- Nam Định - Thái Bình là 2 địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất của bão số 1. Khung cảnh tan hoang khắp mọi nơi, toàn tỉnh mất điện.
Thái Bình: 9.000 cây đổ
PV Vũ Tiến Phòng đang ở Thái Bình cho biết, toàn tỉnh mất điện từ 0h đêm qua đến sáng nay vẫn chưa thể khắc phục.
3 huyện Kiến Xương, Thái Thụy, Tiền Hải bị thiệt hại nặng nhất do bão số 1.
Hơn 1.000 hộ dân nuôi trồng ngao tại thôn Minh Châu, xã Đông Châu, Tiền Hải (Thái Bình) đã bị thiệt hại rất nặng nề. Theo cô Hoa, một người dân nuôi ngao, bình quân với những hộ như nhà tôi, ít cũng đã mất tới 300 triệu, có hộ còn mất trắng chỉ sau một đêm thiệt hại hàng tỷ đồng.
|
Người dân Thái Bình đau xót khi thấy ngao chết sau cơn bão. (Ảnh: Tiến Thường) |
Chiều 28/7, anh Phan Văn Tấn (30 tuổi, chủ sở hữu 2 cửa hàng kinh doanh ăn uống ven bãi biển Đồng Châu) vẫn thẫn thờ ngồi một chỗ. Anh cho biết, sáng 27/7 còn nghe đài dự báo bão đổ bộ cấp 7, 8 vào Hải Phòng - Quảng Ninh là chính, Thái Bình chỉ ảnh hưởng gián tiếp, không ngờ bão lại chệch hướng.
"Do hôm qua bị cắt điện từ sớm nên tôi không biết thêm thông tin về bão. Sáng nay tỉnh dậy mới giật mình khi 2 cửa hàng bị gió bão tốc xơ xác", anh Tấn ngậm ngùi.
Anh bảo chỉ trách mình chủ quan không chịu chằng chống nhà cửa nên mới bị như thế này. 2 cửa hàng nhà anh mới được đầu tư hàng trăm triệu, chỉ sau một đêm gần như mất trắng.
|
Nhà cửa ven biển Thái Bình tan hoang. (Ảnh: Tiến Thường) |
Gốc cây cổ thụ to 60-70cm cũng bị gió quật bật gốc. Ảnh: Vũ Tiến Phòng |
Cả một tuyến đường la liệt cây đổ. Ảnh: Vũ Tiến Phòng |
Một ngôi nhà bị cuốn phăng mất mái. Ảnh: Vũ Tiến Phòng |
Một căn nhà khác bị tốc tung mái, trơ mỗi chiếc quạt trần. Ảnh: Tâm Nguyễn |
Toàn tỉnh mất điện, nhiều tuyến phố ngập sâu. Ảnh: Vũ Tiến Phòng |
Bà Nguyễn Thị Cệnh (62 tuổi) sống ở ven biển Tiền Hải vẫn còn bàng hoàng kể lại: “Bà chưa bao giờ thấy cơn bão nào kéo dài như lần này, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau”. Bà nhớ cách đây 5 năm, cũng có cơn bão mạnh đổ bộ vào Thái Bình, nhưng chỉ vài tiếng là hết.
Thống kê bước đầu cho biết chưa có thiệt hại về người, 2 người bị thương.
Chỉ tính riêng tại TP.Thái Bình có gần 9.000 cây đổ, trong đó có nhiều cây cổ thụ đường kính 60-70cm; 25 nhà bị tốc mái, trong đó có 2 nhà máy gạch.
Với lượng mưa gần 300mm, nhiều tuyến đường trong thành phố hiện vẫn đang bị ngập sâu 0,3-0,4m, không thể di chuyển.
Chủ tịch tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho biết: Bão số 1 đổ bộ vào tỉnh từ 18h chiều qua đến 4h30 sáng nay với sức gió giật cấp 10, cấp 11.
Về nông nghiệp 50.000 ha hoa màu bị chìm trong nứơc, gần 10.00 ha nuôi trồng thủy sản thiệt hại. 7 tàu cá bị đánh dạt vào bờ, 3 tàu cá của ngư dân Thanh Hóa tránh trú cũng bị đánh chìm.
