Bà Nguyễn Thị Lan, chủ nhân thương hiệu "bánh khúc cô Lan" chia sẻ về niềm vui, sự tự hào khi phục vụ sự kiện lớn này.

Tranh thủ đầu giờ chiều ngày 26/2, khi các nhà báo đã đi tác nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan rời Trung tâm báo chí quốc tế trên phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) trở về cửa hàng số 20 phố Lê Duẩn để chỉ đạo nhân viên in ấn, thiết kế logo thương hiệu "Bánh khúc cô Lan" cho ngày mai (27/2).

{keywords}
 

 

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Lan gói bánh khúc cho khách. Mỗi chiếc bánh khúc bán lẻ khoảng 13.000 đồng.

"Ngày mai (27/2) sẽ chính thức diễn ra sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội, các nhà báo, phóng viên có thể sẽ đông hơn, nên tôi phải trang trí, quảng bá gian hàng của mình chuẩn chỉ hơn, đồng thời làm thủ tục cho nhân viên vào Trung tâm báo chí quốc tế hỗ trợ đưa suất ăn", bà Lan chia sẻ.

Bánh khúc (xôi khúc) của bà Lan, cùng với nhiều món đặc sản khác như phở, bánh cuốn, cà phê trứng, bún thang... được chọn để phục vụ các nhà báo, phóng viên tới Hà Nội đưa tin về sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2. TP Hà Nội mong muốn thông qua sự kiện này sẽ quảng bá ẩm thực phong phú của Thủ đô, qua đó phát triển du lịch.

Từ sáng 26/2, ngày làm việc đầu tiên tại Trung tâm báo chí quốc tế, hàng trăm suất bánh khúc của bà Lan đã được phục vụ các nhà báo, phóng viên trong và ngoài nước. Dự kiến trong cả sự kiện, hàng nghìn suất bánh khúc sẽ được bạn bè quốc tế thưởng thức. Đây là món quà vặt dân dã của người Hà Nội, bánh khúc có thể ăn bất cứ lúc nào mỗi khi "đói lòng".

"Theo tôi quan sát thì những vị khách nước ngoài rất yêu thích món bánh khúc. Tôi đã đi nhiều nước nên biết, với người nước ngoài, ngoài hương vị ngon, thì việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng", bà Lan cho hay.

{keywords}
Bà Lan phục vụ bánh khúc tại Trung tâm báo chí quốc tế.

Theo bà Lan, gạo nếp làm bánh khúc được lựa chọn kỹ từ loại ngon nhất, lá khúc sau khi rửa sạch sẽ được giã nhỏ, trộn cùng với bột nếp để làm vỏ bánh. Nhân bánh gồm đậu xanh được đồ lên, giã nhuyễn cùng với thịt lợn thái miếng, được tẩm ướp gia vị và hạt tiêu. Thịt lợn là loại thịt ba chỉ, không nạc, cũng không mỡ quá. Phần bánh (gồm nhân đậu xanh - thịt và vỏ bột nếp) sẽ được rải một lớp gạo nếp bên ngoài và đồ lên, trong nồi luôn có rải lớp lá chuối xanh cho thơm. Khi xôi chín sẽ được đưa vào nồi đất lớn để giữ nhiệt trước khi được gói lại nóng hổi và thơm mùi lá dong, lá chuối. Bánh khúc ăn kèm chút muối vừng rất hợp.

Từ một quầy bánh nhỏ trên khu chợ Nguyễn Công Trứ, được khách hàng yêu thích, ủng hộ, món bánh khúc dân dã đã giúp bà Lan nuôi nấng con cái và còn làm từ thiện. Hiện, bà đã mở thêm nhiều cơ sở tại Thụy Khuê, Nguyễn Thái Học... để phục vụ khách hàng.

{keywords}
 

 

{keywords}
"Bánh khúc cô Lan" lúc nào cũng đông khách.

 

{keywords}
Nhiều khách thuê shipper giao đồ ăn nhanh.

Bà Lan rất vui vì món ăn gia truyền của gia đình đã được chọn để phục vụ sự kiện quốc tế, chứ không phải là một món sơn hào hải vị nào khác.

"Tôi rất tự hào khi được phục vụ sự kiện quốc tế này. Mỗi người Việt Nam đều góp một phần công sức vào thành công chung của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, qua đó khẳng định uy tín trên thế giới", bà Lan tự hào nói.

{keywords}
Những ngày đông khách, mỗi cửa hàng của bà Lan tại Hà Nội bán đến hơn nghìn chiếc bánh khúc.

Gánh xôi khúc của bà Lan sẽ phục vụ các phóng viên, nhà báo đến hết ngày 1/3. 

Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các nhân viên hậu cần phục vụ các phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 các món như phở, nem, xôi khúc... để qua đó quảng bá ẩm thực Việt Nam.

(Theo Báo Tin tức)