- 6h sáng nay, bão số 12 đã đổ bộ vào đất liền tỉnh Khánh Hòa với sức gió mạnh nhất đạt cấp 12 (115-135 km/h), giật cấp 15. Nhiều nhà dân tốc mái, cây cối đổ rạp, biển hiệu, tấm tôn bay lả tả.
Bắt đầu từ khoảng 18h tối, TP Đà Nẵng có mưa xối xả. Nhiều tuyến đường trong TP bị ngập. Đặc biệt, mưa lớn kết hợp triều cường khiến nước sông Hàn đã dâng lên cao.
XEM CLIP BÃO QUẦN THẢO Ở TP NHA TRANG:
XEM CLIP TỔNG HỢP BÃO VÀO KHÁNH HÒA:
Damrey là bão lịch sử vào Nha Trang, 20 người chết
Bão số 12 là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào TP Nha Trang. Đã có ít nhất 20 người chết, 17 người mất tích do bão.
19h45
Bắt đầu từ khoảng 18h tối, TP Đà Nẵng có mưa xối xả. Nhiều tuyến đường trong TP bị ngập. Đặc biệt, mưa lớn kết hợp triều cường khiến nước sông Hàn đã dâng lên cao.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, lượng mưa tại Đà Nẵng dao động từ 300-500mm; có nơi trên 600mm. Cơ quan này cảnh báo Đà Nẵng ở cấp 3 trong thang cấp độ rủi ro thiên tai.
Trước đó do ảnh hưởng của bão số 12, từ sáng sớm nay tại TP Đà Nẵng có gió mạnh cấp 7,8. Nhiều cây xanh, cổng chào phục vụ APEC bị gió xô ngã. Tại đường Hùng Vương một cây xanh lớn bị gió quật ngã đổ khiến 1 người nhập viện.
Nước sông Cu Đê dâng cao do mưa lớn, lũ về và triều cường, gây ngập sâu nhiều khu vực ven sông ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu).
Đặc biệt, một cây cầu ở khu vực núi Hầm Vàng bị ngập nước, đe dọa chia cắt đường ADB 5 từ Liên Chiểu đi Hòa Liên và Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).
Lũ từ thượng nguồn sông Cu Đê cuồn cuộn chảy qua cầu Nam Ô Thượng. Ảnh: Báo Đà Nẵng |
Cây cầu và tuyến đường nối từ Nguyễn Lương Bằng đến xã Hòa Liên giờ đây giữa mênh mông biển nước. |
Nước sông Cu Đê dâng cao kết hợp lũ từ hồ Hòa Trung và Khu công nghệ cao chảy về đã làm ngập hoặc mấp mé các tuyến đường liên tổ ở thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên. Đến chiều nay, do lượng mưa còn ít nên chưa gây ngập nhà dân.
Bình Định: Khẩn cấp sơ tán dân
Ban Chỉ huy quân sự TP Quy Nhơn đã huy động lực lượng, phương tiện đến các khu vực bị cô lập để sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tối nay đã có 473 hộ với 1.629 nhân khẩu ở các phường Quang Trung, Bùi Thị Xuân, Lê Hồng Phong đã được các cơ quan chức năng sơ tán đến nơi an toàn.
Lực lượng cứu hộ tại TP Quy Nhơn được huy động đưa bà con sinh sống ở phường Nhơn Phú ra khỏi vùng nguy hiểm |
2 trong số 4 người mất tích trong lúc đi kiểm tra bè nuôi trồng hải sản vào lúc 4h sáng cùng ngày đã được cứu vớt. Bão số 12 đã làm 5 ngôi nhà ở TP bị sập và 34 nhà tốc mái, 11 tàu chìm, 2 tàu bị trôi; 10 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi. Nước lũ gây ngập, chia cắt một số thôn ở xã Phước Mỹ. UBND TP Quy Nhơn đã xuất cấp 11.000 bao cát cho các địa phương phục vụ công tác phòng chống lụt bão.
