- Chính quyền thành phố Đà Nẵng vốn nổi tiếng về những quyết sách mạnh mẽ, sáng tạo và hiệu quả. Tuy nhiên, một số chính sách về xử phạt vi phạm giao thông vốn đang nhận được nhiều thiện cảm lại có thể gây ra những lo ngại xét về mặt pháp lý.

LTS: Xung quanh một số biện pháp xử lý vi phạm giao thông mà Thành phố Đà Nẵng tiến hành, xin giới thiệu bài viết của tác giả Bùi Tiến Đạt như một góc nhìn tham chiếu, mời độc giả cùng thảo luận.

“Xử phát du di”

Lâu nay, lực lượng cảnh sát giao thông Đà Nẵng vốn được đánh giá là khá thân thiện với người dân các địa phương khác. Các vi phạm giao thông như đi xe vào đường cấm, đỗ xe trái phép thường chỉ bị “hỏi thăm” và “nhắc nhở”, thậm chí còn được hướng dẫn tận tình để tránh vi phạm về sau, nếu tái phạm mới bị xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Đây không phải hiện tượng cá biệt mà là một chính sách xuyên suốt của Đà Nẵng từ thời Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh (theo ý kiến của Đại tá Lê Ngọc - Trưởng phòng Phòng CSGT CATP Đà Nẵng). Chính sách này góp phần vào thành tích ấn tượng: tổng lượng du khách của Đà Nẵng vẫn tăng 24,9% trong khi khách du lịch cả nước sụt giảm hơn 11%.

Tất nhiên, chính sách trên rất được lòng khách du lịch đến Đà Nẵng khi họ được quan tâm và đối xử như “khách quý”. Nhìn ra thế giới, hầu hết các quốc gia đều có chính sách linh động, giảm nhẹ đối với du khách nước ngoài khi họ có những vi phạm hành chính nhỏ. Du khách nước ngoài thường bị phạt nhẹ hơn ở những điều luật khá đặc thù của nước sở tại (chẳng hạn cấm ăn uống vào ban ngày trong tháng Ramadan ở những quốc gia Hồi giáo). Việc giảm nhẹ mức phạt này không hẳn vì mục đích thu hút du khách mà chủ yếu do người nước ngoài không hiểu rõ pháp luật, văn hóa của nước sở tại.

Tuy nhiên, việc các quốc gia xử phạt nhẹ hơn đối với du khách nước ngoài rất khác với việc Đà Nẵng “xử phạt du di” đối với công dân ngoại tỉnh. Pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính của Việt Nam được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Những quy định giao thông phổ biến (cấm đi sai làn, ngược chiều, đỗ xe trái phép…) hoàn toàn không xa lạ với bất kỳ ai có giấy phép lái xe. Do đó, việc “nương nhẹ” đối với người ngoại tỉnh vi phạm giao thông ở Đà Nẵng không có lý do chính đáng.

Theo tôi, chính sách “xử phạt du di” của Đà Nẵng có dấu hiệu phân biệt đối xử và vi phạm quyền bình đẳng, quyền được đối xử công bằng của công dân. Sẽ là vô lý khi cũng một vi phạm giao thông mà ở đâu cũng biết, người dân Đà Nẵng bị phạt nghiêm minh còn người dân nơi khác được “tha”.

Khoản 1 Điều 16, Hiến pháp 2013 khẳng định “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều 3, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng nêu rõ nguyên tắc “mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh” và “việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.Chắc chắn Đà Nẵng vẫn có thể hấp dẫn trong mắt du khách vì nhiều điều khác chứ không phải việc tạo nên sự bất bình đẳng.

{keywords}

 CSGT Đà Nẵng được đánh giá là khá thân thiện với người dân các địa phương khác. Ảnh: Đinh Nga/ Báo CA Đà Nẵng

Công khai tên người vi phạm giao thông

Gần đây, Đà Nẵng cũng có sáng kiến đăng tải lên báo các trường hợp vi phạm giao thông được ghi lại bằng camera nếu chủ xe, tài xế không đến làm việc với cơ quan chức năng. Tính đến 2/8/1015 đã có 64 trường hợp vi phạm bị “bêu tên” trên báo Đà Nẵng và báo Công an Đà Nẵng (theo ông Nguyễn Hữu Cường - chánh văn phòng Ban an toàn giao thông TP Đà Nẵng). Lãnh đạo thành phố còn tiếp tục đẩy mạnh biện pháp này trong thời gian tới bằng việc lập một trang web chuyên đăng thông tin về các vi phạm giao thông trên địa bàn.

Việc “bêu tên” người vi phạm giao thông có phần nào đó tương đồng với hình thức “lệnh truy nã” người bị tình nghi phạm tội nghiêm trọng. Trong khi lệnh truy nã là biện pháp bắt buộc phải làm nhằm bắt được nghi phạm trong vụ án hình sự nghiêm trọng, việc đăng tin vi phạm giao thông trên báo chí là điều không cần thiết. Không cần thiết bởi vi phạm hành chính trong giao thông được pháp luật coi có mức độ nghiêm trọng thấp hơn so với tội phạm.

Trên thực tế, ngay cả với hành vi phạm tội, các quốc gia văn minh cũng không chấp nhận việc đưa thông tin lên báo, lên mạng nhằm “bêu xấu” người phạm tội. Việc áp dụng các hình phạt nghiêm minh theo luật hình sự là đủ đối với người phạm tội. Để xử lý vi phạm giao thông hiệu quả, người ta cần cải cách toàn diện cơ chế (tác giả đã phân tích ở một bài riêng: Vi phạm giao thông: Ai có quyền xử?) thay vì sửa đổi “phần ngọn” như cách Đà Nẵng đang làm.

Chính quyền Đà Nẵng cần cân nhắc các quyền hiến định của công dân. Điều 20 Hiến pháp 2013 khẳng định công dân được pháp luật bảo hộ về nhân phẩm. Điều 21 tiếp tục nêu: “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhânbí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”. Việc hạn chế các quyền cơ bản này chỉ “trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14). Tôi cho rằng vẫn có thể xây dựng một cơ chế thực hiện pháp luật nghiêm minh mà không cần xâm phạm đến các quyền này.

Bùi Tiến Đạt 

(Giảng viên Khoa Luật-ĐHQGHN, NCS Đại học Macquarie, Australia)