- “Đừng mong ca trù có nhiều khán giả như nhạc trẻ. Nó giống như giao hưởng, lâu lâu mới có một buổi trình diễn là tốt lắm rồi’, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan nói.

Bài toán nước rút đối với giới chuyên môn là làm thế nào để các nghệ nhân ca trù lão thành có thể truyền hết được cho thế hệ kế cận loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam không vay mượn này.

Liên hoan Ca trù toàn quốc 2014 diễn ra tại Viện Âm nhạc Việt Nam từ ngày 26-29/8 như là một cuộc “tổng kiểm kê” di sản ca trù, để từ đó định ra những hướng đi nhằm đưa ca trù từ vị trí “cần được bảo vệ khẩn cấp” lên thành di sản “đại diện của nhân loại”.

VietNamNet có buổi trò chuyện với nhạc sĩ Đặng Hoành Loan, tổng đạo diễn của nhiều kỳ Liên hoan Ca trù toàn quốc.

{keywords}

Ca trù đã có lớp trẻ kế cận

5 năm sau khi được UNESCO xếp hạng “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp” chúng ta đã làm được những gì trong công cuộc phục hồi và phát triển ca trù? 

Khoảng những năm 2005, chữ ca trù hoàn toàn xa lạ, xa lạ ngay cả với những địa phương có di sản ca trù. Tôi đã đi điền dã hơn 70 xã ở 15 tỉnh, thành phố thì ngay cả những nhà quản lý văn hóa đều hỏi ‘ca trù là cái gì?’.

Vậy mà cho tới năm nay, từ lớp trẻ tới người già ở các tỉnh đều biết tới ca trù. Cộng đồng đã nhận ra rằng có một di sản ca trù được thế giới công nhận. Nếu trước kia chúng ta chỉ có 20 nghệ nhân biết hát và đến thời điểm hiện tại, 18 cụ đã về với thiên cổ nhưng chúng ta lại đang có đội ngũ kế cận cũng không kém cạnh, dù đương nhiên nếu so với các nghệ nhân là ‘báu vật nhân gian sống’ thì còn phải có thời gian. Đã có đội ngũ kế cận yêu nghệ thuật này, ‘yêu’ là không cần ai động viên và thực tế họ cũng ít nhận được sự động viên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tự vận động mà giờ đã hình thành đội ngũ hát ca trù lên tới vài trăm người thì chúng ta tin rằng ca trù sẽ khởi sắc. Nếu tính về số lượng, nó là một nguồn năng lượng vô cùng quý báu để truyền từ người này sang người khác. Còn nếu tính về nghệ thuật thì rõ ràng từ năm 2005, chúng ta chỉ có 2 tay đàn – thời điểm đó, nguy cơ không còn tay đàn lên đến đỉnh điểm, nếu không có tay đàn, ca trù sẽ ‘có biến’. Bây giờ chúng ta có 8 tay đàn chắc chắn.

Lúc đầu các lớp trẻ chỉ biết hát có 3 điệu: Hát nói, hát xẩm, hát ru nhưng cho tới nay họ đã hát thêm được 8 điệu nữa. Như vậy tổng cộng là 11 điệu trên tổng số khoảng hơn 40 điệu ca trù. Như vậy là bước tiến khả quan.

Đời sống của nghệ nhân ca trù đã ảnh hưởng đáng kể tới công cuộc phục hồi ca trù. Vậy bao giờ họ có thể sống bằng nghề thưa ông?

Chưa bao giờ đào- kép sống được bằng nghề, kể cả ngày xưa. Ngày xưa, đào- kép luôn sống bằng sự “bao sân” của cộng đồng chứ không có lương bổng gì. Các giáo phường được địa phương cho ruộng, cho đất. Hiện ở Thanh Hóa còn rất những cánh đồng “ca công”, giếng “ca công”, xóm “ca công”.

Ngày nay, khả năng sống bằng nghề của nghệ nhân ca trù càng khó khăn. Các CLB vì yêu ca trù nên đều tự đứng ra thành lập chứ không có sự hỗ trợ nào. Tuy nhiên, điều này cũng hết sức quan trọng. Nó chứng minh rằng, ca trù có khả năng trở lại với đời sống. Chúng ta biết rằng, Hà Nội có rất nhiều CLB ca trù và cũng có rất nhiều nghệ nhân đứng ra tổ chức truyền dạy ca trù. Đó là cơ sở tuyệt vời để ca trù có thể đứng vững. Tuy nhiên, Nhà nước cũng nên có những động thái hỗ trợ giống như trước kia cộng đồng giúp những người hát ca trù.

{keywords}

Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan

Chúng ta đã đưa được du lịch tới ca trù?

Ngành văn hóa và du lịch chưa tổ chức được các tour du lịch đến với ca trù. Chúng ta mới đang hướng du khách thăm quan chiêm ngưỡng những cảnh đẹp thiên nhiên mà trời đất tạo ra, lịch sử để lại mà chưa đưa du khách tới được nghệ thuật phi văn bản này. Đây là một hạn chế lớn, cho nên hầu như những nhóm ca trù đang hoạt động cầm chừng hiện nay đều có tính tự phát.

Ngành du lịch chưa tổ chức được một không gian mà ở đấy di tích lịch sử gắn với không gian văn hóa. Bạn thử nghĩ xem, nếu chúng ta thưởng thức ca trù trong một di tích lịch sử gắn liền với sự ra đời và phát triển của ca trù, ở đấy có những bia về ca trù, có những câu chuyện về ca trù thì quả là tuyệt vời.

Chúng ta có rất nhiều đình đền liên quan tới câu chuyện của ca trù, trình diễn ca trù và nghệ sĩ diễn ca trù ngày xưa. Nhưng hiện nay, chúng ta lại đang làm ngược lại là đưa ca trù tới một nơi nào đó rồi tổ chức mà tách nó ra khỏi không gian văn hóa, điều này làm mất đi giá trị của ca trù.

Đến bao giờ ca trù “thoát” khỏi hạng mục “cần được bảo vệ khẩn cấp” để chuyển sang hạng mục “di sản đại diện của nhân loại”, thưa ông?

So với năm 2008, ca trù hiện nay đủ khả năng để thoát ra khỏi danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp. Khả năng của lớp trẻ và cộng đồng đã đủ sức, chỉ còn chờ cơ chế chính sách của cơ quan văn hóa làm sao để các hoạt động ca trù được diễn ra thường xuyên.

Chỉ cần chúng ta làm đúng trong cam kết quốc gia là hàng năm phải có liên hoan ca trù để ca trù được thường xuyên tiếp cận với cộng đồng. Chúng ta đừng ví ca trù như nhạc trẻ, chúng ta nghĩ nó như giao hưởng, thi thoảng lắm mới có buổi biểu diễn thì hơn.

Tôi tin rằng, nếu năm nay chúng ta làm hồ sơ, ca trù sẽ được vinh danh là di sản đại diện của nhân loại.

T.Lê