Nước lũ ngập sâu gần 1m đã chia cắt hoàn toàn tuyến đường Hùng Vương, TP Quy Nhơn. Đặc biệt, ở ngã ba Long Vân (phường Trần Quang Diệu) tiếp giáp đường Hùng Vương, lực lượng CSGT CA tỉnh đã cử lực lượng chốt chặn các điểm ngập, cấm ô tô, xe tải chạy qua để bảo đảm an toàn cho nhà dân 2 bên đường và tính mạng người dân.
Đường Hùng Vương, TP Quy Nhơn ngập sâu |
18h20
Bão mạnh nhất đổ bộ vào Nha Trang
Thống kê đến 17h chiều nay, bão Damrey đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho các tỉnh Nam Trung Bộ. Đã có 20 người bị chết, trong đó Khánh Hoà 12; gần 20 người mất tích...
Ngoài ra, có 531 nhà bị đổ sập, gần 24.000 nhà bị tốc mái, hơn 40 tàu bị chìm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bão số 12 là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào TP Nha Trang.
Ông Lê Thanh Hải, Phó TGĐ Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, bão số 12 đổ bộ vào Nam Trung Bộ sáng nay là cơn bão mạnh.
Chiếc ôtô của lực lượng trật tự đô thị bị vùi trong đống cây đổ ở TP.Nha Trang
“Đồng nghiệp của chúng tôi tại đài Khí tượng thuỷ văn Nam Trung Bộ đánh giá đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Nha Trang từ trước đến nay, vượt qua các cơn bão lịch sử năm 1988, 1993, 2009. Tại trạm khí tượng trên đường Trần Phú sát biển đo được gió giật lên cấp 13”, ông Hải thông tin.
Ông Hải cũng lưu ý, đêm nay sẽ có không khí lạnh tăng cường xuống, do đó tình hình mưa tại Trung và Nam Trung Bộ trong vài ngày tới hết sức nghiêm trọng, ít nhất tới 7/11.
Cảnh tan hoang trên đường Phạm Văn Đồng, Nha Trang. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Ghi nhận tại thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), cơn bão quần thảo từ khoảng 4 - 8h30 sáng nay đã để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Thống kê sơ bộ đến chiều nay, trên địa bàn thị xã đã có 5 người chết, 1 người mất tích, 5 người bị thương.
Theo chia sẻ của lãnh đạo các địa phương ở đây, chưa bao giờ, người dân phải hứng chịu 1 cơn bão khủng khiếp đến thế.
17h20
Bão Damrey suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn chiều nay, sau khi đi vào đất liền phía Nam Tây Nguyên, bão số 12 đã suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Hồi 16h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Campuchia.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 12 kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Trên đất liền các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, các tỉnh Nam Tây Nguyên có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Khu vực ven biển các tỉnh này còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Dự báo, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận tiếp tục có mưa rất to đến đặc biệt to. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.
Cảnh báo từ nay đến 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.
17h15
Lâm Đồng: 2 người phụ nữ thiệt mạng vì lũ cuốn
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm ngôi nhà bị sập và tốc mái, khoảng 2.000 dân bị cô lập hoàn toàn, hàng ngàn ha cây trồng các loại bị ngập, hư hại do bão số 12 gây ra.
Nhà dân bị bão giật đổ đang được lực lượng chức năng giúp dựng lại |
Tại nhiều địa phương, tình trạng cột điện, cây cối bị gãy đổ xảy ra rất phổ biến. Để đảm bảo an toàn, ngành điện đã buộc phải cắt điện tại nhiều nơi.
Tại huyện Ea Kar, hàng chục hộ dân tại thôn 11, xã Cư Yang bị cô lập. Trong khi đó, nước lũ ở đầu nguồn sông Krông Pắk vẫn đang đổ về ngày càng mạnh, khiến các xã Cư Pông, Cư Yang... đứng trước nguy cơ ngập úng nặng.
Tại huyện M'Đrắk, có gần 5.000ha cây trồng bị thiệt hại do gãy đổ, gần 600 ngôi nhà bị tốc mái, 3 người bị thương do cây đổ và mái tôn rớt xuống trúng người. Theo báo cáo của huyện này, hiện có khoảng 2.000 người tại thôn 7 và thôn 9 xã Cư Kroá đã bị cô lập hoàn toàn; 100 hộ dân tại buôn Luếch, xã Krông Jin buộc phải di dời; nhiều tuyến đường bị chia cắt.
