‘Bao nhiêu vụ tham nhũng hầu hết do quần chúng và báo chí phát hiện, tổ chức Đảng không phát hiện vụ nào. Chủ động vẫn là cần nhưng phải chủ động tích cực, có bản lĩnh, có trí tuệ.’

Mời xem lại bài Lắng nghe dân và đảng viên không chức quyền nói về suy thoái

LTS- Bàn về nguyên nhân và giải pháp chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, TS Vũ Ngọc Hoàng quả quyết, các nhóm giải pháp quan trọng nhất gồm: Kiểm soát quyền lực; tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin; đổi mới cơ chế quản lý; cải cách bộ máy và đổi mới công tác cán bộ; xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực.

Những năm gần đây Nghị quyết của Đảng có nói đến việc dựa vào dân để xây dựng Đảng. Hồ Chí Minh đã nói lâu rồi. Tư duy ấy tiến bộ, nhưng thực hiện còn quá ít, chỉ mới coi như một kênh thông tin tham khảo. Không ít trường hợp ở dưới nói, trên không nghe, lại còn định kiến, đối phó, thậm chí cả trù dập. Ở dưới chán, và sợ, không nói nữa. Cấp trên cũng ngại động chạm với cấp dưới, mà trên – dưới cũng đều bị bệnh giống nhau nên cùng “dễ người dễ ta”. Cuối cùng cấp nào lại quay về với cấp ấy. Và lại “tự mình”. “Tự mình” cũng không sai, cũng đúng – phải chủ động, không để bị động. Bị động thì kết quả thấp, thậm chí có lúc hỏng việc.

Đồng thời cần lưu ý việc “tự mình” chỉ đạt kết quả khi cán bộ và tổ chức còn lành mạnh, sinh hoạt nội bộ có tính chiến đấu và tính giáo dục cao; còn khi đã hư hỏng thì “tự mình” không có kết quả, kiểm điểm phê bình chỉ là hình thức cho qua chuyện hoặc là nhân cơ hội ấy mà đấu đá lẫn nhau. Nói chung không nên quá mong đợi một người đã hư hỏng bỗng “tự mình” tốt lên. Bao nhiêu vụ tham nhũng hầu hết do quần chúng và báo chí phát hiện, tổ chức Đảng không phát hiện vụ nào. Chủ động vẫn là cần nhưng phải chủ động tích cực, có bản lĩnh, có trí tuệ.

Từ nay, một mặt vẫn quan tâm tính chủ động “tự mình” nhưng mặt khác phải thật sự dựa vào dân. Đây cũng là tư tưởng lấy dân làm gốc. Phải lấy dân để rèn Đảng, nếu không muốn Đảng hư. “Tự mình” và “dựa dân” như hai mặt của một vấn đề, song song, “cân đối”, quan trọng ngang nhau, không xem nhẹ việc dựa dân, không phải là tham khảo nhân dân, mà là hỏi dân, xin ý kiến nhân dân để nhân dân quyết định. Không coi dân là cấp dưới. Luôn luôn giữ vững tính chất nhân dân của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước đều vì dân và của dân. Quay trở lại đúng tư tưởng Hồ Chí Minh: Đảng là con nòi của dân tộc. Cuộc sống của nhân dân là mục tiêu cao nhất của Đảng và Nhà nước.

{keywords}

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.

Đổi mới mạnh mẽ và căn bản phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước theo hướng thực hành dân chủ rộng rãi và không chồng chéo công việc giữa Đảng với nhà nước. Đảng lãnh đạo bằng những giá trị chứ không phải bằng quyền lực, như cách trước đây Đảng nhờ nó mà thành lãnh đạo, không can thiệp sâu vào công việc của Nhà nước, tập hợp trí tuệ, thuyết phục và nêu  gương, đối thoại bình đẳng để cảm hóa  bằng lẽ phải, không dùng mệnh lệnh hành chánh hoặc quyền lực, không áp đặt độc quyền chân lý; phát hiện và giới thiệu hiền tài cho nhân dân xem xét lựa chọn chứ không phải “Đảng cử dân bầu” với nghệ thuật sắp đặt.

