LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.

Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VietNamNet mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân hiếm hoi còn lại trong những thời khắc lịch sử, những người đã dành tuổi trẻ, niềm tin, lòng quyết tâm và cả niềm hy vọng cho ngày toàn thắng.

Cụ ông sinh năm 1928 sống tại tầng trệt của căn nhà nhỏ nằm đầu ngõ. Việc quét dọn là do ông “xí phần” để làm. Người dân nơi đây chỉ biết ông là cán bộ về hưu, chứ không ngờ rằng đang được sống cạnh một trong những “nhân chứng” đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.

Nhân chứng đó là ông Huỳnh Văn Cang (còn gọi là Tư Cang) - từng làm thư ký cho ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (sau này là Thủ tướng). Ông Tư Cang còn là nguyên Chủ tịch UBND quận 11, nguyên Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội TPHCM.

Ông Cang nói mình may mắn được ở Sài Gòn đúng ngày trọng đại của đất nước - 30/4/1975.

W-Bác Huỳnh Văn Cang TK (2).jpg
Ông Huỳnh Văn Cang kể về những ngày kháng chiến. Ảnh: Phương Quyên

Trước đó, tháng 11/1965, sau 10 năm tập kết ra Bắc, ông Tư Cang trở lại miền Nam công tác ở Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định khối nông thôn.

Năm 1967, Khu ủy rút ông qua làm thư ký cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lúc đó là Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Gần 1 năm sau, ông Võ Văn Kiệt về miền Tây, còn ông ở lại tiếp tục làm thư ký cho các lãnh đạo ở khu Sài Gòn - Gia Định.

Đầu tháng 3/1975, khi quân giải phóng tiến công vào Buôn Mê Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên, ông Tư Cang đang làm thư ký văn phòng cho ông Mai Chí Thọ (Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định). Nhận lệnh vào nội thành Sài Gòn cùng 2 người nữa, ông Tư Cang được phân công phụ trách khu trường đua Phú Thọ và khu Lữ Gia.

“Ông Mai Chí Thọ nói tôi vô "để giúp đồng bào khởi nghĩa, đón quân giải phóng". Nghe thế, tôi gọi ngay cô giao liên, lên đường chỉ sau 1 tiếng nhận lệnh. 

Thấy vậy, ông Mai Chí Thọ cười hỏi rằng "Sao đi gấp thế?". Tôi nói "Sợ anh đổi ý”". 

Phong trào nhân dân chống Mỹ ở Sài Gòn sau Tết Mậu Thân rất mạnh, gọi là lực lượng thứ 3. Khi ấy từ thanh niên đến những người lớn tuổi đều chống Mỹ. 

Thời gian ở nội đô, ông Tư Cang xây dựng các mối quan hệ, kêu gọi tinh thần yêu nước của các thầy giáo, hải quan - là thành phần không ai dám xét nhà - để tìm nơi ẩn náu cho người của ta chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn.

“Ở khu vực trường đua Phú Thọ có một đơn vị lính khá mạnh của Việt Nam cộng hòa. Ngày 30/4, theo lệnh của ông Dương Văn Minh, lính không nổ súng và ở đó chờ lệnh. 

Tôi thấy việc này không ổn. Vì nếu khi xe tăng, thiết giáp của ta tràn xuống đây, nếu binh lính sẵn súng trong tay thì rất có thể sẽ nổ súng lại.

Vậy nên, tôi huy động anh em phát thanh vào trường đua, kêu gọi binh lính 'Hãy bỏ súng lại, cởi áo lính và nắm tay nhau ra về trong sự hoan nghênh của chúng tôi và dân chúng. Tôi đảm bảo không ai làm khó dễ các anh'” - ông Tư Cang kể.

Binh lính nghe thế mừng lắm, liền bỏ súng, cởi áo lính và lũ lượt ra về trong vòng chưa đầy 30 phút.

Ở thành phố lúc đó chỉ có duy nhất chi bộ của ông Tư Cang làm việc phát loa kêu gọi binh sĩ buông súng thành công. 

giai phong mien nam tong tien cong chien dich ho chi minh 2.jpg
Xe tăng tại Sài Gòn sáng 30/4/1975. Ảnh: Hứa Kiểm/TTXVN

Sáng hôm sau, theo lời mời của một vị linh mục, ông Tư Cang đến nhà thờ trên đường Nguyễn Thị Nhỏ thuộc quận Tân Bình nói chuyện với giáo dân.