Tại huyện Krông Bông, gió lốc đã làm hàng chục ngôi nhà bị sập hoàn toàn, gần 400 căn nhà và các công trình công cộng bị tốc mái, hàng trăm ha cà phê, tiêu của người dân bị hư hỏng. Đã có 2 người bị thương và 1 người chết do bão số 12 gây ra.
Hàng trăm hộ dân ở xã Krông Jin, xã Cư K’róa (huyện M’Đrắk) đang bị nước lũ cô lập. Hiện nay một số sông suối trên địa bàn do nước dâng cao khiến giao thông bị chia cắt. Một số nhà dân, trường học bị hư hỏng.
Nhiều nơi vẫn mất điện do cây đổ làm đứt hoặc ảnh hưởng đến mạng lưới điện.
Thông tin từ UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết, nước đột ngột dâng cao đã cuốn trôi một căn nhà ở xã Đạ Cháy khiến 2 phụ nữ thiệt mạng là bà Nguyễn Thị Tân (61 tuổi, trú TP. Đà Lạt) và Nguyễn Thị Xuân (50 tuổi, Đắk Lắk).
Bà Tân từ Đà Lạt vào làm vườn tại xã Đạ Cháy, bà Xuân từ Đắk Lắk sang phụ giúp việc đồng áng cho bà Tân. Hai người này đóng cửa ở trong nhà nên không biết lũ đột ngột dâng cao.
Cả hai bị chết đuối khi căn nhà bị cuốn trôi theo dòng nước dữ.
Nhiều thôn, buôn tại huyện Lắk (Đắk Lắk) ngập sâu trong nước
Cũng tại huyện này, đã có hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, khoảng 50ha hoa màu bị ngập. Các xã đang hỗ trợ di dời người và tài sản ở những ngôi nhà bị sập và bị ngập sâu đến địa điểm an toàn trong khi chờ nước rút và sửa chữa nhà cửa…
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, hồ thủy điện Krông Nô 2 và 3 đang xả nước 200m3/s; các hồ thủy điện khác xả lũ với lưu lượng trên dưới 100m3/s.
Tại TP Đà Lạt, huyện Đam Rông, Lâm Hà nước lũ dâng cao gây ngập lụt, cô lập cục bộ.
Bão quật đổ nhiều cây xanh, trụ điện gây mất điện tại nhiều huyện của Đắk Lắk
Một tuyến đường tại huyện M'Đrắk, Đắk Lắk bị lũ cuốn trôi gây chia cách giao thông
Chiều tối nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân Lê Trung Minh Quý (SN 1983, trú phường 3, TP Đà Lạt) bị nước cuốn tử vong tại hồ Tuyền Lâm.
Chiều cùng ngày, anh Quý đi vớt cá tại đập tràn hồ Tuyền Lâm thì bị nước cuốn trôi mất tích. Do ảnh hưởng của mưa bão và lượng nước qua tràn chảy xiết nên đến 16h chiều cùng ngày mới tìm thấy thi thể nạn nhân.
Hiện lực lượng chức năng đang hoàn tất các thủ tục để bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.
Thông tin từ tỉnh Kon Tum, địa phương có 1 nạn nhân tử vong là cháu Y Nga (10 tuổi, học sinh lớp 5, trú xã Đăk Choong, huyện Đắk Glei). Khoảng 15h chiều nay, trong lúc cháu Y Nga đi chăn bò thì bất ngờ bị đất đá sạt lở vùi lấp gây tử vong.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, mưa kèm gió đã làm tốc mái nhiều nhà dân, trụ sở UBND xã và trường học tại huyện Đắk Glei và Kon Rẫy.
Mưa bão gây sạt lở đèo Lò Xo trên quốc lộ 14, đoạn qua xã Đắk Man, huyện Đắk Glei; sạt lở tuyến tỉnh lộ 676, 673 trên địa bàn hai huyện Đắk Glei và Kon Plông khiến nhiều xã ở hai địa phương này rơi vào tình trạng bị chia cắt, cô lập.
