Tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Trong đó, Chính phủ giao Bộ TT&TT làm đầu mối theo dõi việc thực hiện các chỉ số về Chính phủ điện tử. 

Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ TT&TT nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT, viễn thông. Hàng quý, hàng năm, Bộ TT&TT có trách nhiệm xây dựng Báo cáo chuyên đề về tình hình, kết quả cải thiện các chỉ số, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng cuối quý, cuối năm.

Đồng thời, là cơ quan chủ trì và tất cả các bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện nhiệm vụ cải thiện điểm của 2 nhóm chỉ số thành phần là Dịch vụ công trực tuyến; và Hạ tầng viễn thông (Tỉ lệ người dùng Internet; Số thuê bao điện thoại cố định trên 100 dân; Số thuê bao điện thoại di động trên 100 dân; Số thuê bao Internet băng thông rộng cố định trên 100 dân; Số thuê bao Internet băng thông rộng không dây trên 100 dân).

Theo đại diện Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2017 xếp hạng thứ 80; đến năm 2020 đạt trung bình ASEAN 5 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia) về điểm số và thứ hạng tối thiểu thứ 70 trên thế giới. Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2017, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3; cho phép sử dụng thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hồ sơ và trả kết quả trực tuyến hoặc gửi qua mạng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4). Đây là sức ép đối không nhỏ đối với các dịch vụ công.

Đại diện đơn vị này cũng cho biết chỉ số xếp hạng Chính phủ điện tử theo cách tiếp cận của Liên hợp quốc là sự tổng hợp của 3 nhóm chỉ số gồm: Hạ tầng viễn thông (TII), nguồn nhân lực (HCI) và dịch vụ công trực tuyến (OSI). Trong đó, hai nhóm chỉ số phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng viễn thông lại không liên quan nhiều đến thông tin và chỉ gián tiếp tác động. Thêm đó, nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến cũng chỉ quan tâm đến 6 lĩnh vực trọng điểm là y tế, giáo dục, xã hội, lao động, tài chính và môi trường.

Trong thời gian vừa qua, Cục Tin học hóa đã tham mưu cho Bộ TT&TT có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục có giải pháp nâng cao chỉ số phát triển nguồn nhân lực. Và các bộ ngành quan trọng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như Bộ Y tế, GD&DT, Lao động, Tài chính, TN-MT, Công An, Tư pháp,… để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực trọng điểm. Đồng thời cũng có tờ trình tham mưu cho lãnh đạo Bộ phân công đơn vị thuộc Bộ là Cục viễn thông có giải pháp để nâng cao chỉ số phát triển hạ tầng viễn thông. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, phải thực hiện nghiêm túc theo Nghị Quyết 19 đã ban hành trong đó có yêu cầu báo cáo 3 tháng 1 lần. Tuy nhiên, việc báo cáo phải đi vào thực chất tránh đi về hình thức và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong, ngoài Bộ (do chỉ số này còn liên quan đến nhiều bộ, ngành khác). Đồng thời, Thứ trưởng cũng lưu ý, cần có sự thống nhất sớm giữa các đơn vị trong Bộ.

Trước đó, tại cuộc họp về Chính phủ điện tử được tổ chức hồi tháng 1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, các xếp hạng quốc tế liên quan trực tiếp đến năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh, Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo là những lĩnh vực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm. Đây không chỉ là “cuộc đua” hình thức, xếp hạng đơn thuần trong so sánh với các nước mà liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, đến tín nhiệm của quốc gia trong thu hút đầu tư, cạnh tranh của nền kinh tế, trong đàm phán các cam kết thương mại quốc tế. Tín nhiệm quốc tế cao thì chi phí vốn của cả quốc gia và doanh nghiệp đều giảm. Đồng thời cũng đã yêu cầu việc cải thiện từng chỉ số về Chính phủ điện tử phải làm thật thực chất, đề ra kế hoạch cụ thể, đặc biệt là với chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.