Theo CNBC, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa đưa ra cảnh báo cho những người tham gia thị trường tiền tệ đừng "đánh cược” vào sự biến động của đồng Nhân dân tệ (NDT).

Trên trang web, PBOC cho rằng: “Đừng đặt cược vào việc tăng giá một chiều hoặc xuống giá một chiều của tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ". Tuyên bố này dựa trên bài phát biểu của phó Thống đốc PBOC Liu Guoqiang tại một cuộc họp hội nghị truyền hình về ngoại hối vừa qua.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc cảnh báo về việc đầu cơ đồng Nhân dân tệ. (Nguồn: CNBC)

Cảnh báo được đưa ra sau khi đồng Nhân dân tệ trượt xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 2008, dưới ngưỡng 1 USD đổi 7,2 NDT vào hôm 28/9, trong bối cảnh đồng USD lên mức cao nhất 20 năm so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có 5 lần tăng lãi suất trong năm nay và sẽ tiếp tục các chính sách tiền tệ cứng rắn.

Theo nhà phân tích Maggie Wei đến từ Goldman Sachs, tuyên bố của PBOC là biện pháp ổn định thị trường bằng lời nói trước sự trượt giá nhanh chóng của đồng NDT. PBOC cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại duy trì sự ổn định trên thị trường ngoại hối.

Tới 9h40 sáng 29/9 (giờ Việt Nam), đồng Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế xuống mức 1 USD đổi 7,1958 NDT, thấp hơn mức 1 USD đổi 7,23 NDT vào 19h30 ngày 28/9.

So với đầu tháng 9, đồng tiền này mất giá gần 4,6% so với đồng USD. Đây là mức mất giá hiếm có từ trước tới nay của đồng NDT. Trong 6 tháng qua, đồng Nhân dân tệ đã mất hơn 13,6% so với đồng bạc xanh.

Đồng Nhân dân tệ hướng tới năm giảm giá sâu nhất kể từ năm 1994 so với USD.

Nhân dân tệ trượt giá mạnh.

Trên thế giới, nhiều đồng tiền chủ chốt cũng giảm rất mạnh. Đồng bảng Anh (GBP) xuống mức thấp nhất 40 năm và gần ngang giá so với USD, trong khi đó euro ngày càng thấp hơn USD.

Hôm 28/9, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) buộc phải ra tay giải cứu thị trường trái phiếu để ngăn đà giảm giá không phanh của đồng bảng Anh.

Theo đó, BoE sẽ tạm ngưng kế hoạch bán trái phiếu Chính phủ vào tuần tới (để hút tiền về chống lạm phát đang ở mức cao kỷ lục, gần 10%) và tạm thời mua trái phiếu kỳ hạn dài để xoa dịu sự hỗn loạn trên thị trường.

Quyết định kỳ lạ của BoE diễn ra trong bối cảnh chính quyền mới tại Anh có chính sách tài khóa gây tranh cãi: quyết định cắt giảm thuế và tăng phát hành trái phiếu của Chính phủ Anh để hỗ trợ người dân bất chấp lạm phát lên cao.

Thị trường trái phiếu Anh hỗn loạn, qua đó gây áp lực thêm lên tỷ giá. Đồng bảng Anh trượt giá tới mức người dân đổ xô hoán chuyển đổi tài khoản bằng đồng GBP sang tài khoản đồng USD, buộc các ngân hàng hôm 28/9 phải ngưng dịch vụ.

Tuyên bố mua trái phiếu của BoE tạm thời khiến đồng bảng Anh tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên, việc BoE mua trái phiếu đồng nghĩa với bơm thêm GBP ra thị trường và hậu quả có thể suy yếu hơn.

Theo các chuyên gia, BoE nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục tăng mạnh lãi suất.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cũng phải hành động tương tự.