Lực lượng chức năng đang tích cực triển khai phương tiện máy móc khắc phục các điểm sạt lở để đảm bảo lưu thông.
15h05
Bình Định: Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, trôi dạt trên biển
Còn 26 người mất tích trên biển, có mặt tại đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tập trung bằng mọi giá tìm kiếm người mất tích; điều động thêm phương tiện cứu hộ, cứu nạn; lập sở chỉ huy tiền phương; bệnh viện dã chiến; huy động ngư dân để tìm kiếm các thuyền viên mất tích, trôi dạt trên biển;...
Phó Thủ tướng chỉ đạo tập trung tìm kiếm người mất tích. Ảnh VGP
Hiện lũ trên các sông Hà Thanh và sông Kôn bắt đầu lên nhanh. Nước lũ đổ về với lưu lượng lớn đã gây chia cắt, cô lập nhiều khu dân cư trên địa bàn 2 huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn.
Tuyến đường Hùng Vường đoạn tiếp giáp với ngã 3 Long Vân, phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn) tê liệt khi nước lũ ngập sâu gần 1m.
Nước lũ trên sông Hà Thanh lên quá nhanh gây ngập và chia cắt nhiều khu dân cư nằm dọc sông ở phường Trần Quang Diệu (TP Quy Nhơn). Ảnh: Huyền Trang
Bà con ở tổ 3, KV9, phường Trần Quang Diệu phải sử dụng các tấm xốp, ruột xe bơm hơi để đi lại
Chiều nay, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn Bùi Văn Vương cho biết, bão đã làm 7 chiếc tàu bị chìm và 2 chiếc bị mắc kẹt tại khu vực biển Quy Nhơn.
Cảng vụ đã phối hợp với các lực lượng liên quan cứu được 68 người, trong đó có nhiều trường hợp bị thương. Hiện 15 người khác vẫn đang mắc kẹt và lực lượng chức năng đang nỗ lực triển khai các phương án tiếp cận, ứng cứu.
14h30
Phú Yên: Gần 1.000 ngôi nhà bị tốc mái
Chiều nay, Phó Chủ tịch Nguyễn Chí Hiến cho biết, theo báo cáo nhanh, tính đến trưa nay, đã có 1 người mất tích, 4 người bị thương, 946 ngôi nhà và trụ sở các cơ quan, đơn vị bị tốc mái.
Nhà dân bị tốc mái bay tả tơi dưới đường. Ảnh: Mạnh Hoài Nam
Tuyến đường sắt Bắc - Nam bị tắc nghẽn, hai tàu hàng bị mắc kẹt tại ga Đông Tác và ga Hòa Đa. Một số đoạn trên quốc lộ 1 bị ngập sâu từ 0,5-1m, lưu thông khó khăn; cầu cảng Vũng Rô cũng bị sóng biển đánh vỡ.
Hoa màu ở xã An Chấn (huyện Tuy An) bị gãy đổ
Ngoài ra, 29 tàu thuyền của ngư dân neo đậu ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và Đông Hòa bị song to, gió lớn nhấn chìm; nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản của ngư dân cũng bị tàn phá, thiệt hại nặng.
Mưa lớn từ đêm qua cũng đã làm hàng trăm cây xanh, pa nô, biển quảng cáo, trụ điện, viễn thông ở thành phố Tuy Hòa ngã đổ, chắn ngang đường, giao thông ách tắc nhiều tuyến. Toàn TP Tuy Hòa mất điện từ 2 giờ sáng.
Trụ điện trên đường Trần Phú (TP Tuy Hòa). Ảnh: Mạnh Hoài Nam
Đến trưa nay, thủy điện sông Ba Hạ, sông Hinh xả lũ và chạy máy với tổng lưu lượng gần 7.000m3/s, tăng gấp đôi so với lúc 15h chiều qua khiến nhiều vùng bị ngập nặng. Hiện tại khu vực TP Tuy Hòa nước ngập rất sâu, giao thông bị chia cắt.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã về các địa bàn xung yếu chỉ đạo tiếp tục cập nhật diễn biến của mưa lũ sau bão và bố trí lực lượng kiểm soát tại các vị trí ngầm, tràn, đường ngập nước, ngập lụt trên các sông.
