Sự tín nhiệm của cử tri là thước đo quan trọng về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tờ báo dẫn lời ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ.
Ngày 23/5, Việt Nam dự kiến tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: TTXVN |
Yếu tố tín nhiệm rất được chú ý trong quy trình sàng lọc ứng viên. Người có mức tín nhiệm thấp ở nơi cư trú, nơi công tác sẽ không được lựa chọn. “Chúng tôi thấy quy trình hiệp thương ngày càng được tiến hành chặt chẽ. Qua việc tiến hành công khai, dân chủ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phát hiện thông tin về đại biểu thiếu tiêu chuẩn cũng được phát huy… Các vấn đề về quốc tịch, thu nhập, tài sản… đều rất được chú ý trong đánh giá tiêu chuẩn đại biểu. Những nội dung quy định này đã được làm rõ và cụ thể hơn”, ông Thực nói.
Ngoài mức tín nhiệm, còn có quy định về mức tiếp xúc tối thiểu của ứng viên với cử tri. Với đại biểu Quốc hội, phải có ít nhất 10 cuộc tiếp xúc; còn với đại biểu HĐND các cấp, ít nhất là 5 cuộc. Như vậy, người dân có điều kiện hiểu biết nhiều hơn về ứng viên, ông Thực cho biết.
868 người ứng cử để bầu 500 đại biểu Quốc hội
Ngày 27/4, Hội đồng Bầu cử quốc gia Việt Nam đã công bố danh sách 868 người ứng cử tại 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong tổng số ứng viên, số người ứng cử do Trung ương giới thiệu là 203; địa phương có 665 người. Có 9 người tự ứng cử.
Ứng viên là phụ nữ có 393 người (chiếm 45,3% tổng số); ứng viên là người dân tộc thiểu số có 185 người (hơn 21,3%); ứng viên là người ngoài Đảng có 74 người (trên 8,5%), ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, cho biết tại cuộc họp báo ngày 27/4. Số người ứng cử dưới 40 tuổi là 224; người trẻ nhất là 24 tuổi trong khi người cao tuổi nhất là 77 tuổi, ông Cường nói.
Việc sàng lọc ứng viên được tiến hành cẩn thận, chặt chẽ qua 3 vòng hiệp thương, theo lời bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia. Trong quá trình bầu cử, thậm chí đã trúng cử, nếu người nào vi phạm pháp luật thì vẫn bị cơ quan chức năng xử lý, bà nói.
Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Trong khi đó, Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Thủ tướng và các cơ quan liên quan đã ban hành các văn bản hướng dẫn các vấn đề liên quan kỳ bầu cử lần này. Bộ Chính trị - Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra chỉ thị yêu cầu hệ thống chính trị nỗ lực hết sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho bầu cử.
Ban Tổ chức TƯ đã ban hành hướng dẫn về công tác nhân sự cho bầu cử, bao gồm tiêu chuẩn cho đại biểu Quốc hội chuyên trách. Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên.
MTTQ các cấp đã nghiêm túc tổ chức các hội nghị hiệp thương, chú ý đánh giá xem ứng viên có đáp ứng tiêu chuẩn hay không, bao gồm yếu tố thu nhập, tài sản. Ba vòng hiệp thương, trong đó vòng hiệp thương thứ nhất được tổ chức từ ngày 3-17/2 ở 63 tỉnh thành, thể hiện tinh thần dân chủ, theo đó, tất cả mọi người được phép góp ý về tiêu chuẩn ứng viên, về dự thảo văn kiện liên quan Quốc hội, HĐND các cấp.
Xã đảo Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được phép tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND vào ngày 21/5 (sớm hơn 2 ngày so với ngày bầu cử toàn quốc) vì đi lại khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Ngày 23/5 sẽ diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND. Dự kiến, kết quả bầu cử được công bố vào tháng 6.
Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới dự kiến khai mạc vào ngày 20/7. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội khóa mới. Kỳ họp thứ nhất cũng sẽ thảo luận hai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tài chính 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư công giai đoạn này.
Đức Bảo
Báo Mỹ viết về người được kỳ vọng đưa Việt Nam đến kỷ nguyên phát triển mới
Thủ tướng mới đắc cử của Việt Nam, một người có nhiều sáng kiến lớn, cùng các nhà lãnh đạo khác được kỳ vọng sẽ đưa đất nước tiến tới một kỷ nguyên phát triển mới.