Theo bảng giá đất mới từ 20/12/2024, nhiều người Hà Nội phải nộp hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng để chuyển đổi sang đất ở. Đại diện cơ quan quản lý cho rằng, bảng giá đất tiệm cận giá thị trường là cuộc chơi bình đằng, không còn chênh lệch 2 giá.
Bảng giá đất điều chỉnh được UBND TP Hà Nội công bố và có hiệu lực ngay ngày 20/12 cho đến hết 31/12/2025 ghi nhận sự tăng mạnh so với bảng giá đất cũ. Điều này cũng khiến chi phí tiền sử dụng đất của người dân tăng vọt.
Ông Phạm B. (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) kể, cuối năm 2024, ông vừa hoàn thành đóng tiền sử dụng đất để chuyển đổi một phần đất ở sang đất vườn. Do thời gian nhận quyết định hoàn thành hồ sơ sau ngày 20/12/2024 nên tiền sử dụng đất được áp dụng theo bảng giá mới là hơn 800 triệu đồng. Trong khi nếu áp dụng theo bảng giá đất cũ thì gia đình ông cần đóng khoảng 350 triệu đồng.
Bà Nguyễn T. (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, gia đình có hơn 1.000m2 đất vườn, giờ muốn chuyển đổi thành đất ở để chia cho các con thì phải đóng khoảng 15 triệu đồng/m2. Như vậy, số tiền dự kiến để chuyển đổi toàn bộ diện tích khoảng 15 tỷ đồng. Con số này vượt quá khả năng tài chính nên gia đình đang cân nhắc để cân đối cho phù hợp.
Bảng giá đất tăng kéo theo tiền sử dụng đất tăng cũng khiến nhiều nhà đầu tư “ôm” đất nông nghiệp vùng ven phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư. Thời gian qua, ông Cao N. (Hà Đông, Hà Nội) có đầu tư đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm tại Thạch Thất, Chương Mỹ (Hà Nội) đến nay vẫn chưa chuyển đổi sang đất ở.
“Tại các khu vực này, bảng giá đất tăng 2-4 lần nên chi phí để chuyển đổi sang đất ở cũng sẽ tăng cao. Vì vậy, tôi đang cân nhắc các phương án, tạm dừng việc chuyển đổi lúc này để chờ thêm diễn biến thị trường thời gian tới”, ông N. cho hay.
Người dân cân đối nhu cầu chuyển đổi, giá đất sẽ dần ổn định
Tại hội thảo về áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 vừa diễn ra, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đánh giá, thực tế là để bảng giá đất thấp hay cao đều có những ý kiến "kêu ca".
Ông Võ nhấn mạnh, bảng giá đất phải tương đương thị trường, phù hợp thị trường. Vấn đề đặt ra là thực thi áp dụng thế nào? Đây là câu chuyện chính sách của Nhà nước. Trường hợp nào áp dụng 80% thị trường, trường hợp nào áp dụng 20% thị trường, những trường hợp cụ thể sẽ có những tỷ lệ áp dụng khác nhau. Áp dụng thế nào để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội chính là do chính sách điều tiết của Nhà nước.
Ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai (Bộ TN-MT), cho biết, các dự án bất động sản (nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng) không áp dụng bảng giá đất mà áp dụng phương án cụ thể để tính. Bảng giá đất chủ yếu để thu nghĩa vụ tài chính của hộ gia đình cá nhân và những trường hợp là các dự án thuê đất hàng năm; còn các trường hợp khác là đấu giá, đấu thầu.
Về chi phí để chuyển đổi mục đích đất sang đất ở, ông Bình đánh giá, như ở Hà Nội cho chuyển mục đích đất nông nghiệp trong khu dân cư, hay đất nông nghiệp gắn với thửa đất có đất ở sang đất ở bây giờ rất bình đẳng. Trước kia việc chuyển rất khó khăn vì giá người dân đi chuyển đổi chỉ bằng một nửa giá đất ở.