14h05
Khánh Hòa: Tại vịnh Cam Ranh, phường Cam Lợi hàng chục tàu đánh cá của ngư dân bị gió to, sóng lớn đánh chìm, hư hỏng.
Nhiều người dân cho biết, gió lớn bắt đầu nổi lên khoảng 6h sáng, sau đó tiếp tục mạnh dần những cột sóng cao hơn 2m đánh mạnh vào hàng loạt thuyền, tàu lớn nhỏ đang neo đậu tại cảng.
(Ảnh: Báo Khánh Hòa)
Do sức gió lớn, sóng to người dân chỉ biết đứng nhìn tài sản bị đánh chìm và hư hỏng.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch TP. Nha Trang cho biết, qua thống kê sơ bộ, toàn thành phố có 46 nhà sập hoàn toàn, hơn 5.200 nhà tốc mái.
Chiều nay, UBND TP họp khẩn để nghe báo cáo tình hình và lên kế hoạch khắc phục khẩn trương thiệt hại do bão gây ra. Trong đó chú trọng việc dọn dẹp cây xanh đổ ở các trường học để học sinh sớm đến trường.
Nhiều nhà dân ở xã Ninh Đa, huyện Ninh Hoà bị sập hoàn toàn. Ảnh: Trinh Phan
12h15
Đến trưa nay bão số 12 đã làm 6 người chết, 6 người bị thương và 5 người mất tích. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa 4 người chết, tỉnh Bình Định 2 người chết.
Do ảnh hưởng của bão, Vietnam Airlines vừa thông báo huỷ thêm 14 chuyến bay giữa Hà Nội và Quy Nhơn, TP. HCM và Quy Nhơn...
Cũng trong trưa nay, tại ga Nha Trang có 2 đoàn tàu SQN4 Sài Gòn - Quy Nhơn và SE4 Sài Gòn - Hà Nội với khoảng 600 hành khách.
Tàu SE4 dừng lúc 5h sáng. Ông Bùi Đức Hoa, Phó trưởng tàu cho biết, tàu phục vụ miễn phí bữa sáng và trưa cho 350 hành khách trên tàu.
Hành khách vui vẻ thưởng thức bữa ăn trong khi chờ tàu chạy ở ga Nha Trang. Ảnh: Lê Huân
Theo hành khách Đặng Ngọc Thịnh, chưa có thông báo khi nào tàu chạy, biết mưa bão tàu phải dừng nên thông cảm cho ngành đường sắt và cho biết hài lòng với bữa ăn miễn phí trên tàu.
Hiện chưa biết khi nào tàu chạy vì đang tiến hành kiểm tra đường sắt, nước lũ vẫn đang lên tại khu vực phường Vĩnh Hoà.
11h30
Bình Định: Chìm tàu cá, vỡ bè tôm, nhiều nơi mất điện
Tin từ phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, đã có 4 người mất tích trên biển do bị sóng đánh chìm trong quá trình đi kiểm tra bè nuôi tôm ở vùng biển thuộc phường Hải Cảng vào lúc 4h sáng nay.
Cũng đi kiểm tra bè nuôi tôm, 4 người ở KV1, phường Ghềnh Ráng đang bị mắc kẹt tại khu vực Hòn Đất.
Pa-nô ở khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn) bị gió quật ngã. Ảnh: Huyền Trang
Ngoài ra còn có 5 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng chục nhà bị tốc mái; 11 tàu cá bị sóng đánh chìm; nhiều bè nuôi tôm, mực bị sóng đánh vỡ. Mưa lớn suốt đêm cũng làm các tuyến đường Hùng Vương, Trần Hưng Đạo bị ngập sâu, có nơi gần 0,5m khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn.
Tàu vỏ thép bị mắc cạn trên vùng biển Quy Nhơn. Ảnh: Huyền Trang
Do ảnh hưởng của bão, nhiều xã, thị trấn ở 2 huyện Tuy Phước và TX An Nhơn bị mất điện; nhiều cột điện của đường dây hạ thế bị gãy.
