Trong điều kiện hội nhập quốc tế dưới sự tác động của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường như hiện nay, việc bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số (DTTS) là trách nhiệm trước tiên và cơ bản của Nhà nước.

Đồng thời các cá nhân, gia đình và các tổ chức chính trị xã hội,… đều có nghĩa vụ sử dụng các cách thức, biện pháp để hiện thực hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn về quyền của các DTTS cũng như ngăn ngừa sự lạm dụng, vi phạm quyền của họ trong thực tế.

Tuy nhiên, trong một bối cảnh với nhiều yếu tố biến động, nhiều yếu tố mới nảy sinh, để bảo đảm tối đa quyền các DTTS thì việc nắm bắt một cách toàn diện, đa chiều các khía cạnh, đặc điểm của quyền là một đòi hỏi mang tính khách quan.

Theo đó, việc bảo đảm quyền của các DTTS không chỉ giới hạn ở những giá trị nhân quyền có tính thường nhật (sinh kế, việc làm, thu nhập, ăn uống, nhà ở, chưa bệnh, học hành…) mà rộng ra là cả các giá trị chung của một cộng đồng người với tư cách một dân tộc – tộc người bình đẳng trong một quốc gia đa dân tộc, như quyền dân chủ, quyền tham chính, quyền giữ gìn và phát triển, phát huy bản sắc văn hóa, quyền an ninh và an toàn xã hội…

Từ xuất phát điểm này, chúng ta có thể phần nào nhận diện một số đặc điểm bảo đảm quyền của các DTTS tại Việt Nam.

{keywords}
 

Thứ nhất, bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc giúp nhau cùng phát triển nhằm đảm bảo đầy đủ các quyền cá nhân và cộng đồng, đồng thời hỗ trợ họ không bị bỏ lại phía sau.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, năm 2016 đã chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số”.

Nguyên tắc này được thể hiện ở những điểm sau:

Bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy bình đẳng trong thụ hưởng quyền và không phân biệt đối xử đối với tất cả các nội dung quyền con người gồm: quyền chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Do tính chất đặc thù về “thiểu số”, dễ bị tổn thương mà người DTTS dễ bị gạt ra lề của sự bình đẳng trong bảo đảm quyền con người cơ bản. Vì vậy, trong khi bảo đảm quyền con người đối với người DTTS cần có hỗ trợ “tính đặc thù” này để thực hiện các biện pháp ưu tiên hỗ trợ cần thiết.

Bảo đảm một số quyền đặc thù, riêng có đối với nhóm thiểu số về dân tộc như: quyền được sử dụng và bảo tồn ngôn ngữ, quyền có đời sống văn hóa và được hỗ trợ để được bảo tồn nền văn hóa, bản sắc; quyền được theo và thực hành tín ngưỡng mà không vi phạm các quyền con người khác.

Bảo đảm nghĩa vụ của Nhà nước đối với việc khắc phục và bồi thường do những vi phạm đối việc bảo đảm các quyền có tính đặc thù của họ.

Thứ hai, bảo đảm quyền đa dạng và thống nhất mà đa dạng của tri thức các DTTS.

Trong đặc điểm này, khía cạnh bảo đảm quyền đa dạng thể hiện ở một số mặt sau:

Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện sự đa dạng của quyền về ý thức tự giác tộc người, về thành phần tộc người của các cá nhân, cùng các đặc trưng của cảnh quan văn hóa – lãnh thổ tộc người, các mối liên hệ kinh tế cùng các đặc điểm tâm lý, tín ngưỡng, quan hệ hôn nhân, tục kết bạn… mang bản sắc văn hóa tộc người.

Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền về ngôn ngữ tộc người gồm tiếng nói và chữ viết của dân tộc có chữ viết trong đời sống xã hội và sinh hoạt thường nhật gắn với quyền sử dụng tiếng Việt là ngôn ngữ phổ thông.

Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền bảo tồn và phát triển đời sống tinh thần, văn hóa của các DTTS bao gồm: các thể loại văn học (huyền thoại, cổ tích, dân ca, ca dao, tục ngữ…); nghệ thuật và nhạc cụ truyền thống (ca, múa, khèn, trống, cồng, chiêng…) và tín ngưỡng, tôn giáo.

Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền phát huy phong tục tập quán gồm hiếu hỉ, lễ tết, hôn nhân, gia đình, chữa bệnh, bảo vệ rừng, v.v…

Trong khi đó, khía cạnh về bảo đảm quyền thống nhất mà đa dạng đưa ra các yêu cầu:

Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền thống nhất của nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở đẩy mạnh sự tiếp xúc, giao lưu và tiếp biến văn hóa theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa văn hóa dân tộc Kinh và văn hóa các DTTS.

Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền thống nhất quyền của văn hóa tộc người gắn với bảo đảm quyền thống nhất của văn hóa dân tộc – quốc gia Việt Nam.

Tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết của mỗi dân tộc, quyền phổ thông của tiếng Việt, quyền bảo vệ tính ổn định của cảnh quan văn hóa tộc người thể hiện cho sự đa dạng mà thống nhất của cảnh quan văn hóa Việt Nam.

{keywords}
 

Thứ ba, bảo đảm quyền con người gắn với quyền dân tộc – tộc người và quyền dân tộc – quốc gia.

Về mặt chủ thể, quyền của các DTTS vừa là quyền cá nhân vừa là quyền của nhóm xã hội - văn hóa trong mỗi DTTS và của cả cộng đồng DTTS. Cá nhân chỉ gồm những người thuộc về các nhóm xã hội – văn hóa hay cộng đồng có đặc trưng riêng về chủng tộc, dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ nhất định.

Quyền của các DTTS vừa mang tính phổ biến vừa mang tính đặc thù. Các DTTS đều có quyền bình đẳng với các dân tộc đa số. Tuy nhiên do tính dễ bị tổn thương, họ cần phải được bảo đảm các quyền có tính ưu tiên. Quyền có tính đặc trưng của các DTTS thể hiện ở 3 khía cạnh: quyền bình đẳng không bị phân biệt đối xử, quyền được giữ gìn bản sắc văn hóa, quyền được Nhà nước hỗ trợ phát triển.

Quyền con người trước hết là quyền cá nhân song nó cũng là quyền của nhóm xã hội – văn hóa trong mỗi DTTS. Và các quyền đó đều được bảo đảm một cách cụ thể trong điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa ở mỗi DTTS (dân tộc – tộc người) và dân tộc – quốc gia. Vì thế việc bảo đảm quyền con người cơ bản phải phụ thuộc vào quyền cộng đồng DTTS và cộng đồng dân tộc – quốc gia, do quyền của hai cấp độ cộng đồng này bao trùm quyền của các cá nhân sinh sống trong đó.

Nếu quyền cộng đồng dân tộc – tộc người và cộng đồng dân tộc – quốc gia không được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thì quyền con người với tư cách là quyền của một cá nhân, một nhóm xã hội – văn hóa, một cộng đồng riêng rẽ sẽ rất khó được tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm trong thực tế.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế dưới tác động của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường như hiện nay, trong khi ranh giới các dân tộc – quốc gia trở nên mờ nhạt, mong manh, chỉ còn mang tính tương đối thì quyền con người được đề cao như một giá trị cốt lõi của thời đại.

Quyền DTTS ở một khía cạnh nào đó phải phụ thuộc vào quyền con người. Nhưng đồng thời với các quá trình hội nhập quốc tế, các tộc thiểu số và cả các dân dân tộc – quốc gia lớn nhỏ cũng đang “gồng lên” để khẳng định và bảo tồn những gì còn sót lại của bản sắc dân tộc.

Do đó quyền con người ở một khía cạnh nào đó phải phụ thuộc vào quyền DTTS. Vì thế mối quan hệ giữa quyền con người và quyền DTTS đang ngày càng phức tạp. Ở khía cạnh này, với điều kiện này quyền con người được đề cao là phù hợp, nhưng ở phương diện khác, trong hoàn cảnh khác, việc coi trọng quyền DTTS mới là đúng đắn.

Vì vậy trong bảo đảm quyền con người và quyền DTTS, dân tộc quốc gia cần phải tính tới những yếu tố có tính thời đại. Đây cũng là một vấn đề có tính nguyên tắc để hiện thực hóa tối đa quyền con người trong khi vẫn bảo đảm được quyền DTTS, dân tộc quốc gia trong thời đại hiện nay.

Một điểm nữa cần xem xét là thể chế quyền công dân trong quan hệ giữa quyền DTTS và quyền con người. Quyền con người không đồng nhất với quyền công dân nhưng quá trình bảo đảm quyền con người ở mỗi DTTS cơ bản diễn ra trong khung khổ thể chế quyền công dân tại mỗi quốc gia.

Cho dù dân tộc – quốc gia có là thành viên và thực hiện trực tiếp nhiều công ước quốc tế về quyền con người thì pháp luật quốc tế không thể bao phủ và thể chế hóa đầy đủ các quyền con người và quyền công dân ở mỗi quốc gia. Và nhìn chung pháp luật quốc tế đều phải xếp sau Hiến pháp với tư cách đạo luật gốc của mỗi dân tộc – quốc gia.

Vì thế quá trình bảo đảm quyền DTTS và quyền con người luôn phải xuất phát từ quyền công dân hay thể chế chính trị - xã hội của quyền công dân trong mỗi dân tộc – quốc gia.

Các dân tộc – quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền và công việc nội bộ của mỗi dân tộc – quốc gia là do quốc gia tự quyết định, không thể có dân tộc – quốc gia nào đó coi thể chế quyền công dân của mình là khuôn mẫu quyền con người “có tính phổ quát” để áp đặt cho các dân tộc – quốc gia khác.

Ngọc Châu