Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, hiện nay chữ ký số công cộng chủ yếu được cung cấp cho doanh nghiệp, số lượng thuê bao chữ ký số cá nhân còn rất hạn chế, chỉ chiếm 1 % tổng chữ ký số được cấp phát và chỉ tập trung ở một số ứng dụng nội bộ (Ảnh minh họa: Internet) |
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo tới Bộ TT&TT ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án đẩy mạnh việc cấp chứng thư số cho người dân, doanh nghiệp theo hướng giảm chi phí cấp và duy hoạt động chứng thư số để khuyến khích sử dụng trong các giao dịch điện tử.
Thông báo nêu rõ, Bộ TT&TT phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án với chính sách, lộ trình cụ thể để giảm chi phí cấp và duy trì hoạt động của chứng thư số nhằm đẩy mạnh việc cấp chứng thư số cho người dân, doanh nghiệp sử dụng trong các giao dịch điện tử; chú ý giải pháp chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động, chứng thư số tích hợp trong ứng dụng phần mềm và các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình liên quan đến chữ ký số, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2019.
Trước đó, trong Nghị quyết 17 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, để xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, một trong những nhiệm vụ Bộ TT&TT được giao là “Nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án đẩy mạnh việc cấp chứng thư số cho người dân, doanh nghiệp theo hướng giảm chi phí cấp và duy trì hoạt động chứng thư số để khuyến khích sử dụng trong các giao dịch điện tử”.
Cũng tại Nghị quyết 17, Chính phủ đã đặt mục tiêu trong giai đoạn 2019 – 2020, 20% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính phủ điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương. Mục tiêu của giai đoạn 2021 – 2025 là đưa tỷ lệ này đạt 40%.
Ngày 5/7 vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư 04 quy định về liên thông giữa Hệ thống chứng thực chữ ký số công cộng và Hệ thống chức thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2019, Thông tư này sẽ giải quyết vấn đề liên thông giữa hai hệ thống chứng thực chữ ký số, góp phần đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số nói riêng và ứng dụng CNTT nói chung trong cải cách hành chính, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, thương mại điện tử.
Cũng nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chữ ký số trong giao dịch điện tử và kịp thời hướng dẫn các nội dung về ký số, kiểm tra chữ ký số của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP, Bộ TT&TT, trực tiếp là Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định sử dụng chữ ký số trong hoạt động giao dịch điện tử. Khi được ban hành, Thông tư này sẽ tạo nền tảng pháp lý cho việc áp dụng chữ ký số đối với thông điệp dữ liệu (chứng từ điện tử, hóa đơn điện tử...) trong giao dịch điện tử; tạo thị trường cho việc cung cấp giải pháp phần mềm liên quan đến ký số và kiểm tra chữ ký số; đồng thời mở rộng và tạo sự đa dạng các loại hình ứng dụng, dịch vụ CNTT, Internet áp dụng chữ ký số.