Lúc 12h13, BS Vũ Tuấn Anh, Giám đốc BV Phong - Da liễu TW Quy Hòa cho biết: có một tàu hàng bị sóng đánh dạt vào bờ biển gần khu vực bệnh viện (thuộc phường Ghềnh Ráng, TP Quy. Hiện BV đang cấp cứu cho 13 thuyền viên. Ngoài ra, còn có 9 thuyền viên, thủy thủ người nước ngoài đang được chuyển vào viện để cấp cứu.
11h10
Quảng Ngãi: Hàng trăm hecta hành ở Lý Sơn theo bão
XEM CLIP BÃO VÀO ĐẢO LÝ SƠN:
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch huyện Lý Sơn cho biết, hơn 20 bè lồng bè, tôm bị sóng bão cuốn trôi. Huyện đã tổ chức đưa 25 người dân trên bè vào bờ an toàn, trong đó có một người bị thương.
Cũng theo bà Hương, do ảnh hưởng cơn bão số 12, toàn đảo bị thiệt hại khoảng 300 ha hành.
Sau gần một ngày vượt sóng to, gió lớn sáng nay, tàu Cảnh sát biển 8002 ( thuộc vùng cảnh sát biển 2) đã lai dắt tàu cá của ngư dân Khánh Hòa bị nạn trên biển về đảo.
Trước đó, sáng 3/11, tàu cá do ngư dân Nguyễn Đình Thịnh, 52 tuổi làm chủ, trên tàu có 11 lao động đang tham gia khai thác hải sản tại vùng biển Đông Bắc Bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) khoảng 120 hải lý thì bất ngờ máy chính bị hỏng không thể khắc phục, buộc tàu phải thả trôi trong điều kiện thời tiết biển động mạnh.
10h45
Nguồn tin UBND Khánh Hòa cho hay đến thời điểm này có 4 người chết, 5 người bị thương do bão.
Còn tại Phú Yên, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, hiện đã có 2 trường hợp mất tích
10h
Hàng chục người chìm xuống biển, nhiều người vẫn đang mất tích
Sáng nay, Ban chỉ đạo TW về PCTT đã có cuộc họp giao ban nhằm đánh giá tình hình bão số 12 và đưa ra các phương án ứng phó hoàn lưu bão. Tại cuộc họp, Đại tá Trần Văn Kim - Chỉ huy trưởng TTQG điều hành TKCN cho biết: Lực lượng TKCN đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của TW trong việc di dời, cứu nạn người dân, ngư dân, tàu thuyền ở vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân không thực hiện theo đúng cảnh báo của lực lượng chức năng dẫn đến một số trường hợp mất tích trên bờ cũng như trên biển.
Theo báo cáo sáng nay của Văn phòng Thường trực BCH PCTT-TKCN tỉnh Bình Định, có 2 tàu chưa liên lạc được, hiện vẫn đang tìm cách liên lạc và xác minh số người trên tàu.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, có 2 tàu với gần 30 ngư dân bị mất liên lạc. UB Quốc gia TKCN cũng cho biết có 2 tàu vận tải (Biển Bắc 16, Hoa Nam 68) bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn, hiện đã cứu vớt được 3 người.
4 người trên bè cá tại Quy Nhơn bị rơi xuống biển, đã cứu được 2 người, còn lại 2 người đang trôi dạt.
9h45
Đà Nẵng: Một người đàn ông đứng đợi xe bên đường Hùng Vương bị cây đổ đè trúng phải nhập viện cấp cứu. Hiện các lực lượng chức năng đang tích cực cưa, đốn các cây đổ để nhanh chóng giải phóng mặt đường.
(Ảnh: Cao Thái)
9h35
Bão Damrey đổ bộ lên các tỉnh Tây Nguyên gây mưa lớn, gió giật làm tốc mái nhiều nhà dân, công sở gây hư hỏng tài sản, hoa màu tại nhiều huyện của tỉnh Đắk Lắk; cuốn trôi một số cầu, gây ngập chia cắt, cô lập một số địa phương.
