* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Qua các bài đã tham gia ý kiến phim Bão ngầm đang chiếu trên VTV của VietNamNet tôi thấy có hai luồng ý kiến đã nói rõ quan điểm của các độc giả: khen và chê. Tôi cũng xin tham gia một số ý kiến.
Truyền thông nói chung, điện ảnh nói riêng là đối tượng phục vụ nhân dân, phục vụ độc giả nên nó đã mang vai trò “làm dâu trăm họ”. Do vậy có ý khen, lời chê là tất nhiên và là điều đáng mừng, bởi độc giả có quan tâm, có tâm huyết mới nhận xét, góp ý để phim ngày một hay hơn, tốt hơn. Sợ nhất phim ảnh chiếu ra chẳng ai thèm tham gia góp ý mới buồn, mới sợ.
Bởi qua sự phân tích của mỗi người có một cách nhìn, cách đánh giá cái được, cái chưa được khác nhau mà phim ảnh lại là một sản phẩm văn hóa do nhiều yếu tố tạo thành nên từ đó để tác phẩm hoàn chỉnh và rút kinh nghiệm.
Tôi đồng tình với nhận xét và đánh giá của độc giả Hà Hoài: “Bão ngầm là phim phân tích hiện thực, không chiều lòng khán giả”. “Đây là một bộ phim về cảnh sát hình sự đáng xem bởi nó phân tích hiện thực một cách trần trụi ngành công an”.
Nếu tôi không nhầm phim Bão ngầm là phim đầu tiên đề cập tới nhiều vụ án; nhiều mặt (cả tích cực, cả tiêu cực) trong một đơn vị công an cấp tỉnh. Nhiều hình ảnh giầu tính chiến đấu trong phá án như thật đã được dàn dựng khá công phu, khá hiện thực, nhiều cảnh trong phim rất đời thường.
Tất nhiên tôi hiểu có một số lĩnh vực về nghiệp vụ chuyên môn của ngành công an nói chung, phá án nói riêng không cho phép đưa lên phim.
Phim dám nêu những con người thoái hóa biến chất trong lực lượng, mặc áo công an lại bắt tay với đối tượng mà đồng nghiệp, đồng đội của mình đang phá án, đang chiến đấu sống mái với tội phạm. Đây là điều có thực mà thời gian qua các cơ quan pháp luật đã đưa ra ánh sáng.
Tôi nể đạo diễn của phim nói về công an mà dám mạnh dạn đưa cảnh quan hệ nam nữ với đồng nghiệp, phản bội người yêu lên phim.
Dẫu biết rằng các cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân cũng là con người bằng xương bằng thịt nên họ cũng yêu, cũng có tình cảm như triệu triệu con người nhưng đôi khi văn học đã thần tượng hóa họ như siêu nhân nên không dám đề cập đến yêu đương lãng mạn, không dám đề cập đến mặt tiêu cực về tổ chức về con người cho đó là sự động chạm.
Chính chúng ta sợ động chạm, ngại đấu tranh nên mới mất mát những tướng lĩnh đã vào sinh ra tử, nay chỉ vì cám dỗ của đồng tiền, tình ái, vật chất mà không giữ được lời thề, không giữ được khí tiết và phẩm giá của một con người.
Qua phim này tôi tin rằng nhiều cấp trong lực lượng công an và các ngành khác sẽ soi lại mình, nhiều cấp coi đây là những bài học rất bổ ích trong công tác tổ chức, cán bộ và quản lý con người.
Còn ý kiến của độc giả Nhật Minh cho rằng: “Bão ngầm là phim giờ vàng mà như trò đùa. Tôi sợ nhận xét như bạn có khắt khe quá không? Bởi từ nội dung đến kết cấu của phim không có chỗ nào coi thường khán giả, nên nhận xét như bạn với phim là chưa khách quan!
Còn ý kiến cảu độc giả Yến Lê: “Càng xem Bão ngầm càng thấy nhạt, tình tiết dài dòng gây ức chế”.
Tôi hiểu Bão ngầm nó xảy ra ở một đơn vị công an cấp tỉnh, vụ án đầu tiên là phá án buôn ma túy, qua vụ án này mới phanh phui vụ án mua bán 2.000 bánh heroin và từ vụ án này mới phát hiện hệ thống đường dây sản xuất và ông trùm buôn ma túy…
Trong Bão ngầm ngay chính nội bộ của đơn vị công an này từ công tác cán bộ, đến nội tình có một số cán bộ thoái hóa biến chất, cơ hội đã lợi dụng cảnh phục và sắc phục công an để làm ăn phi pháp, bán rẻ đồng đội… Do đó nó dài, nhiều tình tiết là đúng. Tất nhiên tôi tán thành có một số tiểu tiết trong phim dài dòng.
Còn việc phim có những “hạt sạn”, những “hạt sạn” đã nêu tôi đồng tình. Nhưng tôi nghĩ ngay phim của Hollywood cũng còn có sạn nên phim của chúng ta nếu có sạn thì xin hãy chấp nhận và tham gia góp ý để phim ngày một tốt hơn.
Tôi đồng tình với các bạn xem phim giờ vàng của VTV rất ức chế bởi thời gian quảng cáo chiếm đến gần 50% thời lượng dành cho phim nên ta nghĩ rằng phim dài lê thê, thực ra thời lượng của mỗi tập phim không quá 20 phút. Nhân đây tôi đề xuất VTV cần xem xét, cải tiến cách quảng cáo để cho khán giả không bị quảng cáo làm ức chế khi xem phim.
Độc giả Đỗ Hữu Diên (Hà Nội)