Đảng phải luôn giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ mà Đảng đã nêu ra từ ngày thành lập, sau này nhiều lúc đã lãng quên và không ít vi phạm. Lấy dân làm thước đo để đánh giá Đảng. Thường xuyên điều tra và công bố kết quả điều tra dư luận xã hội đánh giá về tổ chức và cán bộ của Đảng và nhà nước, kể cả việc sử dụng các tổ chức đánh giá độc lập.

Theo tôi, các nhóm giải pháp quan trọng nhất gồm: Kiểm soát quyền lực; tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin; đổi mới cơ chế quản lý; cải cách bộ máy và đổi mới công tác cán bộ; xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực. Trong năm nhóm giải pháp nêu trên, mỗi nhóm đều có ý nghĩa và vị trí riêng, không cần phải xác định cái nào quan trọng hơn cái nào. Tuy nhiên, nếu bị buộc phải chọn một giải pháp duy nhất thì tôi sẽ chọn vấn đề kiểm soát quyền lực, đồng thời đề nghị thêm giải pháp thứ hai thuộc về tự do tư tưởng, ngôn luận và minh bạch thông tin.

Đã có nhiều Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về chống tham nhũng, suy thoái. Gần nhất có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình. Các Nghị quyết ấy nhìn chung không có gì sai trái và cũng đã được tổ chức thực hiện một cách tích cực, khá vất vả, tốn nhiều công sức. Nhưng kết quả vẫn hạn chế, chưa có chuyển biến đáng kể, về cơ bản tình hình vẫn vậy, thậm chí có mặt còn xấu hơn.

Phải xem lại trong các Nghị quyết ấy còn thiếu điều gì? đã trúng chưa? Theo tôi, còn thiếu những biện pháp cụ thể về kiểm soát quyền lực ; thực thi dân chủ rộng rãi, tự do ngôn luận và minh bạch thông tin; đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ. Như phần trên đã nói, quyền lực không được kiểm soát tất yếu sẽ dẫn đến lộng quyền và tha hóa. Tham nhũng và “lợi ích nhóm” thường gắn với quyền lực, liên quan đến cán bộ có chức quyền, có sự liên kết chặt chẽ giữa tiền và quyền. Nước ta, việc kiểm soát quyền lực và tự do ngôn luận, minh bạch thông tin và công tác cán bộ hầu như còn khuyết điểm ở rất nhiều khâu.

Cần sớm nghiên cứu kinh nghiệm kiểm soát quyền lực của các mô hình phân quyền ở các nước tiên tiến giữa ba nhánh quyền lực (mà lâu nay ta gọi họ là tam quyền phân lập) nhằm kiểm soát chéo và điều chỉnh lẫn nhau, chống lạm quyền, khi đã sai thì sớm phát hiện và kịp thời sửa chữa; kể cả kinh nghiệm phân quyền giữa các cơ quan trong cùng một nhánh quyền lực, nhất là hành pháp và tư pháp. Tổ chức Đảng không sử dụng quyền lực nhà nước và phải chịu sự kiểm soát của nhân dân, của nhà nước và của cơ quan giám sát do đại hội cử ra.

Tiếp tục thực hiện tốt hơn việc bỏ phiếu đánh giá hằng năm của cấp ủy và hội đồng nhân dân các cấp, Trung ương và Quốc hội đối với các chức danh do các cơ quan ấy bầu cử và phê chuẩn. Ban hành luật trưng cầu dân ý; về tự do ngôn luận, tự do thể hiện chính kiến. Nghiên cứu sửa đổi các điều luật về tội tuyên truyền chống nhà nước nhằm bảo đảm cho “ông chủ” nhân dân được quyền phê phán “các đầy tớ” khi họ làm sai, làm hỏng hoặc gian lận, lộng quyền mà “ông chủ” không bị “đầy tớ” tống giam.

Nghiêm cấm việc bịa chuyện vu cáo, qui chụp, xúc phạm nhân phẩm, vi phạm nhân quyền và tự do cá nhân của người khác, kể cả lãnh đạo và nhân dân; ra qui định về đạo đức công vụ; về trách nhiệm giải trình và minh bạch thông tin; về sự lành mạnh, nhân văn và mở rộng tự do trong truyền thông. Chính tự do ngôn luận sẽ góp phần tích cực đưa nhân dân lên vị trí làm chủ, tham gia kiểm soát quyền lực và thúc đẩy đổi mới lý luận và công tác tư tưởng để không bị lạc hậu và gắn với thực tiễn; đồng thời lại giúp cho nhân dân có thông tin về tư cách cán bộ, để không chọn nhầm người vào bộ máy lãnh đạo.

