Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ năm ngoái, giá vàng trong và ngoài nước đã đồng loạt tăng mạnh. Có những thời điểm, giá vàng trong nước đã được các doanh nghiệp đầu mối bán ra cho người tiêu dùng với giá hơn 60 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và có nhiều dấu hiệu tích cực, giá vàng đã bị chặn đứng đà tăng. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, giá vàng vẫn neo ở mức khá cao so với trước thời điểm bùng dịch bệnh Covid-19.

{keywords}
Hình minh họa

Cụ thể, tính đến 11h sáng hôm nay, giá vàng trong nước điều chỉnh tăng từ 70.000-150.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000-150.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch chiều hôm qua. Giá mua - bán đang ở mức 55,35-55,77 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng giao ngay trên thế giới đứng ở mức 1.754,5 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá VND/USD, giá vàng thế giới tương đương với 49 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 7 triệu triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.

Trước biến động không ngừng của giá vàng trong thời gian gần đây, nhiều người tỏ tâm lý e ngại khi "ôm vàng" tại thời điểm này. Bởi lẽ, dịch bệnh, các chính sách kinh tế luôn biến động từng ngày, từng giờ, kéo theo giá vàng lên xuống thất thường, không may "ôm hàng" sẽ tiền mất tật mang.

Theo kết quả khảo sát của Kitco về biến động của giá vàng trong tuần này cho thấy, trong 16 nhà phân tích thì có 6 ý kiến cho rằng giá vàng tăng và 5 ý kiến cho rằng giá vàng giảm, trong khi có 5 ý kiến cùng nhận định giá vàng đi ngang.

{keywords}
Biến động giá vàng trên sàn Kitco

Dưới góc độ nhà đầu tư tư nhân trên Main Street, trong số 1.611 phiếu được khảo sát thì có 1.003 ý kiến cho rằng giá vàng tăng, 364 ý kiến cho rằng giá vàng giảm và 244 ý kiến cho rằng giá vàng đi ngang.

Trong khi đó, một báo mới phát hành, Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) nhận định, đà tăng của giá vàng đang suy yếu do các nhà đầu tư lớn không còn hứng thú với vàng, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ có sức mua không đủ bù mức thiếu hụt để hỗ trợ giá vàng tăng.

Deutsche Bank cũng dự đoán, giá vàng có khả năng sẽ giảm xuống mức 1.500 USD/ounce, tương đương 42,1 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, khả năng giá vàng giảm mạnh như thế trong năm nay là điều không thể. Các nhà phân tích của Ngân hàng UBS (Thuỵ Sĩ) cho rằng, trong năm này, giá vàng sẽ giảm xuống còn khoảng 1.650 USD/ounce, khoảng 46,2 triệu đồng/lượng.

Việc giá vàng thế giới giảm mạnh ít nhiều sẽ có tác động đến thị trường trong nước. Thế nhưng, từ trước đến nay, giá vàng trong nước luôn có sự chênh lệch lớn với giá thế giới do chi phí vàng ở trong nước cao, các chi phí này bao gồm công chế tác, thuế nhập khẩu và các loại chi phí giao dịch, kinh doanh...

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp "độc quyền" cung cấp vàng miếng không thể để giá xuống quá thấp so với mức giá đảm bảo có lợi nhuận cũng khiến cho chênh lệch giá vàng thế giới và trong nước nới rộng.

Và để giá vàng trong nước lùi về mức 42 triệu đồng như dự đoán giá vàng thế giới phải cần một thời gian rất dài nữa.

(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)