Cái sự “thiếu và thừa”, phải chăng, đã làm lệch đi những chuẩn mực của xã hội khi ngày càng nhiều người cố gắng kiếm cho mình một cái “danh” mà đôi lúc, chẳng biết để làm gì.

Chuyện bằng cấp, nhất là cái bằng tiến sĩ, ở ta có lẽ chưa bao giờ hết xôn xao. Khi thì chuyện một chuyên gia bị “trao nhầm” danh tiến sĩ, khi thì một giáo sư bỗng “nổi tiếng” bất đắc dĩ vì có người tố cáo gian dối bằng cấp, rồi chính người này lại đứng ra xin lỗi…

Tất cả khiến người viết phải quay về một chủ đề vốn vẫn canh cánh trong lòng – về bằng cấp và cái danh, về sự thừa và thiếu vốn chứa đựng đầy nghịch lý.

Chẳng biết cái khái niệm: “Sĩ – Nông – Công – Thương” ra đời từ khi nào. Nhưng từ những tìm hiểu được khi học về lịch sử hình thành các nhà nước, người viết biết rằng, ngay từ thời xa xưa, khi nhà nước bắt đầu có, thì khái niệm này hình thành. Khái niệm này có nghĩa gì? Là sự “phân cấp xã hội” trong thành phần xã hội của các nhà nước từ ngày sơ khai. Trong đó, Sĩ - Kẻ Sĩ hay còn là người có Trí thức - được xếp loại hạng 1.

Điều đó chứng tỏ một điều rằng, người có tri thức, luôn là người được đánh giá cao nhất trong xã hội. Và có lẽ, đó là lý do mà ngày xưa, việc học rất “khó khăn” với mọi người. Có lẽ, với ngu ý của người viết, đây chính là cái “thiếu” mà ngày xưa, người xưa rất thiếu. Vì thiếu, nên cái “danh” mới được trọng vọng và đề cao đến như vậy - Kẻ Sĩ.

Quá trình hình thành của các chế độ xã hội luân phiên thay đổi về cấu trúc và thành phần, nhưng kẻ Sĩ vẫn giữ vững vị trí của mình, cho đến tận ngày hôm nay, và không chỉ riêng tại Việt Nam.

Và, ở góc độ nào đó, với riêng con người, qua hàng ngàn năm ấp ủ về chữ “danh”, nên sự “khao khát” về danh (do sự thiếu) ngày càng lớn, sự lớn ấy, đã bùng cháy dữ dội trong tâm trí của bao thế hệ.

{keywords}
Ảnh minh họa: Tuổi trẻ

Phải chăng, trên quá trình phát triển xã hội của mình, để đáp ứng cái nhu cầu “chính danh”, con người ta đã mở ra hàng loạt hệ thống “cấp danh”, bởi đơn giản, có "cầu" thì ắt có "cung".

Thử “dạo” một vòng hệ thống “cung” của các quốc gia trên thế giới...

Ở Pháp, cũng vậy. Ngày trước, khi còn công tác ở trường đại học, người viết chứng kiến một trường hợp khá “hài”, khi có một vị “học giả” được Pháp cấp một tấm bằng mà dịch ra tương đương chứng chỉ “hoàn thành khóa học sau đại học”. Nhưng khi về trường, vị ấy khai là “Thạc sĩ Pháp”, rồi kiện cáo um xùm chỉ vì “lợi ích” cá nhân liên quan đến tấm bằng, cùng với danh xưng mà vị ấy đã “lỡ” tự “xưng”.

Hay như, ngay tại Mỹ, một đất nước có đến hơn 1.200 trường cao đẳng, gần 5.000 trường đại học và hàng ngàn học viện, viện nghiên cứu (theo số liệu năm 2013), nhưng chỉ có khoảng 30% trong số đó, bằng cấp được công nhận “chính thống”, nghĩa là được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định được công nhận tại Mỹ. Đó cũng là lẽ, mà chẳng phải tự nhiên, có một số trường danh xưng tại Mỹ, về mở các khóa học và cấp bằng cho người Việt với chi phí “rất rẻ”. Để rồi cũng đã có không ít người “vỡ mộng” vì chữ “danh”, đơn giản bởi những tấm bằng đã được cấp không được thừa nhận, trong đó có cả bằng Tiến sĩ. Có tờ báo từng làm cả loạt bài về những giảng viên đại học xài bằng tiến sĩ “ma” kiểu này

Quay về với thực tại ở nước ta, có lẽ, chúng ta cũng chẳng “lạ” gì với những danh xưng. Vì sao thì mỗi người sẽ có một sự lý giải riêng cho mình.

Cũng vì cái “chính danh”, mà không hiếm những gia đình, cho dù phải “bán” cả gia tài, vẫn cố gắng cho con vào học “đại học”. Có những trường hợp học sinh đi học, không phải vì “thích” học, mà học để có tấm bằng làm “rạng rỡ” gia đình. Cũng có những trường hợp, đi học, chỉ vì học “theo nguyện vọng” của cha mẹ. Cũng có những trường hợp, đi học chỉ vì ước mơ “thoát nghèo”, nhưng không biết bằng cách nào.

Vì vậy mà cũng chẳng trách, trường đại học mọc lên như “nấm”, người học tốt nghiệp ào ào, trong số đó có bao nhiêu sinh viên hoặc chấp nhận “thất nghiệp”, hoặc chấp nhận “làm những việc mà mình chưa bao giờ học”?

Chúng ta hẳn còn nhớ, có rất nhiều bài viết nêu lên những hiện trạng thực trạng của xã hội, khi mà có quá nhiều “thầy” đi làm “thợ”, mà chưa qua đào tạo. Trong khi đó, nhu cầu về “thợ thật” là có thật.

Cái sự “thiếu và thừa”, phải chăng, đã làm lệch đi những chuẩn mực của xã hội khi ngày càng nhiều người cố gắng kiếm cho mình một cái “danh” mà đôi lúc, chẳng biết để làm gì.

Khi chữ danh được trả về đúng nghĩa, danh gắn với thực, xã hội sẽ tự nhìn nhận về mình một cách công bằng hơn.

Người viết vẫn thấm thía một câu nói của một người bạn thường nói: “Result never lie!” Đúng vậy, chỉ có kết quả của thực lực là không bao giờ lừa dối ai cả.

Châu Vân