Từ trước khi đại dịch Covid-19 tràn đến, báo chí trong nước đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức mà từng tòa soạn đều có cảm nhận rõ nét, kể cả những tòa soạn lớn hàng đầu của cả nước.

Đối với các cơ quan báo chí phụ thuộc nhiều vào các ấn bản báo in, sự suy giảm về số lượng phát hành không còn là điều mới mẻ trong nhiều năm trở lại đây, trong làn sóng chung thường được nhắc đến của sự thoái trào báo in trên quy mô toàn cầu.

Đối với các cơ quan mà kênh tiếp cận độc giả chính là báo điện tử, sự lấn lướt của các mạng xã hội, các kênh tin tức từ các công cụ tìm kiếm và nhiều phương tiện truyền thông xã hội khác cũng khiến kỳ vọng phát triển của các cơ quan này gặp không ít rào cản lớn.

Cùng với áp lực cạnh tranh từ sự gia tăng số cơ quan báo chí và các ấn phẩm gia nhập thị trường, hoạt động kinh tế báo chí cũng chịu sự tác động ngày càng lớn của rất nhiều trang tin điện tử và trang mạng xã hội được thiết kế khiến nhiều độc giả cũng đánh đồng với các ấn phẩm báo chí.

Việc các trang tin, trang mạng này lấy lại nội dung có chọn lọc một cách chủ đích từ các cơ quan báo chí rồi gây áp lực lên cộng đồng doanh nghiệp đã tạo ra sự phân tán nguồn lực vốn truyền thống được dành cho hoạt động truyền thông trên các ấn phẩm báo chí chính thống.

Đó là những thách thức khách quan phổ biến nhất mà chắc hẳn cơ quan báo chí nào cũng phải đương đầu, cùng với những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công đồng doanh nghiệp - một nguồn thu trọng yếu của báo chí.

Đại dịch Covid-19 chỉ làm lộ rõ thêm và làm trầm trọng thêm những khó khăn và áp lực với kinh tế báo chí. Khi mà toàn bộ các hoạt động kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề cùng với những hệ lụy lâu dài khiến cả doanh nghiệp và người tiêu dùng thế giới và trong nước đều phải tính tới phương án cắt giảm chi tiêu, nguồn thu của các cơ quan báo chí, nhất là các đơn vị tự chủ có nguồn thu phụ thuộc lớn vào quảng cáo đều bị ảnh hưởng rõ rệt.

Là cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về thu chi từ ngày đầu thành lập năm 1991, lại hoạt động trên cả lĩnh vực báo in và báo điện tử, có các ấn phẩm xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, Báo Đầu tư chịu tác động rất rõ rệt bởi bối cảnh trên. Cũng giống như nhiều tòa soạn khác, lượng phát hành chịu tác động lớn bởi các biện pháp phòng dịch, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội.

Thậm chí, do hoạt động du lịch bị gián đoạn, ngành du lịch vẫn đang chật vật để phục hồi, du khách quốc tế chưa được trở lại... Tòa soạn Báo Đầu tư đã phải quyết định tạm dừng xuất bản ấn phẩm TimeOut - tờ báo tiếng Anh chuyên về lĩnh vực du lịch, giải trí, văn hóa phục vụ đối tượng độc giả nước ngoài - từ ngày 30/5/2020.

{keywords}
Báo chí trong nước phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Ảnh minh họa

Lòng tin mới có thể tạo nên sự đồng hành bền vững

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã đặt ra câu hỏi nghiêm túc về tính bền vững của các nguồn thu cho tòa soạn. Ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn là khá rõ ràng khi nhiều kế hoạch truyền thông của doanh nghiệp bị đình trệ, trong khi ảnh hưởng về dài hạn vẫn còn là ẩn số, tùy thuộc nhiều vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp cũng như diễn tiến dịch bệnh trên toàn cầu.

Để giải bài toán phát triển nguồn thu bền vững, câu hỏi cốt lõi vẫn là nguồn thu là những nguồn nào? Với một cơ quan báo chí kinh tế tự chủ thu chi, nguồn thu vẫn nằm chủ yếu từ quảng cáo đến từ doanh nghiệp và các tổ chức, bên cạnh thu từ phát hành và một số hoạt động ngoài mặt báo khác.

