Tuần báo quốc phòng của Mỹ IHS Jane's dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein nói với báo chí ngày 26/1 cho biết, Malaysia đang xem xét trang bị một hệ thống phòng không cho căn cứ hải quân RMN Kota Kinabalu ở Teluk Sepanggar và coi đây là cách ngăn chặn trước những mối đe dọa có thể xảy ra.


{keywords}
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein. Ảnh: Asiaone

Căn cứ hải quân RMN Kota Kinabalu ở gần Biển Đông. Ông Hishammuddin cung cấp thông tin nói trên trong một chuyến thăm căn cứ để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Ông nói, căn cứ này cần một hệ thống phòng không hiện đại để tăng cường khả năng bảo vệ.

RMN Kota Kinabalu là căn cứ duy nhất có khả năng đủ trang bị cần thiết phục vụ hai tàu ngầm lớp Scorpene của Hải quân Hoàng gia Malaysia. Hiện tại, Malaysia đang không ngừng mở rộng khả năng hải quân khi ở vị trí là nước có những lộ trình hàng hải chiến lược vây quanh, phụ thuộc nhiều vào thương mại đường biển, và phải đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực bảo vệ các lợi ích (như ông Hishammuddin chỉ ra bao gồm tranh chấp Biển Đông, nguy cơ IS).

Theo giới quan sát, trong năm 2014, Malaysia đã phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh bất ngờ. Việc tàu TQ đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở Biển Đông đã phần nào thể hiện những hạn chế của hải quân nước này. Mối đe dọa từ nhà nước Hồi giáo cũng ngày càng lớn dần. Bất kỳ mối đe dọa nào trong số này làm gián đoạn năm Chủ tịch ASEAN của Malaysia cũng sẽ là thảm họa, nhất là khi Cộng đồng ASEAN chuẩn bị hoàn tất.

Thức tỉnh hàng hải

Cuối tháng 1 năm trước, ba chiến hạm TQ gồm một tàu đổ bộ và 2 tàu khu trục đã tiến hành tuần tra gần bãi cạn James - khu vực tranh chấp với Malaysia ở Biển Đông. Bãi cạn này cách Malaysia khoảng 80km, cách Brunei chưa đầy 200km và cách bờ biển TQ tới 1.800km, vượt ra cả ngoài giới hạn "bản đồ 9 đoạn" mà TQ tự đưa ra với yêu sách bao trùm hầu hết Biển Đông.

Ông Tang Siew Mun, một chuyên gia về chính sách đối ngoại tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế của Malaysia nói: “Sự việc xảy ra ở bãi cạn James một lần nữa nhắc nhở chúng tôi cần sẵn sàng để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình”.

Mặc dù không đưa ra phản ứng công khai, nhưng các nhà ngoại giao Maylaysia đang hoạt động tích cực hơn trong việc tìm kiếm một lập trường chung với các quốc gia thuộc ASEAN trong các cuộc đàm phán với TQ liên quan đến Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Bắt đầu vào cuối 2013, Malaysia đã công bố kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân mới ở Bintulu, thị trấn lớn nhất ở Sarawak và là vùng lãnh thổ của Malaysia gần bãi cạn James nhất.

Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Malaysia Tang Siew Mun cho rằng, chính phủ Malaysia đang đặt tầm quan trọng lớn hơn vào các lợi ích hàng hải. Ông mô tả: "Động thái này cho thấy sự chuyển hướng trong tư duy của Malaysia ở cương vị một quốc gia hàng hải đồng thời gửi tín hiệu cho các đối tác khác rằng, họ quyết tâm đẩy lùi bất kỳ thử nghiệm nào đối với lợi ích lãnh thổ và chủ quyền”.

Malaysia là một trong 4 nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - vùng biển bất chấp sự chồng lấn nhưng TQ vẫn đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết diện tích, kể cả các ranh giới lượn sát bờ biển nước khác.

Thái An (theo Diplomat)