Truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, truyền thông chính sách là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở.

Trong những năm qua, truyền thông chính sách không những nhằm đảm bảo thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Công tác truyền thông cũng góp phần hết sức quan trọng củng cố, xây dựng niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chính vì vậy, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”. Kế đến, ngày 21/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành tiếp Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường truyền thông chính sách.

anh thai anh.jpg
Để làm tốt công tác truyền thông chính sách thời đại 4.0 hiện nay thì chính các cơ quan báo chí phải tự thân đổi mới mới có thể giữ được vai trò chủ công của mình. 

Ngày 23/6/2023, Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc đặt hàng cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2023-2025. “Có thể thấy rất rõ công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng, với phương châm truyền thông phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội”, ông Lợi nói.

Về bản chất, truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Nội dung thông tin tuyên truyền chính sách không đơn thuần là các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc, chính sách dân tộc mà nó bao trùm mọi mặt của đời sống.

“Tuy nhiên có một thực tế là cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Một số địa phương, bộ, ban, ngành còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách, thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua, đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đơn cử nhất là vụ lùm xùm xung quanh việc lấn biển tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh”, ông Lợi ví dụ.

Theo ông Lợi, quai đê lấn biển để mở rộng không gian đô thị, cải tạo môi trường, làm đẹp thành phố nhưng khi công tác truyền thông không tốt đã bị các đối tượng xấu lợi dụng, bôi nhọ chính quyền rằng “lấp biển quây hòn non bộ”, “xâm phạm di sản Vịnh Hạ Long (dù khu vực dự án còn không thuộc cả khu vực vùng đệm của di sản)… Từ vụ việc có thể thấy rõ, làm tốt công tác truyền thông chính sách, thông tin phản biện kịp thời, lấy cái đúng “khắc chế” cái sai, lấy báo chí là nền tảng khi cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí thì sẽ không xảy ra những “sự cố truyền thông” như vậy.

Truyền thông chính sách cần đặt đúng tầm nhiệm vụ

Về bản chất, chính sách là vấn đề quan trọng hàng đầu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Do đó, truyền thông chính sách được coi là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Để làm cho người dân hiểu được những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, công tác truyền thông chính sách cần được coi trọng và đặt đúng tầm nhiệm vụ.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, để đẩy mạnh hiệu quả truyền thông chính sách trong giai đoạn hiện nay, báo chí chính thống được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài, hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và cơ quan bộ, ngành, các địa phương đến với người dân.

Cùng chung nhận định này, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho rằng, để có chính sách phù hợp với thực tiễn và khả thi, thì quá trình xây dựng chính sách từ ý tưởng, hình thành chính sách, lấy ý kiến, ban hành chính sách và đánh giá hiệu quả chính sách đều rất cần sự vào cuộc của báo chí. Ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua diễn đàn báo chí là tiếng nói xây dựng, phản biện, giám sát, có vai trò quan trọng.

Tuy nhiên ông Phúc cũng nhắn nhủ, để làm tốt công tác truyền thông chính sách thời đại 4.0 hiện nay thì chính các cơ quan báo chí phải tự thân đổi mới mới có thể giữ được vai trò chủ công của mình. Trong đó, chuyển đổi số là con đường nhanh nhất để báo chí tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với công chúng, hướng tới mục tiêu giúp người dân nắm bắt được tầm quan trọng của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Minh Thuý và nhóm PV, BTV