“Bây giờ làm sòng phẳng đúng theo bảng giá, chuyển đất ở trong khu dân cư thì áp dụng bảng giá đất ở trong khu dân cư. Chi phí này được tính theo bảng giá không hạn chế gì cả. Nhiều nhà xin chuyển nộp hồ sơ rồi, khi nhận thông báo tiền sử dụng đất phải nộp 2 tỷ thì người dân mới thấy rằng có khi xin chuyển đổi ít đi. Người dân có thể thấy phải tiết kiệm, chuyển đổi theo nhu cầu là chuyển 50m2 thay vì 200m2”, ông Bình nói.
Cũng theo vị Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, bảng giá đất tiệm cận giá thị trường là cuộc chơi bình đằng, không còn chênh lệch 2 giá. Các thành phần trên thị trường chấp nhận sân chơi bình đẳng, giá đất không còn chênh lệch để người dân thấy rằng, đất của gia đình chuyển sang đất ở có bán lại ra thị trường công xá cũng không đáng bao nhiêu nên dần dần sẽ bão hoà.
“Đã là cuộc chơi thì phải bình đẳng các thành phần. Giá đất thấp có lợi cho cái này nhưng sẽ thất thoát ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến những người bị thu hồi đất vì bồi thường hỗ trợ tái định cư chưa tương xứng. Bảng giá đất sát giá thị trường, Nhà nước có thu hồi để giao cho doanh nghiệp bất động sản thì người dân cũng sẵn sàng cho thu hồi. Như một dự án trước đây 5-7 năm mới bồi thường xong thì bây giờ 1-2 năm có thể xong. Từ đó, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và chi phí”, ông Bình nói và cho rằng giá đất sẽ dần ổn định.
Đánh giá về bảng giá đất mới của Hà Nội, theo chuyên gia của Savills Việt Nam, tác động đến giá bất động sản là không đáng kể mà còn giúp giảm tốc độ làn sóng đầu cơ, người dân nhận đền bù sát giá trị thực tế…
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc bộ phận định giá và tư vấn tài chính Savills Hà Nội, khuyến cáo, đối với những nhà đầu tư hoạt động đầu cơ mua đi bán lại hiện nay phải cân nhắc kỹ hơn, khi mức tăng giá của bất động sản phải đủ cao hơn so với chi phí vốn, chi phí sử dụng đòn bẩy tài chính cũng như chi phí thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản được tính trên bảng giá đất mới sát hơn với thị trường.
Giảm tỷ suất tính thuế, phí, không giảm giá đất
Trước ý kiến lo ngại việc bảng giá điều chỉnh cao hơn trước đây dẫn tới sẽ làm tăng thuế, phí về đất đai, tại tờ trình về việc điều chỉnh bảng giá đất, Sở TN-MT Hà Nội khẳng định, bảng giá đất tăng dần tiệm cận với giá thị trường là yêu cầu phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thuế, phí về đất đai cao không phù hợp với thu nhập của người dân, cơ quan quản lý cho rằng cần nghiên cứu giảm tỷ suất tính thuế, phí, chứ không giảm giá đất.
Nhiều ý kiến cho là bảng giá đất mới của Hà Nội tăng cao làm cho giá bất động sản cao hơn. Thực tế trong giai đoạn vừa qua, khi bảng giá đất chưa điều chỉnh, nguồn cung bất động sản không đáp ứng được nhu cầu của thị trường thì giá vẫn tăng.
Bảng giá đất điều chỉnh được áp dụng đến hết năm 2025, gấp 2-6 lần so với bảng giá đất cũ. Trong đó giá cao nhất là 695,3 triệu đồng/m2 trên các đường Lê Thái Tổ, đường Hàng Ngang, đường Hàng Đào.., quận Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, phải thực hiện việc điều chỉnh bảng giá đất tăng dần tiệm cận với giá thị trường, nếu thuế, phí về đất đai cao, không phù hợp với thu nhập của người dân thì giảm tỷ suất tính thuế, phí, chứ không giảm giá đất.