Theo giới phân tích, đây là động thái có thể làm gia tăng căng thẳng giữa nước này với Bắc Kinh.
Biểu tượng sức mạnh Mỹ
Các tàu chiến tàng hình mới, với giá 440 triệu USD/chiếc, sẽ được triển khai ở các tuyến đường biển giữa Hong Kong và Singapore, cũng là nơi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với 4 quốc gia về các khu vực giàu tài nguyên dầu khí ở Biển Đông.
Tàu USS Independence có khả năng "tàng hình". Ảnh: usmra |
Các tàu được thiết kế để tác chiến tại các vùng nước nông. Chúng có thể mang theo ba trực thăng, các đơn vị đặc nhiệm và các xe bọc thép có thể mở đường trước, trong khi tàu chiến có thể triển khai từ phía sau.
Phiên bản mới nhất do General Dynamics xây dựng mang tên USS Independence, là loại tàu chiến đa năng thuộc hàng nhanh nhất của Hải quân Mỹ hiện nay. Tàu vỏ nhôm, có khả năng "tàng hình", hạ thủy năm ngoái, được bảo vệ bởi pháo hạm Mk 110 57mm và các tên lửa nhằm vào mục tiêu trên không, mặt đất và dưới nước.
Tuy gọi là tàu tuần duyên nhưng loại tàu này có tầm hoạt động lên tới 10.000 hải lý (19.000 km) với nhiều khả năng khác nhau từ tình báo, tấn công, đến phá mìn. Loại tàu này được cho là "hiện đại hơn bất cứ tàu Trung Quốc nào được biết đến". Các chiến hạm tàng hình của Mỹ có thể "diệt tàu ngầm, phá mìn, trinh sát, do thám và đổ bộ" cũng như thực hiện sứ mệnh triển khai quân đội.
Tuy nhiên, chi phí cho tàu tàng hình khá đắt đỏ và gây tranh cãi. Các nghị sĩ Mỹ đã phàn nàn về chi phí của nó. Một số nhà phân tích quân sự thì cho rằng, chúng có thể bị tổn thương bởi các tên lửa chống hạm của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng được xem là biểu tượng khả năng sức mạnh Mỹ.
Hiện diện hơn ở châu Á
Thông tin mới đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có hành xử cứng rắn hơn trong tranh chấp chủ quyền hàng hải, đặc biệt tại biển Hoa Đông và Biển Đông với các nước láng giềng.
Gần đây nhất, ngày 10/8, Trung Quốc đã thử nghiệm trên biển với tàu sân bay đầu tiên. Con tàu này do Trung Quốc mua từ Ukraine với lý do ban đầu đưa ra là biến nó thành một sòng bạc nổi. Việc hạ thủy tàu sân bay mang tên Varyag diễn ra trong thời gian khá nhạy cảm. Lực lượng vũ trang của Trung Quốc đang tăng tốc hiện đại hóa - chi tiêu quân sự tăng trung bình hàng năm vào khoảng 15% kể từ năm 2000. Sau cả thập niên dài “ve vãn” khu vực Đông và Đông Nam Á, Bắc Kinh bắt đầu có lập trường cứng rắn và gây hấn hơn trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Tuy các quan chức Bắc Kinh khẳng định tàu sân bay này chỉ phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu và huấn luyện, nhưng nhiều nhà phân tính đã hoài nghi về tuyên bố này. Andrew Erickson, nhà nghiên cứu tại đại học Chiến tranh hải quân Mỹ cho biết: "Trung Quốc đã bắt đầu ở nơi nào đó. Một cặp vợ chồng mới cưới bắt đầu ngôi nhà mới, một cường quốc đang trỗi dậy muốn bắt đầu tàu sân bay".
Gần đây nhất, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Australian, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Kurt Campbell đã cho rằng, chính sách đối ngoại của Washington cần chuyển khỏi Trung Đông và tập trung hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lời nói của ông phản ánh quan điểm trong chính quyền Tổng thống Obama là Washington quyết tâm tăng cường và mở rộng sự hiện diện ở châu Á. "Khi công du cùng Ngoại trưởng Mỹ tới châu Á, trước và sau Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), chúng tôi nhận thấy rõ ràng rằng điều mà nhiều người châu Á quan tâm là tính hiệu quả liên tục và sự liên quan của Mỹ trong khu vực", ông nói.
Thái An (theo The Australian, Sunday Times, BBC)