“Tôi chỉ nói vo, rằng: 'Nay là ngày Việt Nam toàn thắng đế quốc Mỹ. Toàn thể dân tộc Việt Nam thắng Mỹ ở Việt Nam. Người có đạo hay không có đạo, nhiều hay ít, đã góp công vào thắng lợi này. Dù ai có làm gì cho ngụy quân, ngụy quyền thì cũng là bị ép buộc chứ không ai muốn tiếp tay, không ai muốn cầm súng chống lại cách mạng’".

Ông Tư Cang kể lúc đó, giáo dân đứng nghe rất đông, tràn cả ra ngoài cửa. Mọi người đều mừng.

“Sau buổi nói chuyện, vị linh mục bắt tay tôi. Ông ấy nói: 'Cảm ơn cách mạng đã giải phóng Sài Gòn hầu như không có tiếng súng, rất êm ả, rất đặc biệt'” - người cán bộ lão thành xúc động nhớ lại.

Ban thờ đặc biệt với "5 người luôn trong tim tôi"

Trong căn phòng nhỏ, ông Tư Cang để một bàn làm việc lớn, chiếc giường đơn kê gọn một bên. Nơi trang trọng nhất, ông đặt tủ thờ với ảnh của 5 người mà ông nói rằng “kính trọng nhất”. 

Ban thờ đặc biệt này có hoa, trái cây tươi mỗi ngày. Chính giữa ban thờ là ảnh Bác Hồ, 2 bên phải - trái lần lượt là ảnh cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngoài cùng bên trái là ảnh ông Đoàn Công Chánh (1919-2005, có bí danh Sáu Bảo, Sáu Khiêm) và ngoài cùng bên phải là liệt sỹ Võ Thị Sáu.

“Đây là những người luôn sống trong tim của tôi, tôi học hỏi được nhiều điều. 

Nếu không có Bác Hồ, không có Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì nước ta không có ngày nay. Điều mà tôi luôn ghi nhớ về Thủ tướng Võ Văn Kiệt là sự quyết tâm và sáng suốt của ông.

Còn liệt sĩ Võ Thị Sáu là liệt sĩ anh hùng. Giặc tra tấn đến mấy, cô vẫn một lòng theo Bác, theo Đảng, sẵn sàng chết trong hiên ngang. Lúc ấy, cô Sáu mới 16-17 tuổi. Tôi quý mến và kính trọng cô Sáu về điều đó...” - ông Tư Cang chia sẻ.

W-Bác Huỳnh Văn Cang TK (5).jpg
Ông Tư Cang đứng trước ban thờ đặc biệt. Ảnh: Phương Quyên

“Nếu như ông Kiệt là người mãnh liệt thì ông Khiêm là người liêm chính. Ông Khiêm là Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định khi tôi được làm việc cùng.

Ông Khiêm là con người có tính nguyên tắc và hết sức khiêm tốn, như chính bí danh tự đặt. Ông là người mà ý thức tổ chức không ai bằng, vượt khổ không ai bằng. 

Có một chuyện về ông mà tôi nhớ mãi. Đó là trong đợt hành quân, người cận vệ mua một nải chuối với giá cao hơn bình thường. Ông Sáu Khiêm nghe thấy thế nên không ăn, nói đem trả lại vì làm như vậy là phá hoại thị trường.  

Chú cận vệ mới nói: "Chuối rẻ hơn ở chiến khu mình nhiều', nhưng ông Sáu Khiêm vẫn kiên quyết không đổi ý. Ông bảo: 'Mình về đây mà phá giá thế là không nên'

Ở Củ Chi, ông Sáu Khiêm bị dính chất độc hóa học địch rải, ướt cả người. Nhưng khi mọi người nói đề xuất làm phụ cấp chất độc hóa học thì ông không chịu, nói 'lương mình vậy là đủ rồi…'”.

2 điều tự hào nhất trong cuộc đời

Ông Tư Cang được sinh ra ở nông thôn Củ Chi - mảnh đất có truyền thống anh hùng.

“Tôi mừng là tôi đã chí tình, chí công theo Đảng, theo Bác Hồ, sống có ích trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Tôi là người không ham tiền mà ham lẽ phải, ham tình nghĩa. Được làm thư ký cho nhiều đời chủ tịch, bí thư thành ủy, noi theo gương của các đồng chí lãnh đạo mà tôi làm được nhiều việc” - vị cán bộ lão thành chia sẻ niềm tự hào lớn của mình.

W-Bác Huỳnh Văn Cang TK (1).jpg
Ông Tư Cang cười khi nhớ lại kỷ niệm với ông Sáu Khiêm. Ảnh: Phương Quyên

Và một việc nữa, mà ông Tư Cang nói cũng luôn tự hào, là đưa được 192 thương binh nặng từ khu Phước Bình, Thủ Đức về sống tại các phường trong thành phố.

