Bloomberg trích dẫn các nguồn tin thân cận với quá trình đàm phán cho hay, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump coi thỏa thuận tiền tệ đạt được hồi đầu năm nay với Trung Quốc, trước khi các cuộc thương lượng đổ vỡ, là thỏa thuận giai đoạn một với Bắc Kinh. Tiếp sau đó sẽ là nhiều cuộc đàm phán hơn về các vấn đề tranh cãi cốt lõi như quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Các tiết lộ được công bố đúng vào lúc đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu đã tới Washington để nối lại đối thoại với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từ hôm nay, 10/10. Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao hai nước kể từ tháng 7.
Việc khôi phục thương lượng diễn ra chỉ vài ngày sau khi chính quyền ông Trump bất ngờ có động thái tăng áp lực với Bắc Kinh thông qua quyết định đưa tên 28 cơ quan công an và doanh nghiệp Trung Quốc vào "danh sách đen" cấm mua phụ tùng, linh kiện từ các công ty nước này nếu không có sự cho phép của Washington, vì cái gọi là "sự đối xử của Bắc Kinh đối với những người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số".
Cùng lúc đó, tranh cãi về tự do ngôn luận giữa Trung Quốc và Hiệp hội Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA), bắt nguồn từ thông điệp Twitter ủng hộ biểu tình tại Hong Kong của một ngôi sao NBA đã làm "nóng" căng thẳng song phương.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng mới đây trích dẫn các nguồn tin riêng khẳng định, các cuộc đàm phán cấp chuyên viên Mỹ - Trung tổ chức tại Washington trong hai ngày 7-8/10 đã thất bại vì không đạt bất kỳ tiến triển nào về các vấn đề then chốt. Các nhà đàm phán Trung Quốc có thể rời Mỹ sớm hơn dự kiến do không đạt tiến bộ đàm phán.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ dẫn thông cáo của Nhà Trắng nhấn mạnh, chính quyền ông Trump không biết về kế hoạch thay đổi của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc như thông tin nói trên.
Tuấn Anh