Nam Định: Đổ 3 cột thu phát sóng
3 huyện ven biển Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau 3 tiếng càn quét của bão số 1.
Cột thu phát sóng tại huyện Xuân Trường bị đổ. Ảnh: The Beauty of Nam Định |
Hàng loạt ngôi nhà bị tốc mái, cây đổ la liệt, biển quảng cáo, mái tôn bay tung tóe khắp nơi.
Thống kê bước đầu có 3 cột thu phát sóng bị gãy đổ tại huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Nam Trực.
Cột thu phát sóng trong UBND xã Nam Giang huyện Nam Trực đã bị gió bão quật gãy đôi. Ảnh: Trần Thường |
Tại khu vực trung tâm TP.Nam Định, nhiều tuyến phố vẫn đang ngập sâu trong nước.
Chủ tịch tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị cho biết, bão đổ vào Nam Định đêm qua mạnh tới cấp 12, trong đó có 7 tàu thuyền bị sóng đánh chìm, hơn 74.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng.
Một căn nhà tại huyện Xuân Trường bị bão lột sạch ngói. Ảnh: The Beauty of Nam Định |
Cây mít bị gió bẻ làm 3. Ảnh: The Beauty of Nam Định |
Nóc của Giáo xứ Thủy Nhai, xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường bị bay nóc. Ảnh: The Beauty of Nam Định |
Biển quảng cáo bị báo xé nát |
Nhiều tuyến đường của TP Nam Định bị ngập |
Hà Nam: Gần 1.000 nhà tốc mái
Theo báo cáo nhanh của tỉnh Hà Nam, tính đến 9h sáng ngày 28/7, toàn tỉnh có 1 nhà cấp 4 bị đổ sập, 967 nhà cấp 4 lợp tôn và pro xi măng bị tốc mái.
Ngoài ra 275 cột điện bị đổ; 9.119 cây xanh, cây ăn quả bị đổ; 2 con bò sữa bị chết và nhiều biển hiệu quảng cáo bị rơi vỡ…
Diện tích lúa bị ngập trắng là 12.903 ha, 15.566 ha bị ngập phất phơ, 2.954 ha hoa màu bị đổ gãy và dập nát.
Thanh Hóa: Cứu 7 ngư dân gặp nạn trên biển do bão Sáng ngày 28/7, lực lượng cứu hộ cứu nạn Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa vừa cứu được 7 ngư dân gặp nạn trên biển. Đêm 27/7, đôi tàu kéo giã TH 90298 TS và TH 90817 TS đều có công suất 440 CV của anh Nguyễn Văn Giang (SN 1983) ở phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn làm chủ tàu đang trên đường vào đảo Hòn Mê (tỉnh Thanh Hóa) để tránh bão. Khi hai tàu trên đang cách phía đông đảo Mê 3,5 hải lý thì tàu TH 90298 TS bị hỏng máy, nước tràn vào khoang tàu khiến 6 thuyền viên và tàu bị chìm. Tàu TH 90817 TS đã cứu được 5/6 thuyền viên, một người mất tích là anh Phạm Văn Cường (SN 1985, trú ở phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn). Cứu được các ngư dân thì tàu TH 90817 TS chạy được 1 đoạn cũng bị hỏng máy bơm và có nguy cơ bị chìm. Các thuyền viên trên tàu đã phát tín hiệu cấp cứu. Nhận được tin báo, lực lượng biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã điều động tàu Nghi Sơn 01 cùng 7 chiến sỹ khẩn trương đến vị trí 2 tàu gặp nạn để tham gia cứu hộ, cứu nạn. Đến 1h10 ngày 28/7 lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã đưa được 7 thuyền viên trên 2 tàu kể trên và lai dắt thành công tàu TH 90817 TS vào bờ an toàn. Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành tìm kiếm ngư dân Phạm Văn Cường. Lê Anh |
T.Thường - N.Tiến - T.Hạnh - T.Phòng