải đầu tư dự án lớn với công suất cả chục triệu tấn/năm. Dự án lớn đương nhiên sẽ đòi hỏi vốn đầu tư lớn với hàng tỷ USD. Số vốn này thường vượt quá khả năng thu xếp của các DN Việt Nam.

Cho đến nay, lọc dầu Dung quất là dự án lớn do Việt Nam tự đầu tư với số vốn lên tới 3 tỷ USD, nhưng đây là dự án trọng điểm quốc gia được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Còn với các dự án của DN khác phải tự huy động vốn thì rất khó khăn nếu không có các định chế tài chính lớn đứng ra thẩm định và cam kết cho vay.

Ngay như dự án lọc dầu Nghi Sơn, tháng 4/2008, hợp đồng liên doanh xây dựng Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm đã được ký kết, nhưng tới nay, các nhà đầu tư vẫn chưa thể khởi công xây dựng nhà máy chính của Khu liên hợp. Lý do quan trọng vẫn là chưa thu xếp tài chính cho dự án có quy mô vốn ước tính lên tới 7 tỷ USD này.

Ngoài vốn, còn nhiều vấn đề phức tạp khác đang chờ đợi các DN. Đó là nguồn dầu thô cung cấp cho nhà máy lọc dầu sẽ lấy ở đâu? Đảm bảo nguồn dầu thô là nhân tố quyết định đến vận hành ổn định của dự án. Bên cạnh đó, thời gian xây dựng dài, công nghệ vận hành phức tạp trong khi lợi nhuận rất hạn chế nên việc đầu tư mang tính rủi ro cao.

Theo tính toán, dự án lọc dầu phải có mức sinh lợi IRR (chỉ số hoàn vốn nội tại) từ 13-17% mới đem lại hiệu quả, trong khi khả năng sinh lợi của bản thân dự án chỉ khoảng 6-8%. Do vậy, đa phần nhà đầu tư đều yêu cầu Chính phủ phải có các ưu đãi nhất định nhằm đảm bảo đạt được hiệu quả tối thiểu cho dự án. Và đây là yêu cầu tiên quyết cho bất kỳ nhà đầu tư quan tâm nào.

Muốn vậy các DN phải tìm kiếm các hỗ trợ về bảo lãnh, chính sách ưu đãi từ phía Chính phủ. Ngay cả giờ đây, khi NMLD Dung Quất đã gần hết thời gian bảo hành 2 năm đầu tiên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam vẫn đang phải xin thêm một số cơ chế tài chính, nhằm tạo điều kiện cho Nhà máy làm ăn có hiệu quả.

Nhưng không phải dự án nào cũng sẽ tìm kiếm được gói ưu đãi của Chính phủ. Hiện chỉ có những dự án lọc dầu thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam như Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn nằm trong nhóm dự án quan trọng quốc gia, là được ưu đãi. Còn các dự án lọc dầu khác không được ngân sách hỗ trợ, không được ưu đãi trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho nhà máy...

Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện có nhiều nhà máy lọc dầu và đang dư thừa công suất. Nếu các dự án không tính toán cẩn thận về hiệu quả, thì rủi ro sẽ khó tránh khỏi, nhất là với các dự án sinh sau đẻ muộn.

Các dự án lọc dầu ngày càng nhiều và câu hỏi đặt ra là liệu có bao nhiêu dự án lọc dầu sẽ trở thành hiện thực, đi vào hoạt động, đem lại hiệu quả?

Trần Thủy