Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội. Truyền thông xã hội đã trở thành một trong những kênh quan trọng để trao đổi thông tin, kết nối quan hệ và chia sẻ cảm xúc.

Sự bùng nổ của internet tại Việt Nam đã tạo nền tảng quan trọng cho truyền thông xã hội phát triển.Trước đây, khi phương tiện công nghệ chưa phát triển, báo chí chủ yếu sử dụng phương thức chuyển tải thông tin đơn chiều, tức là chỉ có một chủ thể duy nhất cung cấp.

Có thể nói, sự phát triển của mạng xã hội đã kết nối thế giới đến từng cá nhân, làm cho việc tiếp cận thông tin không còn độc quyền như trước. Thay vào đó, tất cả mọi người sử dụng mạng xã hội đều tham gia vào quá trình tương tác, cung cấp, chia sẻ thông tin như những “nhà báo” độc lập, tạo ra môi trường thông tin đa chiều với nội dung thông tin phong phú, đa dạng.

Tuy nhiên, truyền thông xã hội cũng trở thành môi trường tiềm ẩn đầy rủi ro, nguy cơ và hậu quả, nơi phát tán tin giả, thông tin xuyên tạc, xấu độc… gây hậu quả nghiêm trọng.  Truyền thông ảo đã mang đến những hậu quả thật, nhất là khi người dùng mạng xã hội hiện nay đa số là giới trẻ. 

Những năm qua, quản lý thông tin, kịp thời đấu tranh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng xã hội… đã trở thành câu hỏi bức thiết đặt ra với không chỉ các nhà lãnh đạo, quản lý, báo chí… mà ngay cả đối với mỗi người dân với tư cách người tham gia cũng như tiếp nhận trên mạng xã hội.

Từ kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý của mình, Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp từng chỉ ra, trên thế giới có nhiều giải pháp chống thông tin xấu độc mà Việt Nam cần học hỏi.

Thứ nhất, quản lý báo chí trên môi trường mạng, khoa học công nghệ. Cái gì báo chí chính thống không theo kịp thì mạng xã hội sẽ bổ sung. Vì vậy báo chí truyền thống phải bám sát đời sống xã hội.

Thứ hai, hệ thống pháp luật phải hoàn chỉnh hơn, luật pháp phải tạo ra khung pháp lý ủng hộ người tốt, thông tin tốt; nhưng ngược lại cũng phải răn đe người không tốt, xử lý người đưa tin xấu, độc.

Thứ ba là nâng cao dân trí để phòng vệ bản thân trên mạng xã hội. Việc tìm hiểu thông tin trên mạng cũng phải tự phòng vệ, trình độ khác nhau sẽ có những nhận thức khác nhau vì vậy nâng dân trí sẽ là cách phòng vệ tốt nhất.

Thứ tư, mỗi cá nhân đều phải có ý thức ngăn chặn và phản bác cái xấu một cách có lý, có tình giàu sức thuyết phục. Chúng ta không thờ ơ trước mạng xã hội nhưng nếu chúng ta không có cách ứng xử điềm tĩnh, trí tuệ, khoa học trước thông tin từ mạng xã hội thì cũng không thể đẩy lùi được thông tin xấu độc.

{keywords}
Chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội luôn là vấn đề đặt ra bức thiết. Ảnh minh họa

Mặt khác, ông Lê Doãn Hợp cũng cho rằng, ngoài chuyện thách thức từ mạng xã hội, còn phải nhấn mạnh đến cơ hội. Đó là, báo chí chúng ta có lợi nhiều hơn trong tương quan với sự phát triển của mạng xã hội. Nếu chỉ đề cập đến thách thức từ mạng xã hội thì chúng ta phải luôn bị động đối phó; còn nếu nói cơ hội, báo chí sẽ biết cách đóng vai trò làm chủ trước mạng xã hội. Vai trò của báo chí đối với xã hội phải là chủ đạo. Báo chí phải đưa thông tin nhanh, chính xác, kịp thời.