Bão làm tốc mái, hư hỏng nhiều nhà dân tại Đắk Lắk
Mưa kèm gió mạnh quật ngã cây tùng cổ thụ đè lên nhà dân ở Đà Lạt
Tại huyện M’Đrắk giáp tỉnh Khánh Hòa, chính quyền đã cho di dời dân khỏi một số vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở để đảm bảo an toàn.
9h15
Ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết, hiện chưa thể thống kê mức thiệt hại do bão số 12 gây ra, nhưng với sức tàn phá ghê gớm thì thiệt hại chắc chắn là rất lớn.
Cũng theo ông Toàn, đến thời điểm này chưa có trường hợp tử vong do mưa bão, chỉ có một người ở xã Vĩnh Lương bị thương nhưng đã được ứng cứu và đưa vào bệnh viện điều trị.
Tại thôn Đắc Lộc, xã Vĩnh Phương, TP Nha Trang bị ngập từ 7 giờ sáng nay do lũ ống. Nhiều người dân điện cầu cứu nhưng do mưa và gió lớn, đường vào bị cô lập nên TP đã chỉ đạo xã tìm địa điểm an toàn trong thôn để đưa người dân trú ẩn.
Hiện các cơ quan chức năng tại Nha Trang đã huy động hàng nghìn người đến các điểm nóng để trợ giúp người dân.
Theo báo báo nhanh của Bộ GTVT, tuyến đường sắt Phú Yên đang bị phong tỏa, hiện đang có 6.000 người bị kẹt lại ở ga Nha Trang.
Clip một ngôi chùa tại xã Hiền Lương, Vạn Ninh, Khánh Hòa bị tốc mái
XEM THÊM: Bão Damrey sức gió trên 100km/h tàn phá Nha Trang tan hoang
9h10
Đà Nẵng: Mưa to kèm gió giật mạnh cấp 7, 8 từ rạng sáng nay khiến nhiều công trình, biển hiệu trong TP bị đổ sập.
(Ảnh: Cao Thái)
Quảng Nam: Xe tải chở 20 tấn thức ăn bị lật
Khoảng 5h30 sáng nay, xe tải BKS 75C-046.98 do tài xế Hoàng (35 tuổi, trú phường An Cực, TP Huế) điều khiển, chở theo 20 tấn bột thức ăn gia súc chạy trên quốc lộ 1A, theo hướng Bắc - Nam.
(Ảnh: Lê Bằng)
Khi đi đến Km972+900 thuộc địa phận thôn Bình Hiệp (xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) thì mất lái lao xuống ruộng lúa bên đường bị lật nghiêng, hư hỏng nặng.
9h05
Bão trên đất liền
Do ảnh hưởng của bão ở An Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên) gió giật cấp 11, TP Nha Trang (Khánh Hòa) giật cấp 12-13. Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đã có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm.
Hồi 7 giờ sáng, vị trí tâm bão ở khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 19 giờ ngày 04/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục có gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13, các khu vực sâu hơn trong đất liền (bao gồm cả Nam Tây Nguyên) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ có gió giật cấp 6-8.
Dự báo mưa lớn: Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận tiếp tục có mưa rất to đến đặc biệt to. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.
Cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất: Từ nay đến 8/11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Nguy cơ cao xuất hiện lũ lớn ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Bắc Tây Nguyên và lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc các khu vực nêu trên.
9h00
Theo nguồn tin từ Công an tỉnh Khánh Hòa, khoảng 8h30 tại phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang nhiều căn nhà trong dãy trọ bị sập, mặc kẹt hàng chục người.
Ngay khi nhận thông tin, lực lượng Cảnh sát cơ động đã kịp thời có mặt giải cứu. Hiện nay, tất cả mọi người đã được đưa ra ngoài an toàn. Trong đó, có 4 người bị thương, 1 người bị thương nặng, gãy cột sống do bị vật nặng đè lên đang được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
"Chúng tôi ngồi trong nhà trọ thì gió mạnh bất ngờ rít lên. Cả phòng trọ đổ sập, trời đất tối thui. Không ai thoát ra được, mọi người phải gọi điện cầu cứu", một nạn nhân tên Cường cho hay.
