Nên bảo dưỡng ô tô sớm trước một vài tuần trở lên, bởi lúc này các trung tâm, gara chưa quá tải nên chuyên viên, kỹ thuật viên chăm sóc xe kỹ và thực hiện đúng hẹn hơn. Trong quá trình bảo dưỡng, nếu phát hiện lỗi nghiêm trọng, cần nhiều thời gian khắc phục, sửa chữa thì bạn vẫn yên tâm kịp có xe chơi Tết.
Bảo dưỡng sớm có lợi khi bạn đột nhiên muốn tân trang, sơn lại xe, làm mới khoang nội thất. Nếu thợ làm không ưng ý vẫn còn thời gian chỉnh sửa cho tới khi hài lòng.
Tùy theo quãng đường đã đi, dòng xe, hãng xe mà các xưởng sẽ xây dựng quy trình chăm sóc, bảo dưỡng khác nhau. Về cơ bản vẫn là kiểm tra tổng thể xe, đặc biệt là hệ thống phanh, điều hòa, dầu máy, nước làm mát động cơ... để đảm bảo máy móc vận hành trơn tru.
Những chiếc xe thường xuyên di chuyển, hoạt động nhiều, sử dụng lâu năm thì kỹ thuật viên phải kiểm tra nhiều hạng mục hơn, đặc biệt là hệ thống gầm bệ, rô-tuyn, lốp xe.. Dưới đây là một số hạng mục chính thường được ưu tiên bảo dưỡng dịp Tết.
Thay dầu nhớt, lọc nhớt
Dầu nhớt là chất bôi trơn, có vai trò quan trọng, giúp xe vận hành trơn tru. Dầu nhớt giúp các piston di chuyển lên xuống nhẹ nhàng, hạn chế mài mòn các chi tiết bên trong động cơ, làm tăng tuổi thọ máy.
Do đó, cần chú ý thay dầu nhớt đúng quy định. Không căn cứ vào dịp Tết, bạn hãy thay lọc dầu theo khuyến cáo của nhà sản xuất, định kỳ 5.000 km hoặc 10.000 km/lần hay theo phẩm chất của từng loại dầu nhất định.
Trong khi đó, lọc nhớt hay còn gọi là cốc lọc dầu có chức năng lọc cặn bẩn hay tạp chất trong dầu nhớt để việc bôi trơn trở nên hiệu quả hơn. Thường sau 10.000 km thì phụ kiện này cần thay, hay cứ hai lần thay nhớt thì cần thay cả lọc nhớt.
Đừng quên là các garage thường nghỉ dịp Tết mà bạn có nhu cầu đi lại nhiều nên dịp này thay trước hạn một chút vẫn hơn là để đi quá rồi mới thay.
Vệ sinh, thay lọc gió động cơ
Phụ kiện này có chức năng lọc sạch không khí trước khi chúng xâm nhập vào buồng đốt, hòa vào nhiên liệu. Khi bộ lọc không được vệ sinh hoặc bị hư hỏng mà không được thay thế sẽ làm giảm hiệu suất động cơ.
Mỗi nhà sản xuất xe, các loại lọc gió khác nhau sẽ có quy định về việc vệ sinh và thay thế riêng. Tuy nhiên thông thường, khi thay dầu thì sẽ tiến hành vệ sinh và kiểm tra lọc gió động cơ. Thay mới bộ phận này sau 15.000-20.000km, tức cứ sau khoảng 2-3 lần vệ sinh thì sẽ thay mới.
Kiểm tra phanh và lốp xe
Phanh và lốp là những bộ phận quan trọng, quyết định sự an toàn cho cả chuyến đi. Phanh có nhiệm vụ giúp người lái giảm tốc độ, dừng xe khi cần thiết.
Lốp là bộ phận tiếp xúc với mặt đường. Độ ma sát của lốp ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn khi điều khiển xe. Những chiếc xe có phanh không ăn, bề mặt lốp bị mài mòn nhiều, áp suất lốp không đạt chuẩn (quá non hoặc quá căng) dễ dẫn đến tai nạn đáng tiếc.
Hãy quan tâm đến hai bộ phận này đúng mức bằng việc cho xe bảo dưỡng định kỳ để chuyên viên vệ sinh và kiểm tra phanh. Tương tự với lốp khi người dùng nên dành thời gian đi xung quanh xe một vòng trước khi ngồi vào ghế lái.
Kiểm tra ắc-quy
Không giống các thành phần cơ khí, những hỏng hóc của thành phần điện thường xảy ra bất ngờ và không có dấu hiệu báo trước. Do đó, việc kiểm tra ắc-quy không bao giờ là thừa.
Ắc-quy là nhân tố quan trọng trong hệ thống khởi động của xe. Ắc-quy không hoạt động thì bạn cần phải "kích bình" bằng một chiếc xe khác, pin kích chuyên dụng hoặc gọi cứu hộ cẩu xe về xưởng dịch vụ. Không ai muốn trải nghiệm cảm giác đó, nhất là trong dịp Tết bận rộn hối hả này.
Vậy nên, điều cần làm là kiểm tra các điện cực phía trên nắp bình, đảm bảo các điện cực nối chính xác và các dây nối không có dấu hiệu rò rỉ, chập điện. Tiếp đến kiểm tra xem mực nước bên trong có nằm giữa hai vạch Upper và Lower hay không. Nếu phát hiện mực nước thấp, phải bổ sung nước hoặc thay bình mới. Một số bình mới có "mắt" đổi màu trên phần thân, cho biết tình trạng của ắc-quy.
Kiểm tra các dung dịch cần thiết cho xe
Dầu hộp số, dầu thắng, nước làm mát,... là những dung dịch quan trọng giúp xe vận hành an toàn, mượt mà nhưng không ít người vẫn xem thường. Hãy yêu cầu thợ kiểm tra, bổ sung đầy đủ dung dịch này để chiếc xe vận hành tốt.
Trên đây chỉ là những đầu việc cơ bản cần làm khi đưa xe đi bảo dưỡng ngày Tết. Tùy theo nhu cầu và tình trạng, bạn có thể đề xuất phía garage thực hiện thêm một số hạng mục như: vệ sinh nội thất, thay mới một vài bộ phận để chiếc xe long lanh hơn và đừng quên một chuyến du xuân an toàn phải có sự phối hợp ăn ý giữa chiếc xe và chủ.
Hãy lái xe bằng cả trái tim!
Theo Dân trí
Mời bạn đọc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!
10 thói quen tai hại làm ô tô của bạn nhanh hỏng
Khởi động xe rồi đi ngay, đặt tay lên cần số khi đang chạy, để xăng quá kiệt,… là những thói quen có thể khiến chiếc “xế cưng” của bạn nhanh phải vào gara để sửa hơn.