* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Mỗi bộ phim sau một thời gian lên sóng đều nhận được những bình luận của khán giả. Do khả năng thẩm định về nghệ thuật và “gu” thẩm mỹ khác nhau nên những lời khen chê luôn khác biệt, có thể đối lập nhau. Còn về phía những nhà làm phim, đặc biệt là biên kịch và đạo diễn cũng không phải là tài giỏi hết, vì vậy mỗi bộ phim dù hay đến mấy ít nhiều cũng có những chi tiết chưa thật hấp dẫn thậm, chí được coi là gượng gạo, khiên cưỡng mà ta gọi đó là những “hạt sạn”. Bão ngầm cũng không ngoại lệ.
Vấn đề là cần bình tĩnh lắng nghe, biết chọn lọc để tiếp thu những gì chưa phù hợp làm cho bộ phim mang lại cả về giá trị nghệ thuật và giá trị về giáo dục. Vậy mà sau những khen chê của công chúng, tôi lại thấy về phía những nhà làm phim Bão ngầm -mà đại diện là TS. Đào Trung Hiếu - biên kịch kiêm phó đạo diễn có những ý kiến phản hồi không chân thành cho lắm!
Trước hết ông Hiếu cho rằng: “Nhiều người đang ‘buộc tội’ Bão ngầm” là không đúng. Các cụ thường nói: “Cây ngay không sợ chết đứng”. Nếu không có tội thì ai buộc được? Và coi những lời nhận xét, phê bình (chê) là những lời buộc tội đã làm cho vấn đề nặng nề thêm mà chỉ có những người “thích khen hơn thích chê” mới sợ những lời buộc tội. Một khi khán giả còn bình luận tức là còn quan tâm đến phim. Khi công chúng chán đến nỗi không quan tâm nữa thì chẳng còn gì phải tranh luận.
Ông Hiếu nói với VietNamNet rằng Bão ngầm không phải công cụ tô vẽ cho hình tượng nào đó. Nó phản ánh hiện thực nhưng chủ đề là chiến công của bạn bè đồng đội và của chính tác giả. Ông muốn kể thế nào là công an, thế nào là điều tra. Xin thưa rằng, không phải là tô vẽ một chiều (tô hồng) nhưng phảỉ xây dựng được hình tượng người công an nhân dân với những phẩm chất tốt đẹp của họ chứ. Còn việc kể cho mọi người biết thế nào là công an, thế nào là điều tra thì nhiều bộ phim cảnh sát hình sự cũng đã làm điều đó rồi, người xem cần cái mới hơn ở Bão ngầm.
Có một số tình tiết phim tôi đồng tình với nhận xét của nhiều người là khiên cưỡng, gượng gạo, không đúng thực tế. Trong đó nổi lên 3 vấn đề như: tình cảm của nữ trinh sát Hạ Lam quá dễ dãi, hời hợt. Chưa biết gì về Hải Triều nhưng Hạ Lam đã đem lòng yêu đến khi vừa chia tay với Hải Triều lại nảy sinh tình cảm với bác sĩ Hùng - em trai đối tượng Đức vốn là người mà Hạ Lam được giao nhiệm vụ tiếp cận điều tra.
Hải Triều thì vì ghen tuông mà suýt nữa làm hỏng việc, lại còn dùng rượu “giải buồn”, say xỉn, mất hết lý tính... Rồi việc trong phim xưng hô “thằng” nọ, “thằng” kia. Những vấn đề này được T.S Đào Trung Hiếu lý giải rằng đó mới là “đời”, là “thực" nghe không thuyết phục.
Với Hải Triều, ông Hiếu cho rằng ông xây dựng nhân vật này là một trinh sát rất giỏi nhưng trong cuộc sống đời thực lại vô cùng khờ khạo. Anh ta cũng rất “người” nên mắc phải những sai lầm, bởi không ai là hoàn thiện. Đúng là không ai hoàn thiện nhưng với những gì diễn biến trong phim về tính cách, bản lĩnh, tinh thần và mưu trí của Hải Triều thì khi thấy bác sĩ Hùng âu yếm với Hạ Lam có chăng chỉ là những dằn vặt, buồn bực và tìm cách rút Hạ Lam về chứ không đến nỗi nhảy bổ vào dùng vũ lực như thế.
Về ý kiến không đồng tình việc xưng hô “thằng” nọ, “thằng” kia, biên kịch kiêm phó đạo diễn Đào Trung Hiếu khẳng định: “Bộ phim Bão ngầm là cuộc đối đầu với những quan niệm chật hẹp về người công an nhân dân trên phim. Thực tế chúng tôi chỉ gọi nhau là đồng chí khi họp hay những dịp trang trọng, bình thường chúng tôi xưng hô rất tự nhiên, gần gũi với đời sống. Tôi mô tả đúng những gì chúng tôi đã trải qua. Tôi viết thoại bám sát hiện thực. Những người quen tô vẽ người lính hoàn mỹ không thích cách xưng hô này cũng là dễ hiểu".
Đúng là trong thực tế chỉ cần xưng hô đồng chí, trong khi sinh hoạt nhưng ngoài đời thường cũng không phải xưng hô một cách xô bồ tùy tiện được. Ngoại trừ đồng trang lứa ngoài lúc công việc, khi vui chơi với nhau có thể xưng hô mày tao cũng không sao. Nhưng khi trao đổi công việc, nhất là cấp trên nói đến cấp dưới không dùng từ "đồng chí" thì ít nhất cũng dùng từ “cậu”. Quá lắm thì dùng từ “hắn” khi không có thiện cảm chứ không thể xưng hô thằng nọ, thằng kia được.
Ông Đào Trung Hiếu khẳng định rằng: “Tôi viết thoại như thế là bám sát hiện thực” thì cái hiện thực ấy ở đâu chứ không phải ở Việt Nam, không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Còn ông nói ý rằng: “Những người quen tô vẽ người lính hoàn mỹ mới không thích cách xưng hô này” thì phải coi đó là lời nói càn bởi ai có văn hóa cũng không đồng tình cách xưng hô như vậy.
Cuối cùng tôi muốn đề cập đến một quan điểm có tính chất chi phối toàn bộ thái độ, ý thức tiếp thu những ý kiến phê bình phim Bão ngầm của tác giả kịch bản kiêm phó đạo diễn Đào Trung Hiếu. Đó là đừng cho mọi ý tưởng, mọi điều mà tác giả tìm tòi, đổi mới trong bộ phim đều phù hợp, mọi ý kiến phê bình (chê trách) là “bới lông tìm vết”. Đừng nghĩ rằng ai chê trách là phủ nhận toàn bộ giá trị của bộ phim và công lao của toàn bộ ê-kíp. Hãy khiêm tốn lắng nghe để đưa ra sự tiếp thu bằng những lý giải thuyết phục hơn.
Độc giả Lê Huy Toàn