Vậy mấu chốt của phát triển nguồn thu là phát triển mối quan hệ bền chặt với cộng đồng doanh nghiệp, hay nói cách khác là đồng hành khăng khít hơn, bền vững hơn. Làm được điều đó vừa khó và cũng vừa dễ, chủ yếu nằm ở tư duy về sự đồng hành.

Rõ ràng, chỉ có rất ít tờ báo không đề cập đến các vấn đề của doanh nghiệp, doanh nhân, bởi doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế và mọi địa phương trên cả nước. Song con đường đồng hành thì không phải ở đâu và bất cứ lúc nào cũng bằng phẳng, suôn sẻ, do quan điểm và cách ứng xử khác nhau.

Bởi, ngay cả khi được thông tin một cách cân bằng, khách quan, có tính xây dựng nhất về mình thì cũng chưa chắc chủ doanh nghiệp đã thực sự “đẹp lòng”, nhất là khi bị “đụng chạm”, đưa ra công luận về những mặt tồn tại, yếu kém của mình. Trong khi đó, tờ báo lại không thể chỉ đưa thông tin tích cực một chiều.

Để cùng đi được với nhau lâu dài, chỉ có thể chọn cách ứng xử có trách nhiệm, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện để đảm bảo cân đối thông tin, phát hiện và nêu được những câu chuyện hấp dẫn về làm ăn chân chính, có hiệu quả, đóng góp nhiều cho xã hội, đồng thời cũng góp tiếng nói cảnh báo để chấn chỉnh cái sai nhưng không triệt tiêu sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp có trách nhiệm cũng cần ý thức rằng, phương pháp hiệu quả nhất để quảng bá thương hiệu, xây dựng hình ảnh và trong nhiều trường hợp để đương đầu, vượt qua được khủng hoảng truyền thông chính là cần phối hợp kịp thời, hiệu quả, tiếp nhận thông tin với thái độ cầu thị.

Quan hệ đồng hành giữa tòa soạn và doanh nghiệp không chỉ được thể hiện qua cách diễn đạt trên nội dung trang báo, mà còn có thể được tăng cường bởi vai trò cầu nối của cơ quan báo chí. Các hoạt động kết nối ngoài trang báo như sự kiện thể thao, tọa đàm, diễn đàn... góp phần tích cực gắn kết và đưa tiếng nói của doanh nghiệp, doanh nhân tới các nhà hoạch định chính sách, khách hàng, đối tác, qua đó thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chúng tôi tin rằng, mối quan hệ đồng hành hiệu quả sẽ giúp tòa soạn giải bài toán cải thiện nguồn thu một cách ổn định, bền vững cả ở khía cạnh truyền thông và phát hành, sau khi doanh nghiệp ổn định và phục hồi trở lại khi dịch bệnh chấm dứt.

Các cơ quan báo chí chính thống, nghiêm túc cũng mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí tiếp tục có những chế tài mạnh để ngăn chặn, xử lý tình trạng xâm phạm bản quyền, cố tình khai thác và biên tập lại thông tin từ các tờ báo để trục lợi. Có như vậy mới khôi phục được lòng tin giữa báo chí với doanh nghiệp - một lòng tin được xây dựng trên nền tảng trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp của cả hai bên. Chỉ có lòng tin đó mới có thể tạo nên sự đồng hành đích thực, bền vững vì lợi ích chung của đất nước và của mỗi bên.

 Bên cạnh việc phát triển những nguồn thu chủ yếu trên, việc khai thác cơ chế đặt hàng của các cơ quan nhà nước cũng là một phương thức hiệu quả giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương truyền thông của các cơ quan chức năng. Đồng thời, thu phí đọc bài trên báo điện tử cũng là hướng đi rất đáng quan tâm, nếu nhiều cơ quan báo chí đồng tâm thực hiện và được hỗ trợ tích cực từ các nhà cung cấp giải pháp công nghệ, nhất là trong thanh toán.

Chúng tôi rất mong muốn được tiếp tục đồng hành với các cơ quan báo chí cả nước cùng nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng một cộng đồng báo chí cách mạng có sức mạnh, trở thành cầu nối đắc lực và hữu hiệu giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và người dân, tích cực quảng bá hình ảnh về môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và hình ảnh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân điển hình.

Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập báo Đầu tư