Đó là vào năm 1983, khi ông làm Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội TPHCM.

"Đảm nhiệm vị trí này, tôi nhận thức rằng, khi Đảng đã nắm chính quyền thì chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng có ý nghĩa về đạo đức và chính trị rất lớn. Muốn có chính sách đúng và thực hiện các chế độ được tốt thì phải lắng nghe ý kiến quần chúng, ý kiến từ cơ sở, không thể làm việc theo lối quan cách, quan liêu.

Ý thức được điều đó, trong những năm công tác ở Sở, tôi cứ nguyện với mình ráng sao cho có ít lời phiền trách. Ít nhất cũng không để ai phiền trách là thiếu tấm lòng lo nghĩ đến anh em thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng" - ông Tư Cang bày tỏ.  

Làm việc với tâm thế như vậy, nên khi có một thương binh cụt tứ chi ở khu Phước Bình tha thiết muốn được về phường để có điều kiện làm ăn và nuôi vợ con, vị Giám đốc Sở mau chóng nhận lời. 

“Thấy nguyện vọng của anh thương binh kia là chính đáng, tôi báo cáo với Thành ủy xin được làm thí điểm trường hợp này. Sau cùng, Thành ủy và các cơ quan cùng nhất trí. 

Trong thành phố khi đó, nhà để trống còn khá nhiều. Chúng tôi lựa nhà tốt nhất có thể để cấp cho thương binh nặng, tạo điều kiện cho anh sinh sống ổn định. 

Sau đợt làm thí điểm với người thương binh đó, những anh em khác thấy tốt quá nên tất cả làm đơn xin về phường”. 

W-Bác Huỳnh Văn Cang TK (4).jpg
Ông luôn tự hào vì đã sống chí tình, chí công theo Đảng, theo Bác Hồ. Ảnh: Phương Quyên

Ông Tư Cang nhớ, khi đang triển khai, có vị phụ trách mảng nhà đất nêu ý kiến rằng "Khi đưa thương binh nặng về các phường, liệu họ có bỏ được việc gây mất trật tự không?”. Sở dĩ, vị này hỏi như vậy vì thường là thương binh nặng không sống nổi ở quê mới lên khu thương binh Phước Bình. Mà ở đó, anh em chỉ ở thôi nên nhiều thời gian rảnh, vì vậy một số người vẫn làm những việc vi phạm trật tự. 

Sau câu hỏi của người phụ trách mảng nhà đất, ông Tư Cang triệu tập cuộc họp các ban ngành. Tại đây, ông nói rằng thương binh là những người từng đi kháng chiến, chỉ là sống không nổi nên mới xé rào. Nếu có điều kiện sống tốt thì họ gây chuyện nữa làm gì.

“Khi đó, vị kia lại nói: Đưa thương binh nặng về sống các phường ở thành phố sẽ làm nhếch nhác thành phố".

Tôi trả lời: 'Chính nhờ cái gọi là nhếch nhác đó mà thành phố ta mới được là thành phố anh hùng'”, ông hào hứng nhớ lại. 

Sau đó, ông Sáu Khải (cố Thủ tướng Phan Văn Khải, khi đó là ủy viên Thường vụ Thành ủy TPHCM) đã đưa vấn đề này ra Thường vụ trao đổi.

“Rồi một buổi tối, anh Sáu Khải đến gặp tôi, nói thành phố nhất trí cho phép các phường nhận thương binh nặng về sinh sống và tạo điều kiện làm ăn. Thành phố yêu cầu những anh em nào hay gây chuyện viết giấy cam đoan là có gì không vừa ý thì báo cáo lãnh đạo địa phương để xin ý kiến xử lý, không ai được tự ý phá phách nữa.

Sau khi được 'bật đèn xanh', mất khoảng 2 năm, tôi đưa hết được 192 thương binh nặng về địa phương. Và rất mừng là không có ai gây chuyện gì nữa”. 

Ông Tư Cang cũng kể lãnh đạo Quân khu 7 và Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng từng đến kiểm tra việc làm này.

“Các đồng chí ấy thấy tôi làm đúng, và nói rằng không có điều gì phải chất vấn. Vì vậy, Cục Quân huấn mời tôi đi dự hội nghị để báo cáo thành tích này”. 

