- Với sức gió giật mạnh cấp 8-9, di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Hiện áp thấp nhiệt đới cách bờ biển tỉnh Quảng Nam - Bình định khoảng 210km về phía đông.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết, hồi 14h ngày 12/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển tỉnh Quảng Nam - Bình Định khoảng 210km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (từ 50-60km/giờ), giật cấp 8-9.
Đường đi của áp thấp nhiệt đới |
Dự báo trong 6 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19h ngày 12/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển tỉnh Quảng Nam - Bình Định khoảng 150km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (từ 60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Trị đến Bình Định có gió xoáy mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng - Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10, biển động rất mạnh. Rất nguy hiểm đối với tàu thuyền, độ rủi ro thiên tai đạt mức cấp 3.
Trong 24 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13h ngày 13/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão vẫn duy trì cấp 8, giật cấp 9-10.
Theo đó, vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Trị đến Bình Định tiếp tục có gió xoáy mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua (Đà Nẵng - Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 9-10; biển động rất mạnh.
Từ đêm nay trở đi, vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Ngãi có gió xoáy mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 7-8. Giật cấp 9-10.
Trong 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng, di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Ngoài ra, từ hôm nay (12/9) đến ngày 14/9, khu vực nam biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa (Việt Nam), vùng biển tỉnh Bình Thuận - Cà Mau tiếp tục có mưa dông kéo dài, kèm theo gió mạnh cấp 6. Giật cấp 7-9, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2,5-3,5m.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định, khu vực bắc Tây Nguyên, từ ngày 12-14/9 có mưa vừa trên diện rộng, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 100-150mm). Các tỉnh Quảng Bình trở ra Thanh Hóa, khu vực Nam Bộ và nam Tây Nguyên có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông mạnh (lượng mưa phổ biến từ 50-100mm). Trong cơn cần đề phòng lốc xoáy, gió giật mạnh. Độ rủi ro thiên tai đạt mức cấp 1.
Họp khẩn ứng phó
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chủ động các biện pháp phòng tránh.
Tàu câu mực của ngư dân Núi Thành chạy vào bờ tránh bão. (Ảnh: Vũ Trung) |
Thường xuyên theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin; quản lý việc ra khơi của tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.
Sáng 12/9, Thường trưc Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có cuộc họp khẩn ứng phó với áp thấp nhiệt đới hình thành trên khu vực Bắc quần đảo Trường Sa đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và tiếp tục mạnh thêm lên thành bão.
Tại đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Ủy viên Thường trực Trần Quang Hoài đã đề nghị Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn tàu thuyền thoát khỏi khu vực nguy hiểm, là vĩ tuyến từ 12-14 độ, phía tây kinh tuyến 116.
Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng phải thực hiện nghiêm túc công điện của Bộ trưởng- Trưởng ban, thông báo cho ngư dân, tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, đặc biệt các tỉnh từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi phải ra lệnh cấm biển và có kế hoạch cho học sinh nghỉ học đảm bảo an toàn.
Đà Nẵng: Chiều 12/9, UBND Đà Nẵng đã họp khẩn bàn phương án đối phó với mưa bão. Theo đó, Phó chủ tịch Hồ Kỳ Minh yêu cầu Bộ chỉ huy BĐBP nghiêm cấm tàu bè ra khơi, phối hợp các lực lượng di dời tàu thuyền trên sông Hàn; CATP, Sở GTVT chốt chặn không cho phương tiện lưu thông trong gió bão, vùng ngập.
|
Mưa cả ngày nay khiến nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng ngập mênh mông |
Ngoài ra, cho phép học sinh nghỉ học từ ngày 13/9. GĐ Sở chịu trách nhiệm theo dõi tình hình mưa bão để cân nhắc thời điểm cho học sinh đi học lại.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ sáng nay, Đà Nẵng có mưa rất to, kéo dài đến chiều tối khiến nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng bị ngập nặng.
Quảng Nam: Chiều nay, vẫn còn hơn 400 tàu với khoảng 5.000 lao động chưa vào bờ.
Các đơn vị BĐBP tỉnh đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm chủ động đối phó với mọi tình huống. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức các đài canh thông tin thường trực 24/24 giờ để phát các bản tin về thời tiết.
Riêng các đồn biên phòng tuyến biển và Hải đội 2 tổ chức lực lượng cơ động một trung đội sẵn sàng làm nhiệm vụ, sử dụng tàu thuyền cơ động phục vụ tình huống có thể xảy ra.
Thượng tá Trần Văn Ba, Đồn trưởng đồn Biên phòng Cửa Đại cho biết, đã huy động 100% quân số ứng trực sẵn sàng ứng cứu.
Ngành giáo dục cũng đã thông báo cho học sinh ở vùng ven biển và vùng trũng thấp nghỉ học vào ngày mai.
Bình Định: Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho biết, trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, đơn vị đã triển khai công tác phòng chống và kêu gọi tàu thuyền tránh trú; tổ chức đài thông tin trực canh phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn phát thông tin về áp thấp nhiệt đới; tổ chức trực 24/24, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động xử lí khi có tình huống...
M.Hải - M.Thư - C.Thái - V.Trung - H.Trang