- Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng quân chủng hải quân nói với VietNamNet, Việt Nam chủ trương độc lập, tự chủ, không liên minh, liên kết quân sự, không dựa vào nước nào khác để giải quyết vấn đề chủ quyền. 

Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN lần thứ 5 sẽ diễn ra ngày 26-29/7 tại Hà Nội. Đây là một trong ba hội nghị quân binh chủng quan trọng trong khuôn khổ hợp tác quân sự ASEAN nhằm thúc đẩy hợp tác giữa quân đội các nước.

Bắt nguồn từ sáng kiến của ASEAN năm 2001, lần đầu tiên, tư lệnh hải quân các nước ASEAN tổ chức giao lưu, gặp gỡ. Sau đó, lần lượt Malaysia, Singapore và Indonesia là chủ nhà của các cuộc gặp gỡ, giao lưu này.

Năm nay, tại Hà Nội, lần đầu tiên, những người đứng đầu hải quân các nước ASEAN sẽ tham dự cuộc họp được tổ chức ở quy mô và hình thức đúng của hội nghị, với nội dung, chương trình nghị sự rõ ràng và trở thành một diễn đàn thường niên.

Với chủ đề "Hợp tác Hải quân ASEAN vì hoà bình và an ninh biển", Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN sẽ trao đổi và chia sẻ quan điểm về tình hình an ninh khu vực hiện nay, vai trò cũng như biện pháp hợp tác của hải quân trong đối phó với các thách thức an ninh của khu vực; thảo luận hai tài liệu sáng kiến của Việt Nam, bao gồm "Định hướng hợp tác hải quân ASEAN" và giao lưu sỹ quan hải quân trẻ của các nước ASEAN.

Tàu hải quân Việt Nam tập bắn đạn thật trên biển. Ảnh: Đất Việt
PV VietNamNet trao đổi với Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng quân chủng hải quân về Hội nghị.

Không liên minh quân sự

- Ông có thể làm rõ sáng kiến "Định hướng hợp tác hải quân ASEAN" của Việt Nam như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Một là trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn qua các hội nghị, hội thảo chuyên ngành. Hai là, trao đổi đoàn, tàu thăm viếng lẫn nhau. Ba là thiết lập các kênh chia sẻ thông tin. Bốn là tập huấn, đào tạo, xây dựng năng lực, khả năng; năm là xây dựng cơ chế hợp tác chuyên môn và diễn tập trong hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ, cứu nạn.

- Liên quan đến xây dựng và nâng cao năng lực của hải quân, ông đánh giá thế nào về năng lực hải quân Việt Nam hiện nay? Đâu là những vấn đề Việt Nam mong được cải thiện thông qua hợp tác với các nước?

Việt Nam có hơn 3.200km bờ biển. Hải quân chúng ta trước kia dựa vào viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc. Kinh tế cũng còn khó khăn. Ngày nay, kinh tế đã phát triển hơn. Đảng, Nhà nước xác định tăng cường lực lượng hải quân là nhu cầu khách quan để bảo vệ vùng biển, mà lực lượng hải quân là nòng cốt. Hải quân đã được đầu tư từng bước để xây dựng lực lượng đủ sức đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Liên quan đến hợp tác với các nước, Việt Nam chủ trương độc lập, tự chủ, không liên minh, liên kết quân sự, không dựa vào nước nào khác để giải quyết vấn đề chủ quyền. Chính chúng ta bằng sức ta để bảo vệ chủ quyền của ta. Chúng ta hợp tác phát triển hoà bình, thúc đẩy quan hệ với các nước để giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển: cướp biển, buôn lậu, thiên tai... Còn bảo vệ chủ quyền là  phải dựa vào sức ta. Tất nhiên, sự giúp đỡ cần thiết chính là sự ủng hộ của dư luận với Việt Nam.

Không phải lo ngại riêng của Việt Nam

- Thưa ông, lần thứ 5  tổ chức họp giữa các tư lệnh hải quân ASEAN nhưng lại là lần đầu tiên các nước họp dưới hình thức hội nghị, với chương trình nghị sự và nội dung cụ thể. Đây có phải là sự nâng cấp trong bối cảnh tình hình Biển Đông có những phức tạp?

Đúng là hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp. Ngày 26/5, tàu Hải giám 84 của Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam. Ngày 9/6, tàu cá số hiệu 62226 có sự hỗ trợ của tàu Ngư chính đã xông vào vùng cáp của tàu Viking 2 và làm đứt cáp... Gần đây, một số nước, nhất là Trung Quốc tăng cường các tuyên bố chủ quyền, đưa tàu ra gây gấn... với mục tiêu hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò trên thực địa.

Tuy nhiên, không phải vì tình hình Biển Đông mà tổ chức hay đổi tên hội nghị. Đây là hoạt động bình thường, theo kế hoạch, thực hiện quyết định của các tư lệnh quốc phòng tại Hội nghị tư lệnh quốc phòng các nước ASEAN lần 7 tháng 3/2010.

Việc tổ chức hội nghị xuất phát từ nhận thức về quy mô, tầm quan trọng, trách nhiệm của tư lệnh hải quân, và hải quân các nước trong việc bảo vệ hòa bình, an ninh nhất là an ninh biển.

- Không vì tình hình Biển Đông phức tạp mà tổ chức hội nghị, tuy nhiên, liệu những phức tạp của Biển Đông sẽ tác động như thế nào đến hội nghị, theo Thiếu tướng?

Biển Đông không phải là lo ngại của riêng Việt Nam mà các nước có cùng chung vùng biển cũng chia sẻ mối lo khi đưòng lưỡi bò của Trung Quốc chồng lấn lên thềm lục địa và vùng lãnh hải các nước.

Chủ trương thống nhất của Việt Nam là xử lý tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, dựa trên Công ước quốc tế về Luật biển 1982, Tuyên bố của các bên về các nguyên tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC).

Mục tiêu của chúng ta là giữ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời, giữ môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

Có nêu vấn đề Biển Đông cũng là nhằm thông qua hội nghị, tạo đồng thuận quan điểm, tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Phương Loan


3 tàu hải quân Mỹ đến Đà Nẵng
Tàu khu trục USS Chung Hoon, USS Preble và tàu cứu hộ USNS Safeguard cùng 678 sĩ quan, thủy thủ đoàn đã cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng sáng 15/7.<br />
 
Việt Nam sắm tàu lớn, máy bay cho cảnh sát biển
Trả lời VietNamNet, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển cho hay, đầu năm 2012, Việt Nam sẽ trang bị thêm các tàu lớn, có thể đi biển dài ngày và máy bay cho lực lượng cảnh sát biển.
 
Quân đội Philippines nhận lệnh cảnh giác cao độ ở Biển Đông
Tổng thống Aquino lệnh cho quân đội ở biển Tây Philippines (Biển Đông) cảnh giác cao độ và tiếp tục bảo vệ các vùng lãnh thổ, lãnh hải của đất nước.