Tuổi năm nay đã quá "cửu tuần đại thọ" nên hay quên, nhưng cũng có việc mà ông Tư Cang nói rằng "hơn 5 chục năm và chắc cho đến cuối đời, tôi không thể nào quên". Chuyện xảy ra ngày 18/5/1968 là một trong số đó. 

Người cán bộ lão thành xúc động nhớ lại: "Đó là khoảng 3h chiều, tại nền lò gạch cũ của ông Xã Bàng, ấp 1, xã Phước Vân, huyện Cần Đước. Tôi ngồi dưới gốc cây mắm, kê gối viết báo cáo về cuộc hành quân an toàn suốt đêm hôm trước của đơn vị (một bộ phận của Ban Công vận T4) từ Cần Giuộc về đây. Đồng chí Út Đức - Tiểu đội trưởng bảo vệ - ngồi bên công sự cách tôi độ 10m, chờ tôi viết xong để mang thư đến cho anh Sáu Khiêm đang ở xã Bình Đức gần Bến Lức.

Khi chỉ còn 3, 4 dòng nữa là xong thì tôi nghe có tiếng máy bay. Út Đức đứng bên công sự theo dõi, báo: "Hai chiếc phản lực 'con ma' quần lại chú Tư ơi!".

Tôi vừa cố viết vừa trả lời: "Chú ý nghe coi có máy bay trinh sát không?". Út Đức tiếp: "Có tiếng 'đầm già'".

"Thì nó cũng quần 2-3 vòng rồi mới bắn pháo điểm chứ'" - tôi vừa nói xong thì Út Đức la lên "Nó chúi về phía mình".

"Xịt, xịt, đùng" - một cột khói mịt mù bao trùm chỗ tôi ngồi. Mắt mũi cay xè, tôi quáng quàng nhét giấy bút vào xắc-cốt, bò lại phía công sự. Giữa giây phút hiểm nguy đó, Út Đức từ chỗ công sự lao lại ôm xốc tôi chạy nhanh, thả tôi xuống miệng công sự trong tiếng rú điếc tai của 2 chiếc phản lực đang lao xuống thả bom.

Tôi lật đật chui vào trong để Út Đức nhảy xuống tránh bom. Nhưng không kịp rồi, khi hai chân cậu ấy còn 'cưỡi bò' trên lưng tôi thì bom bi đã nổ ran trên miệng hầm. Út Đức 'ới' lên một tiếng chới với rồi quỵ ngang bên thành công sự. Tôi cố kéo cậu vào trong, ôm chầm lấy. Đầu Út Đức bị rỉ máu do trúng đạn bom bi. Thân thể cậu ấy từ từ lạnh, đôi mắt khép lại. Tôi kêu cứu thất thanh trong tiếng rú của phản lực, tiếng nổ liên hồi của bom bi.

Sau hơn nửa giờ, đám 'con ma', 'thần sấm' trút hết thứ bom bi giết người dã man ấy rồi biến mất. Từ các công sự, anh chị em hối hả chạy đến phụ nhau đưa Út Đức lên, phụ lo tắm rửa, tẩm liệm và mai táng. Quan tài là tấm tăng nilon ngày đêm che bớt nắng mưa của Út Đức. Huyệt chôn chính là công sự mà tôi và cậu ấy vừa sử dụng.

Trong khi anh em lo việc chôn cất, tôi chỉ ngồi khóc. Tôi khóc vì thương, vì kính trọng hành động xả thân cứu tôi của Út Đức. Tôi cũng khóc vì hối hận do thiếu cảnh giác, thiếu nhanh nhẹn dẫn đến việc hy sinh của người đồng đội trẻ tuổi"...

Còn một người mà ông Tư Cang “cất” ở một góc trong tim, là người vợ quê Bắc Ninh ông cưới hơn 60 năm trước. 

Ngay sau đám cưới, vợ ông phải theo đoàn công tác sang Lào. Chuyến đi này không ngờ kéo dài tới 4-5 năm. 

“Tới chừng bà ấy về, năm 1965, thì tôi đã lại tập trung để vào Nam. Sau đó, bà thỉnh thoảng gửi thư, viết: 'Khi nào trong đó có chỗ thì anh ráng nói để tôi vào với anh'. Nhưng mà đâu có cơ hội để bà ấy vào được. 

Tôi thương bà ấy, vì sự hy sinh của bà lớn lắm, bởi có những chuyện người ta chịu đựng mà người đời không thể thấy.

Bà ấy giờ 92 tuổi. Năm ngoái, tôi cùng cháu dâu ra Bắc Ninh thăm, bà cảm động lắm, còn nói Tưởng ông quên tôi rồi…”.