Vì không những, nó khiến cho cộng đồng game thủ trong nước quyết liệt lên tiếng phản đối những luận điểm và thông tin, tư tưởng sai lầm ở trong bài phóng sự đó, mà tới thời gian gần đây, bạn bè quốc tế đã bất đầu để ý đến và lên án. Cho cả thế giới thấy được bộ mặt rõ nét nhất của dư luận Việt Nam vẫn luôn kỳ thị và đánh đồng bất cứ thể loại game nào, chứ không riêng gì game online, và đổ mọi tội lỗi cho game. Nếu một tên tội phạm khai báo với công an rằng hắn thực hiện tội ác vì ma túy hoặc game, lời khai của hắn có thể chấp nhận được! Như nhiều vụ thảm sát gần đây mà đối tượng gây án vẫn luôn bị tưởng nhầm rằng là từng nghiện game nặng.

Kinja, một trang báo Anh ngữ đã nhìn thấy rõ ràng hiện trạng này ở Việt Nam và có được một bài phân tích hết sức chính xác sau đây, cũng như đưa ra được các sai lầm mà VTV thực sự mắc phải, những thông tin sai do thiếu hiểu biết, đã trở thành một thảm họa ảnh hưởng tiêu cực đến lối suy nghĩ của các bậc phụ huynh, mà hôm nay Gamenoob.net xin được tổng hợp, tường thuật và phân tích kỹ càng hơn như sau.

Kinja đã có một nhận định khá chính xác về số phận của ngành game tại Việt Nam như sau: “Chơi game ở Việt Nam đang bị đánh đồng với một cách giải trí tiêu cực, bởi nó làm người chơi rất say mê. Người chơi ở đây lại chủ yếu là các em nhỏ, mà cha mẹ của các em chẳng hề quan tâm tới con em mình, không có đủ hiểu biết để chỉ dẫn cho các em phương pháp chơi game lành mạnh.”
 

Thế nhưng: “Đa số phụ huynh Việt Nam rất ghét việc con mình chơi game, họ cho rằng game gây nguy hại tới việc học, làm ảnh hưởng xấu tới trí óc và tương lai của con cái họ. Ngay khi một đứa trẻ sử dụng máy PC, cha mẹ em sẽ nghĩ ngay đến việc con mình chơi game và… “lên án”, mà không hề quan tâm xem có phải thực sự con mình đang chơi game hay không, hay chúng đang dùng PC cho các mục đích khác như học tập, tìm hiểu thông tin, xem phim, nghe nhạc… Họ cũng chẳng hề quan tâm, cách đơn giản nhất là chỉ cần cấm đoán cho xong chuyện. Sự không quan tâm được thể hiện ngay ở việc các bậc phụ huynh chi tiền ra mua cho con trẻ những tựa game được gán mác người lớn như Grand Theft Auto V – mà từng được ESRB đánh giá là game cho người trên 17 tuổi. Vậy, trong trường hợp này, tại sao các bậc cha mẹ không đứng ra nhận trách nhiệm về phía mình, thay vì đổ lỗi cho thế hệ sau, con họ đâu thể có tiền để tự mua cho mình game và máy game?”
 


Sau đó, Kinja đi thẳng vào vấn đề chính, là bài phóng sự của VTV về game online. Nội dung của nó là về việc game online đã làm cho người chơi bị nghiện như thế nào? làm phung phí thời gian và tiền bạc ra sao? Và thực ra thì, mục đích của bài phỏng vấn này cũng không hề xấu, khi VTV đã lo lắng cho mối nguy hại từ các game online có xuất xứ từ Trung Quốc đang ồ ạt “chảy” về Việt Nam.

Đặc điểm của chúng là không đòi hỏi nhiều tư duy và kỹ năng để chơi, nhưng tất cả những sản phẩm thuộc dạng này đều có tính chất cạnh tranh thứ hạng cực kỳ cao. Muốn được hơn người và muốn đứng vững trên bảng vàng “cao thủ võ lâm”, người chơi sẽ phải đi theo một lịch trình “chăm bón” nhân vật ảo mà nhà phát hành đặt ra, để rồi phải đầu tư không chỉ tiền bạc, mà còn rất nhiều thời gian quý báu của cuộc đời.
 

