Nữ tướng rút lui, con gái lên ghế nóng ghi dấu 1 tỷ USD
Trong vài năm qua, SeABank dưới “triều đại” của con gái nữ đại gia bất động sản Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG, ghi dấu ấn kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận tăng mạnh và vốn cũng tăng cao.
SeABank chính thức đưa hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB lên sàn. Với mức giá tham chiếu trên 20.000 đồng/cp, vốn hóa của SeABank đạt gần 24,2 nghìn tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) khi chào sàn, tương đương với vốn hóa hiện tại của BAB, và thấp hơn vốn hóa của MSB và EIB.
Hồi đầu 2018, bà Nguyễn Thị Nga rời ghế Chủ tịch SeABank sau 11 năm tại vị, thay vào đó là ông Lê Văn Tần. Bà Nga lui về giữ chức Phó Chủ tịch thường trực HĐQT SeABank kể từ 12/4.
Nữ đại gia ngân hàng |
Con gái bà Nga là Lê Thu Thủy (1983) ngồi vào ghế Tổng giám đốc SeABank, kiêm Phó chủ tịch HĐQT.
Cuối 2018, chồng bà Nga cũng đã tung một khoản tiền lớn để mua gần 16,7 triệu quyền mua cổ phiếu SeABank phát hành tăng vốn. Cụ thể, ông Lê Hữu Báu là chồng bà Nguyễn Thị Nga (Phó chủ tịch SeABank) và bố của bà Lê Thu Thủy (TGĐ SeABank) đã mua số quyền nói trên từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ.
Nữ đại gia buôn vàng vẫn kiếm đậm
CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận của bà Cao Thị Ngọc Dung vừa công bố báo cáo hoạt động kinh doanh hai tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 380 tỷ đồng 11,2%.
Sự tăng trưởng ấn tượng ngay trong mùa Covid là nhờ doanh thu mảng bán lẻ vàng miếng và vàng trang sức dịp Tết nguyên đán, ngày lễ Thần Tài và ngày lễ Valentine.
Điều này giúp cổ phiếu PNJ tiếp tục đà tăng đã có trong vòng một năm qua. Cổ phiếu tăng từ mức khoảng 45.000 đồng/cp lên 84.000 đồng/cp như hiện tại.
Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận tiếp tục bứt phá cho dù vẫn còn vướng mắc một khối tiền lớn gần 400 tỷ đồng trong khoản đầu tư tại Ngân hàng DongABank (của ông Trần Phương Bình, nguyên chủ tịch và là chồng bà Cao Thị Ngọc Dung).
Chủ tịch PNJ |
Tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongA Bank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn ngân hàng này. Bà Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ, cũng từng là Chủ tịch HĐQT DongABank giai đoạn từ năm 1992 -1997.
Một bước ngoặt khác của PNJ là giai đoạn 2016 doanh nghiệp này mạnh dạn chuyển đổi, đẩy mạnh mô hình kinh doanh từ vàng miếng sang bán lẻ vàng trang sức. Gần đây, PNJ cũng nhảy vào lĩnh vực kiếm tiền nhanh - lĩnh vực cầm đồ.
Đại gia Kinh Bắc kiếm nghìn tỷ
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm vừa tiết lộ kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với doanh thu hợp nhất 2021 đạt 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng gấp 6,7 lần so với năm trước lên 2.000 tỷ đồng.
Đây là mức lợi nhuận cao chưa từng có mà doanh nghiệp của ông trùm bất động sản công nghiệp Đặng Thành Tâm đưa ra. Trong 2 tháng đầu năm, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc của ông Tâm đã hút hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 50% tỷ trọng của cả nước) vào các khu công nghiệp của mình như Quang Châu (Bắc Giang), Tràng Duệ (Hải Phòng)...
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm đang đứng trước cơ hội bứt phá sau một năm đầy khó khăn: vay nợ nhiều, có những thời điểm thua lỗ và chung cuộc ghi nhận lợi nhuận cả năm giảm mạnh.
Trong năm 2020, KBC ghi nhận nợ phải trả tăng mạnh gấp hơn 2 lần từ mức 6.052 tỷ đồng hồi cuối 2019 lên mức 12.940 tỷ đồng vào cuối 2020. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng gấp hơn 1,5 lần trong năm 2020. Số dư vay dài hạn tăng vọt thêm hơn 3.000 tỷ đồng chỉ trong một năm 2020.
Cổ phiếu FLC trở lại mệnh giá sau 7 năm
Mặc dù trễ hẹn hơn 3 tháng mới đạt được mục tiêu, song lời hứa cổ phiếu "về mệnh" của Chủ tịch FLC đã thực hiện được. Cổ phiếu của Tập đoàn FLC trở lại mệnh giá 10.000 đồng sau khi mất mốc này cách đây gần 7 năm.Tính riêng trong tháng 3, giá FLC đã tăng khoảng 56%, còn nếu tính từ đầu năm mức tăng là 115%.
Mục tiêu đưa cổ phiếu trở lại mệnh giá từng được ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC đề cập nhiều lần. Trong sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FHH của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLC Homes hồi cuối năm 2019, ông Quyết từng nói "sẽ không để cổ phiếu FLC dưới mệnh giá trong năm 2020".
Theo Chủ tịch FLC, giá cổ phiếu sẽ cao gấp nhiều lần giá trị như hiện tại, nếu không được 10 lần thì ít nhất cũng là 5 lần, 7 lần, 8 lần...
Thời điểm đó, ông Quyết cũng gửi lời xin lỗi cổ đông vì cổ phiếu FLC chưa về được mệnh giá mà vẫn đang ở mức trên 4.000 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến kế hoạch phát hành 300 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng tiếp tục không được thực hiện do giá phát hành cao hơn giá trên thị trường.
Từ giữa năm 2020, ông Quyết bắt đầu gia tăng sở hữu tại đây. Hiện ông Quyết sở hữu hơn 215 triệu cổ phiếu FLC, tương đương 30,34% vốn.
Theo tài liệu trình đại hội đồng cổ thường niên, FLC đặt mục tiêu năm nay có doanh thu hợp nhất 15.250 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất 880 tỷ đồng. Năm ngoái, công ty lãi chưa đến 310 tỷ đồng nhưng vẫn vượt xa kế hoạch đề ra ban đầu là lỗ gần 2.000 tỷ đồng.
Con trai chủ tịch Novaland mua 3,3 triệu cổ phiếu
Bà Nguyễn Thị Xuân Dung, Quyền Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) vừa thông tin đã mua 350.000 cổ phiếu NVL trong ngày 24/3. Sau giao dịch, bà Dung nâng lượng cổ phiếu NVL nắm giữ từ 4.746 đơn vị lên 354.746 đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu tại Novaland là 0,033%.
Thông tin từ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Xuân Dung được bổ nhiệm giữ chức danh Quyền Giám đốc Tài chính của Novaland kể từ ngày 1/3/2021. Giai đoạn trước đó, bà Dung tham gia Novaland với vai trò Giám đốc Thị trường vốn và Quan hệ Nhà đầu tư.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu NVL của cổ đông, ông Bùi Cao Nhật Quân, con trai Chủ tịch HĐQT Novaland đã mua hơn 3,3 triệu cp NVL từ ngày 18/2 đến ngày 2/3, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu sau giao dịch lên gần 4,3%.
Cùng giai đoạn này, ông Bùi Xuân Huy, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Novaland mua vào hơn 2,9 triệu cp NVL, tỷ lệ sở hữu sau giao dịch khoảng 3,8%.
Thư Kỳ