Báo chí phải có các bài viết sâu hơn, đa chiều hơn so với mạng xã hội. Báo chí bình luận, phân tích chính là định hướng dư luận xã hội. Ông chia sẻ, khi còn làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông lo ngại nhất là thiếu thông tin và nhiễu thông tin. Tất cả các trường hợp nhiễu thông tin đều do thiếu thông tin, thông tin không được cung cấp, hay cung cấp không kịp thời. Do đó theo ông, báo chí cần có các bài phản bác, thuyết phục hơn nữa, phân tích sâu sắc thuyết phục sẽ giúp định hướng dư luận tốt hơn. Báo chí thời đại Internet phải tự chủ cao và sáng tạo cao hơn. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về thông tin của mình.

Cũng theo Nguyên Bộ trưởng, ở Việt Nam, báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, vừa là diễn đàn của nhân dân. Vế thứ hai báo chí chúng ta làm chưa tốt, cần có tỷ lệ cân bằng để thông tin đáp ứng cả hai chiều vì dân và vì Đảng.

Ông Lê Doãn Hợp chỉ ra, xã hội ảo chính là phản ánh xã hội thật, vì thế rất nhiều vấn đề trong xã hội ảo phải được giải quyết từ xã hội thật. Báo chí công dân gây áp lực làm báo chí chúng ta phải nhanh nhạy hơn.

Nghề báo có nhiều lợi thế. Làm báo phải rất sáng tạo. Báo chí là quyền lực thứ 4, ai cũng nói rồi. Nhà báo vừa có danh, có thế, có lực, chẳng có nghề nào được như thế.  Các nhà báo chân chính nếu biết gắn kết sẽ chống tiêu cực tốt hơn. Nghề báo chí cũng là nghề lan tỏa tốt, khuyếch tán nhanh, hội tụ mau trong thời đại toàn cầu hóa.

Dẫn lại câu nói của Phó Chủ tịch Google: “Sự nghiệp của chúng tôi chỉ làm một việc là tập hợp tất cả văn minh của loài người, phân loại và đưa đến cho người đọc nhanh nhất”, Nguyên Bộ trưởng TT&TT khẳng định, báo chí có thể làm giàu từ chính tín nhiệm của tờ báo, tín nhiệm trong lòng độc giả. Vì vậy, muốn làm giàu phải có tín nhiệm. Đó là thương hiệu của tờ báo, tín nhiệm của Tổng biên tập, của phóng viên và biên tập viên.

Cũng theo ông Lê Doãn Hợp, báo chí là công cụ của Đảng và Nhà nước cũng cần có sự đóng góp, hỗ trợ của Nhà nước cho báo chí. Theo đó “xoá bao cấp là xoá những cái cần xoá để có tiền bao cái cần bao”. Cho nên báo chí, xuất bản hay một số ngành nghệ thuật phải bao. Phải coi phóng viên là công chức truyền thông. Trên thế giới những tác phẩm “xấu” đối với chúng ta thì được tài trợ đưa vào Việt Nam rất nhanh, còn ở Việt Nam rất nhiều tác phẩm hay nhưng tác giả nghèo nên không đưa ra được với công chúng. Chúng ta cần có quỹ xuất bản để tài trợ cho các tác phẩm tốt sớm đến với công chúng nhiều hơn.

Ông kể lại, một lần ông sang Úc và hỏi Bộ trưởng Truyền thông, ai quản lý báo chí. Họ bảo không có cơ quan nhà nước nào quản lý báo chí, dân quản lý báo chí. Nhà báo viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện. Nhà nước xử nghiêm.

Từ đó ông bày tỏ mong muốn các nhà báo phát huy hết các lợi thế của mình, có trách nhiệm xã hội cao hơn; trong tác nghiệp luôn thấm nhuần 6 chữ: Trung thực, Khách quan, Hướng thiện.

Thanh Hải