 ​


Tuy nhiên, điều VTV cần xem lại là ở chỗ, họ lại lấy Grand Theft Auto V, một trong những tựa game có tính chất giáo dục đạo đức con người cực kỳ cao (nếu người chơi ở độ tuổi phù hợp trên 17 tuổi) và nổi tiếng, trở thành một huyền thoại ở những quốc gia hàng đầu thế giới, văn minh hơn Việt Nam gấp nhiều lần, ra để đối chiếu và so sánh với tác hại mà những game online kể trên gây ra.

Điều này không chỉ làm giới game thủ Việt Nam tỏ ra bức xúc, mà còn làm cho những người thực sự “hiểu chuyện” cảm thấy rất… buồn cười. Vì mục đích của bài phóng sự này là để chỉ trích, nhưng những thông tin cơ bản mà nó đưa ra, đều hoàn toàn sai sự thật! Grand Theft Auto V là một tựa game offline chính gốc, cốt truyện của game giúp người chơi cảm nhận được vô vàn những điều hay, những triết lý về cuộc sống từ đề tài xã hội đen và tội phạm, như những tác phẩm điện ảnh và văn học kinh điển The Godfather, Breaking Bad, The Daughter of Time… đã từng làm, chúng đều “đi” vào điểm sâu thẳm nhất của trái tim người xem, trở thành một giá trị tinh thần vô giá trong suốt cuộc đời.
 

 ​


Chưa kể đến những tư tưởng khác mà bộ phận thực hiện bài phóng sự này của VTV muốn truyền tải đều thực sự là ý kiến của những người… chẳng biết gì về game. Cũng giống như ca nhạc, điện ảnh hay văn học… bản thân game sinh ra là những sản phẩm để giải trí, và có một điều mà hết thảy những game thủ có tuổi đời già dặn nhất đều công nhận rằng: bản thân game không hề có chức năng gây nghiện như nhận thức của VTV về game online, nghiện hay không nghiện, đều ở nơi người chơi. Cũng giống như, người ta có thể phạm nên tội ác tày trời, chỉ bằng một con gao gọt hoa quả. Một liều thuốc an thần, một liều thuốc giảm đau, cũng có thể trở thành những loại ma túy nguy hại và gây nghiện nhất!

Điều làm cho người ta thực sự bị nghiện khi chơi game online, chính là ham muốn được thể hiện mình, được hơn người, được người khác cung phụng, mà họ đã không tiếc bỏ ra nhiều tiền bạc và thời gian để đạt cho mình những cảm giác ảo. Không thể phủ nhận rằng ở điểm này, game online cũng rất tương đồng với ma túy! Thế giới ảo trong game online có một điểm giống với thế giới thực là ở chỗ, nó cũng tồn tại một loại “quyền lực” vô hình. Mà ước vọng truy cầu quyền lực, dù là ảo hay là thật, cũng đều có thể khiến cho con người ta trở nên nghiện ngập!
 

 
 

Qua sự việc lần này, mong rằng VTV nói riêng hay dư luận và báo chí Việt Nam nói chung, nên có một cái nhìn toàn diện và trực quan hơn về game, lắng nghe ý kiến của những game thủ hàng đầu thực sự hiểu rõ vấn đề và biết được sự khác biệt giữa game online và game offline, để có được một bài phóng sự đúng đắn, chính xác hơn. Không phải tất cả game đều xấu và được làm ra để phục vụ cho mục đích xấu. Sự thực là điều ngược lại mới là đúng đắn, khi ngành công nghiệp game ở các nước tiên tiến đều là những ngành công nghiệp nghìn tỷ USD, một số trường học ở Mỹ và nhiều nước khác đã đưa game vào thành một hoạt động giảng dạy chính thức, game thủ dần trở thành một nghề nghiệp chân chính và có tương lai sáng lạn… là những dấu hiệu chứng minh được tính chất tích cực của game tới tâm hồn, trí óc, sự nghiệp, tương lai và niềm đam mê của nhiều con người.

theo Scarless/gamenoob