Trong đổi mới cơ chế quản lý, cần tiếp tục thực hiện Kinh tế thị trường đầy đủ, không để bị biến dạng, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để các nhà đầu tư tham gia quản trị doanh nghiệp; lấy kinh tế tư nhân làm động lực chính để tiến lên; thực hiện bình đẳng giữa các loại doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác nhau; lực lượng công an, quân đội nói chung không nên làm kinh tế; kiên quyết bỏ cơ chế chủ quản các doanh nghiệp; xóa bỏ cơ chế xin – cho; cải cách chế độ thuế bất động sản theo hướng đánh thuế lũy tiến về đất đai nhằm chống đầu cơ và khắc phục bất bình đẳng quá mức trong khoảng cách giàu nghèo ngày càng phân hóa lớn; nghiên cứu chế độ đa sở hữu đối với đất ở, đất vườn và đất nông nghiệp.

Trước mắt cần thay đổi căn bản cách thu hồi đất nhân dân đang sử dụng. Theo đó, chỉ thu hồi cho dự án trực tiếp phục vụ quốc phòng, phúc lợi xã hội, xây dựng hạ tầng công cộng. Ngoài ra, đối với các dự án khác thì nhà đầu tư phải thỏa thuận mua bán với người dân. Lâu nay, lợi dụng chế độ quản lý đất đai hiện hành, tham nhũng và “lợi ích nhóm” về đất đai là khá phổ biến, cần sớm khắc phục tiêu cực do cơ chế quản lý đất đai và tạo điều kiện cho người nông dân có sở hữu đối với tư liệu sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp, để trên cơ sở đó mà tham gia làm chủ xã hội.

Để có thể nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng; Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Thường vụ các cấp ủy cần có kế hoạch cụ thể để ngày càng mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội, tập hợp nhân tài, trí thức vào bộ máy lãnh đạo các cấp với ý thức rằng trí thức chính là lực lượng đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất trong thời đại hậu công nghiệp, kinh tế tri thức. [Tôi muốn nói đến trí thức chân chính và thực chất, chứ không phải những người chạy theo bằng cấp vì trong quy hoạch đã ghi một cách rất hình thức ấy].

Trên cơ sở tiếp thu tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, tự do tư tưởng và đa dạng về văn hóa, các cấp ủy Đảng phải thường xuyên đổi mới tư duy, nâng cao trí tuệ, để đủ sức tham gia công cuộc khai hóa văn minh của dân tộc thay cho các tư tưởng bảo thủ, giáo điều, xa rời thực tế. Đặc biệt lưu ý đổi mới căn bản tư duy lý luận và công tác lý luận, thay đổi hẳn cách tiếp cận, lấy tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, cộng với cập nhật thường xuyên các tư tưởng mới và tiến bộ khoa học công nghệ làm nền tảng, thực hiện đối thoại bình đẳng giữa các quan điểm khác nhau, tập họp anh chị em trí thức để đồng hành và hợp tác trong phát triển bền vững đất nước.

Cải tổ bộ máy, bỏ trùng lắp và chồng chéo về chức năng nhiệm vụ giữa hệ thống Đảng và hệ thống nhà nước, hệ thống dân vận, thật sự khắc phục tình trạng ở nước ta cùng lúc có 3 bộ máy đều được trả lương bằng ngân sách nhà nước (tức là tiền thuế của dân). Trên cơ sở đó mà bỏ bớt các bộ phận dư thừa trong hệ thống chính trị, tinh gọn biên chế và làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân từng người lãnh đạo, từ đó dễ xử lý trách nhiệm trong các sai trái. Nước ta có rất nhiều việc làm hư hại uy tín của Đảng, Nhà nước và tài sản của quốc gia, nhưng quá ít trường hợp bị xử lý về trách nhiệm, không thấy ai từ chức và cũng ít thấy ai bị cách chức. Cần phải nghiêm túc sửa chữa tình trạng vô trách nhiệm này.

Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ theo hướng phải tranh cử gắn với mở rộng quyền đề cử của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội, cũng như quyền ứng cử của các cá nhân. Không có tranh cử thì cơ chế ấy sẽ dẫn đến tha hóa đội ngũ cán bộ, giống như muôn loài khi tách khỏi “chọn lọc tự nhiên”. Trong điều kiện một Đảng thì tất nhiên là khó hơn. Nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không làm được. Và nhất thiết phải làm.

{keywords}

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN

Trong khi một Đảng lãnh đạo thì Đảng ấy nhất thiết phải giương cao ngọn cờ dân chủ, tổ chức Đảng chủ yếu là lãnh đạo, thuyết phục về tiêu chuẩn cán bộ, hạn chế tối đa việc giới thiệu nhân sự cụ thể, chỉ tổ chức hiệp thương giới thiệu một số ít trường hợp để làm chủ chốt với các phương án khác nhau không có quân “xanh” quân “đỏ”; khắc phục tối đa tình trạng “một mình một sân”, “Đảng cử dân bầu”, đồng thời phát huy cao nhất vai trò tự chủ của các đoàn thể chính trị xã hội và các hội trong việc chọn người ra tham gia tranh cử. Đó cũng là nói về vai trò của xã hội dân sự lành mạnh.

Đối với cán bộ lãnh đạo, cán bộ qua bầu cử, là vậy. Còn đối với cán bộ chuyên môn thì phải thông qua thi cử công khai và công bằng. Giảm mạnh bộ máy và nâng lương cao lên cho cán bộ, không để cán bộ sống chủ yếu bằng các nguồn “thu nhập khác” như hiện nay. [Xin hãy đừng nói với tôi rằng không có ngân sách lấy gì mà nâng lương ? Chẳng qua chỉ là thay đổi cách quản trị quốc gia].

Việc xử lý nghiêm minh các vụ tiêu cực là hết sức cần thiết, nhất định không được bỏ qua vụ nào, dù phải động chạm đến bất kỳ ai. Mọi sự bao che hoặc dung túng cho “quan tham” đều là con đường dẫn đến kết cục xấu. Tập thể các Ban Chấp hành và những đảng viên chân chính không được thụ động, thả tay, thừa nhận bất lực, mà phải kiên cường và chủ động tham gia cuộc chiến chống tham nhũng, “ lợi ích nhóm” - ủng hộ mạnh mẽ những việc làm đúng, nhất là trong việc chống “ lợi ích nhóm” và chống bảo thủ (thúc đẩy đổi mới) của Tổng Bí thư và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong cuộc chiến này.

Trong số các nhóm giải pháp, việc xử lý các vụ tiêu cực viết sau không có ý rằng nó ít quan trọng, mà vì nó chủ yếu là giải quyết hậu quả, giải quyết cái đã xảy ra rồi, vẫn rất quan trọng, nếu xử lý nghiêm sẽ có tác dụng răn đe. Nhưng dù sao thì nó vẫn không phải là cách trực tiếp ngăn chặn từ đầu.

Nếu chúng ta chỉ tập trung công sức cho việc xử lý cái đã xảy ra, thì đề phòng trong khi giải quyết được vài ba vụ, có thể đã phát sinh thêm năm bảy vụ mới, tổng số tồn đọng vẫn cứ không giảm, mà có thể nhiều hơn. Cho nên phải tập trung nhiều nhất cho việc ngăn chặn đầu vào, giải quyết từ gốc cái điều kiện và tác nhân sinh ra tiêu cực, đồng thời xử lý một cách kiên quyết, không dung túng, không khoan nhượng, không thỏa hiệp các vụ tiêu cực đã xảy ra, minh bạch tất cả thông tin cho nhân dân biết để lấy lại lòng tin.

Trong nhiều trường hợp, việc minh bạch thông tin còn công hiệu hơn kỷ luật, vì cái xấu không còn nơi ẩn nấp. Nếu không minh bạch thông tin, cứ để mập mờ, thì mọi người sẽ nghi ngờ tất cả, người tốt và liêm khiết cũng bằng nhau với người xấu và tham nhũng, không còn ai tốt cả, vậy thì nhân dân biết tin vào đâu.

TS. Vũ Ngọc Hoàng