Trong quan điểm của người Việt, "an cư" và "lạc nghiệp" thường đi cùng với nhau. Bởi vậy, việc sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều người.
Với nhiều bạn trẻ, mặc dù mức lương của công việc văn phòng không quá cao nhưng mua nhà vẫn trở thành kế hoạch dài hạn.
Tiết kiệm nhưng không "thắt lưng buộc bụng" quá mức
Cũng giống nhiều bạn trẻ khác, Ngô Đức Trung (sinh năm 1997, làm nghề thiết kế đồ họa, quê Hà Nội) nuôi ước mơ sở hữu ngôi nhà của riêng mình bằng kế hoạch tiết kiệm từ sớm. Chia sẻ về mức lương, Trung nói: "Hiện tại mức lương cơ bản của mình khoảng 12 triệu/tháng và chia thành các quỹ chi tiêu khác nhau: 45% chi tiêu cần thiết, 30% tiết kiệm, 10% cho giáo dục và 15% chi tiêu hưởng thụ.
Mình luôn cố gắng hạn chế tối đa chi phí phát sinh của khoản chi tiêu cần thiết để đẩy nó thành khoản tiết kiệm. Mình cảm thấy bản thân khá may mắn hơn so với nhiều bạn khác vì bố mẹ đã có sự tích góp cho mình một căn hộ để ở riêng sau khi lập gia đình. Nhưng mình vẫn có kế hoạch sở hữu một căn nhà riêng bằng tiền của mình.
Mỗi tháng mình sẽ dùng số tiền tiết kiệm để đầu tư, mua vàng… Mình tiết kiệm với bất cứ hình thức nào có thể thu về lợi nhuận trong tương lai một cách an toàn, ít rủi ro".
Với Trung, tiết kiệm cho tương lai là điều cần thiết. Hiện tại, anh sống cùng gia đình tại nhà riêng nhưng không hề có tư tưởng phụ thuộc vào bố mẹ. Bởi "chỉ khi chi tiêu tiền mình tự kiếm ra thì mới cảm thấy thoải mái được. Cho nên, việc tích góp cho các việc quan trọng trong tương lai như xây dựng gia đình, mua nhà, hay xe càng sớm bao nhiêu bản thân mình càng cảm thấy tự do bấy nhiêu.
Nói như vậy không có nghĩa là trong suốt quá trình đó mình phải thắt lưng buộc bụng mà không được phép hưởng thụ thành quả lao động của mình.
Ngoài các dịp liên hoan, nghỉ mát ở công ty, một năm mình sẽ đi du lịch 1-2 lần cùng gia đình. Khoản chi tiêu này sẽ trích từ nguồn 15% hưởng thụ mình đã dành ra mỗi tháng. Như vậy thì mình vẫn có thể tận hưởng cuộc vui trong hạn mức ngân sách mình có mà không bị ảnh hưởng tới kế hoạch tiết kiệm của bản thân".
Dành 15 năm để trả góp 1 căn nhà cũng xứng đáng
Còn với Nguyễn Liên (sinh năm 1998, nhân viên Marketing, quê Nghệ An) việc sở hữu 1 căn hộ chung cư 2 phòng ngủ, 1 phòng khách tại Hà Nội là kế hoạch dài hạn. Với mức lương gần 10 triệu đồng/tháng, Liên thường tiết kiệm trong mức chi tiêu hiệu quả để có khoản tích lũy tương xứng.
Cô gái trẻ kể: "Mỗi khi đến kỳ lương mình thường chuyển vào khoản tiết kiệm một nửa và 50% còn lại để chi tiêu trong tháng. Là nhân viên văn phòng nên mức lương không quá cao, mà để mua nhà ở thành phố là một giấc mơ lớn nên buộc mình phải có kế hoạch cụ thể và quyết tâm thực hiện nó. Mình thường mang cơm đi làm, không ăn ngoài nên cũng tiết kiệm được một khoản nữa.
Mỗi khi muốn mua một món đồ nào đó, mình nhìn vào số tiền còn lại để cân nhắc. Có khi mình dành 2 ngày để suy nghĩ xem nó có thật sự cần thiết hay không.
Mình muốn có một khoản tiền để đến khi lấy chồng, cả hai cùng hiện thực hóa giấc mơ mua nhà nhanh hơn. Nếu mua nhà thì có lẽ khoảng 15 năm mới trả hết nợ, nhưng dành 15 năm trả nợ mà có nhà thì cũng xứng đáng đấy chứ. Mình thích sự ổn định nên mua nhà luôn là mục tiêu để mình nỗ lực kiếm tiền".
Tiết kiệm với phương châm "tích tiểu thành đại"
Lê Thị Ngân (sinh năm 1999, làm công việc phân tích kinh doanh, quê ở Hưng Yên) tự nhận mình là kiểu người thích sự chắc chắn. Cô là một người luôn có kế hoạch từ rất sớm và vạch ra những lộ trình để thực hiện nó. Và mua nhà là một trong những kế hoạch mà Ngân luôn ấp ủ. Với Ngân, sở hữu nhà giúp cô từng bước tạo dựng cuộc sống tốt hơn - khi không lo về chỗ ở thì sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề tiếp theo.
"Còn nhớ thời sinh viên, việc tìm trọ - chuyển trọ khiến mình tốn nhiều thời gian, tâm lực nhất. Mình thường chọn những chỗ trọ tốt một chút để có thể sống ổn định và tập trung học tập. Nếu chuyển trọ thường xuyên thì thật sự rất căng thẳng.
Còn về kế hoạch mua nhà to hay nhỏ, mình nghĩ nó sẽ phù hợp với điều kiện riêng của mỗi người. Thay vì mua 1 ngôi nhà to và vay nợ nhiều hoặc chỉ đi thuê trọ, không có 1 nơi ổn định để sống, mình sẽ tìm kiếm 1 ngôi nhà vừa đủ cho gia đình sinh hoạt, xa một chút cũng được nhưng nằm trong khả năng của mình.
Có thể dựa vào mức thu nhập của mình để ước chừng khả năng chi trả các khoản nợ, nếu bản thân thấy có khả năng chi trả thì mới nên quyết định vay tiền, mua nhà. Còn nếu ở giai đoạn chưa có - không thể chi trả, tạm thời cách tối ưu nhất vẫn là thuê nhà.
Mình không tiện chia sẻ cụ thể mức lương. Tuy nhiên, mức thu nhập dao động của mình là từ 11-16 triệu đồng/tháng, mình thường chia các quỹ như sau: 40% cho chi tiêu thiết yếu như ăn, ở, sinh hoạt, đi lại; 20% chi tiêu cá nhân như giải trí, mua sắm, tụ tập; 40% tiết kiệm. Tùy theo từng thời điểm mà các khoản sẽ có sự chênh lệch khác nhau.
Với mức lương hiện tại ở vị trí phân tích nghiệp vụ của ngành công nghệ thông tin, để mà nói có ước mơ mua được căn nhà khoảng 2 tỷ, chắc phải tích góp 30-40 năm chắc mới đủ. Tuy nhiên, mình tin tưởng trong vòng 2-3 năm tới, mức thu nhập sẽ dần ổn định thì việc tiết kiệm sẽ có kết quả rõ ràng hơn. Mình cũng quan điểm "tích tiểu thành đại", nên mình vẫn kiên định với kế hoạch mua nhà của mình thôi".
Theo Dân trí