8h30
TP Nha Trang vẫn tiếp tục mưa to và gió giật mạnh, nhiều người không dám ra đường. Cây cối đổ ngả nghiêng, các mái tôn, mái nhà, biển hiệu quảng cáo bay tứ tung. Nha Trang đang hứng chịu đợt mưa to, gió mạnh chưa từng thấy.
XEM CLIP BÃO QUẦN THẢO TP NHA TRANG:
7h35
Phú Yên: 2 giờ sáng mất điện trên diện rộng. Một số vùng buộc phải cắt điện để đảm bảo an toàn. Có những vùng mưa lớn, những vùng úng trũng nguy cơ bị chia cắt.
Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, 4 ghe bị chìm, 1 người mất tích và ít nhất 200 căn nhà bị tốc mái.
(Ảnh: Mạnh Hoài Nam)
7h30
Nhiều tuyến đường như Lý Thánh Tông, Hùng Vương ở TP Nha Trang ngập nặng, nhiều nơi ngập 0,5 m
Cây ngã đổ nằm la liệt khắp các tuyến phố, giao thông đi lại khó khăn. Cả thành phố như một công trường.
Các lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa đang được huy động để cứu hộ, xử lý cây xanh ngã đổ.
|
6h50:
Tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, mưa bão, gió giật khiến nhiều nhà giật bị tốc mái, cây cối đổ rạp.
XEM VIDEO:
Trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Tuy An, nhiều cây cối đã bị quật đổ. Ảnh: Mạnh Hoài Nam
6h35
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đang có mặt tại Khánh Hoà cho biết, bão số 12 đã đổ bộ vào Khánh Hoà, Phú Yên với cường độ giật cấp 12,mưa rất lớn.
Qua thị sát sáng nay cho thấy, điều lo ngại nhất là phải tập trung cao độ để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Người dân ở Nha Trang tránh bão. Ảnh VTCNews
XEM CLIP BÃO QUẦN THẢO Ở NHA TRANG LÚC 6h45:
6h
Từ 6h sáng nay vùng tâm bão đã bắt đầu đổ vào Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15.
Ảnh hưởng của bão số 12, tại Tuy Hòa (Phú Yên) có gió giật cấp 11, Nha Trang (Khánh Hòa) gió giật cấp 11.
XEM CLIP:
Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 15-20km/h.
Trong 6 giờ qua, các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đã xảy ra mưa to đến rất to.
Cảnh báo: Trong 6-12 giờ tới, ở khu vực các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to.
Trong 6-12 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh trên. Nguy cơ mất an toàn hồ chứa các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa.
4h
Từ đêm qua đến sáng nay, bão số 12 với sức gió giật cấp 15 đã càn quét khu vực tỉnh Khánh Hòa.
Theo ghi nhận của PV tại Nha Trang, đây là trận cuồng phong kinh hoàng trong nhiều năm qua. Nhiều nhà dân kiên cố đã bị tốc mái.
XEM CLIP:
Từ đêm qua nhiều khu vực ở thành phố Nha Trang đã bị cúp điện, mọi người đều đóng kín cửa cố thủ trong nhà. Gió giật mạnh, mái tôn của nhà dân bay rít ầm ầm. Các xe giường nằm lưu thông trên đường 23/10 không chạy được phải tấp vào lề.
Ở huyện Vạn Ninh, đến khoảng 4h30, sức gió tăng lên rất mạnh khiến hệ thống điện trên địa bàn bị hư hỏng buộc phải cắt điện. Đồng thời đã có hàng nghìn căn nhà của người dân trên địa bàn bị tốc mái, sập tường, cây cối, cột điện đổ ngã... Sóng biển cao 8m. Nhiều lồng bè nuôi trồng hải sản của người dân bị sóng đánh vỡ.
Bão số 12 giật cấp 15, sáng nay đổ bộ Phú Yên-Ninh Thuận
Khoảng 7h sáng nay, bão số 12 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Phú Yên - Ninh Thuận với sức gió mạnh tới cấp 12, giật cấp 15.
Nhóm PV