“Đối với năm 2015: Thu phí BHYT học sinh sinh viên của những tháng còn lại của năm 2015, thời hạn ghi trên thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT. Chỉ thực hiện hiện thu phí BHYT một lần từ tháng 10/2015 đến 31/12/2016 nếu học sinh sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng…”.
Trên đây là nội dung trích trong Công văn hỏa tốc số 3592/BHXH - BT do bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH VN ký ban hành chiều ngày 18/9, chỉ đạo việc thu BHYT học sinh sinh viên năm học 2015-2016.
Đây là phản ứng tích cực và nhạy bén của BHXH VN ngay khi có nhiều thông tin về việc một số tỉnh, thành đang thu BHYT theo nhiều mức khác nhau.
Việc hướng dẫn cụ thể từng thời gian thu BHYT năm học 2015-2016, giúp phụ huynh chủ động chọn mức kinh phí phù hợp với túi tiền. |
Thậm chí một số nơi còn thực hiện việc thu BHYT “một gói” 15 tháng, đây là điều không được quy định trong Thông tư 41/TTLT-BTC-BYT hướng dẫn về việc thu BHYT học sinh sinh viên năm học 2015-2016.
Việc thu BHYT học sinh , sinh viên ảnh hưởng trực tiếp tới bao nhiêu đối tượng? Báo cáo của BHXH VN, cả nước hiện có khoảng 15 triệu học sinh - sinh viên đang tham gia BHYT. Số liệu về nhóm đối tượng tham gia BHYT học sinh sinh viên đang tăng dẫn theo từng năm. Theo đó: - Năm học 2010-2011, toàn quốc có gần 70% HSSV tham gia BHYT. - Năm học 2012-2013, tỷ lệ này là khoảng 80%. Năm học 2013-2014, tỷ lệ này là 85%. - Năm học 2014-2015, tỷ lệ này là 88,5% tương ứng với khoảng 15 triệu HSSV có thẻ BHYT (trong đó 12,3triệu HSSV đang tham gia tại nhà trường và 3,7 triệu HSSV tham gia BHYT tại các nhóm khác). |
Theo công văn 3592/BHXH - BT ban hành chiều 18/9, BHXH VN hướng dẫn việc thu BHYT năm học 2015-2016 sẽ tách ra thành nhiều cách nhưng không được thu gộp thành 15 tháng.
Cụ thể: Trong 3 tháng còn lại của năm 2015, việc thu sẽ tách biệt so với năm 2016 và chỉ thu riêng 3 tháng này. Điều này có nghĩa là BHXH VN sẽ cấp thẻ BHYT cho học sinh sinh viên theo 3 tháng cuối năm 2015.
Sang năm 2016, BHXH VN hướng dẫn việc thu theo 6 tháng hoặc 12 tháng. Thời hạn ghi trên thẻ tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT.
Liên quan tới việc thu 15 tháng, BHXH VN chỉ chấp nhận việc thu 15 tháng nếu học sinh, sinh có nguyện vọng và tự nguyện nộp.
Đây là điểm nhấn thể hiện quan điểm rõ ràng nhất từ trước tới nay của cơ quan BHXH VN.
Điều này giúp tránh tình trạng thu tự phát diễn ra tại nhiều địa phương thời gian qua. Theo đó, có tỉnh thực hiện việc thu BHYT theo 6 tháng, 12 tháng thậm chí thu gộp 15 tháng.
Bên cạnh đó, việc quy định tách rời thời gian cũng phần nào giúp các bậc phụ huynh đỡ đi phần nào kinh phí trong tổng số các khoản tài chính phải nộp cho nhà trường đầu năm học.
Công văn 3592/BHXH - BT cũng nêu rõ, BHXH các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các sở GD ĐT để rà soát lại các văn bản hướng dẫn liên ngành và kịp thời điều chỉnh những nội dung hướng dẫn chưa đúng với quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn (nếu có) trong việc tổ chức thu BHYT học sinh sinh viên năm học 2015-2016.
Đánh giá về việc BHXH VN đưa ra công văn hướng dẫn việc thu BHYT theo các mức cụ thể, nhiều phụ huynh học sinh đã có ý kiến phản hồi. Chị Nguyễn Thu Duyên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội): Việc hướng dẫn cụ thể như thế giúp chúng tôi hiểu rõ là có thể chi ra mức tiền tối thiểu nộp BHYT cho con, trong điều kiện nhiều khoản tiền phải đóng cho con đầu năm học. Anh Đoàn Văn Thuận (Yên Phong, Bắc Ninh): Gia đình tôi làm nông nghiệp nên các khoản tài chính nộp cho cháu đi học thực sự khó khăn. Mấy hôm rồi tôi cũng chưa hiểu lắm về việc nộp BHYT cho cháu đi học cấp 2. Nếu như quy định mới của BHXH VN, tôi sẽ chọn đóng 3 tháng cuối năm 2015, sau đó tính tiếp sang năm 2016. Chị Trương Thị Mai (Phổ Yên, Thái Nguyên): Tôi có hiểu năm 2015, việc thu BHYT có nhiều thay đổi vì có chính sách mới. Nếu BHXH VN ban hành quy định về thu phí như thế này sớm hơn thì sẽ giúp nhiều nhà trường và bậc phụ huynh đỡ thắc mắc. Tuy nhiên đây cũng là điều cần làm để giúp các bậc phụ huynh và cháu có điều kiện yên tâm học tập trong năm học mới. |
(Theo Dân Trí)