- Quản lý phải tôn trọng nguyên tắc: tất cả vì sự phát triển. Quản lý để phát triển, theo kịp sự phát triển và thúc đẩy quá trình phát triển tốt hơn, chứ không phải kìm hãm sự phát triển. Bài viết của nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp cho Tuần Việt Nam. 

Quản lý không phải kìm hãm phát triển

Tôi thực sự ngưỡng mộ về những nội dung mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Hội thảo Smart IoT Việt Nam năm 2018. Có thể coi đây là tư duy và hành động thời Cách mạng 4.0 (CM 4.0).

Bài nói đưa ra những thông điệp rõ ràng về học và làm thời CN 4.0 là: “Học để làm những điều chưa có trong sách. Học để làm những việc chưa có trong đời. Học và làm những điều chưa ai làm”.

Tiếp đó Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, trong bài “Tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự (VietNamNet ngày 29.10.2018) càng làm sáng hơn những điều cuộc sống đang cần. Với dòng chảy này, tôi xin nối tiếp mấy nội dung liên quan tư duy và hành động thời CN 4.0.

Quản lý là quản phải có lý với 2 nội dung cần tôn trọng là nguyên lý và tâm lý. Nghĩa là quản lý phải tôn trọng nguyên tắc: Tất cả vì sự phát triển. Quản lý để phát triển, theo kịp sự phát triển và thúc đẩy quá trình phát triển tốt hơn, chứ không phải kìm hãm sự phát triển.

{keywords}
Thời cách mạng 4.0 đòi hỏi có cách tư duy và hành động mới.

Cái gì chưa rõ nội dung cần quản lý thì không vội ban hành văn bản, hãy để cho cuộc sống vận động rõ xu thế để chọn phương án quản lý tối ưu. Cũng như quả bầu, quả bí khi mới nhú lên chúng ta chỉ cần theo dõi và tạo điều kiện cho nó phát triển; chúng ta vội sờ mó vào nó thì nó sẽ sần sùi, thui chột rất nhanh.

Quản lý còn phải tôn trọng tâm lý của người lao động. Hãy kiên nhẫn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của quần chúng để đưa ra các quyết sách hợp lòng dân thì sức mạnh cộng hưởng của quần chúng sẽ rất lớn.

Thời CN 4.0 là thời đại khoa học công nghệ phát triển thần tốc, kỳ diệu, ngoạn mục trên mức tưởng tượng của con người. Là thời đại công dân toàn cầu, thị trường toàn cầu và nhân lực toàn cầu. Mỗi khi chúng ta phải dùng cụm từ bị bất ngờ nghĩa là chúng ta đang thiếu thông tin.

Trên thực tế nếu chúng ta nắm bắt đúng tâm lý của người lao động để lãnh đạo thì chúng ta không bao giờ bị bất ngờ. Thời CN 4.0 cho phép chúng ta tiếp cận xã hội mạng để nắm bắt và hiểu biết quần chúng nhanh và chính xác nhất.

Nghị quyết là mục tiêu, chính sách mới là động lực

Đúng như bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và TS Nguyễn Đình Cung đã đề cập, điều cần đổi mới của chúng ta lúc này là đổi mới tư duy hoạch định chính sách.

Bởi chính sách là lợi ích, và lợi ích chính là động lực. Chúng ta muốn có sản lượng đường, phải có chính sách cho cây mía. Chúng ta muốn có sản lượng gạo phải có chính sách cho cây lúa.

Tựu trung lại là phải có chính sách cho nông dân để tạo ra nguyên liệu. Thời CN 4.0 cho phép chúng ta tính toán thị trường toàn cầu và lựa chọn nhân lực toàn cầu.

Đảng cầm quyền là cầm đường lối, chủ trương, chính sách, quy hoạch v.v. Khi đã định hướng mục tiêu sản xuất đúng mà nhân lực trong nước không đáp ứng yêu cầu thì cần thuê chuyên gia nước ngoài để tổ chức thực hiện, vừa đảm bảo mục tiêu kinh tế, vừa tạo cho nhân sự trong nước tiếp cận học hỏi để tiến bộ.

Việc các hãng hàng không Việt Nam thuê phi công nước ngoài là bài học sáng giá, khi tư duy cũ của chúng ta là phải chọn nhân lực trong nước, 3 đời trong sạch để đào tạo thành phi công sẽ không đuổi kịp yêu cầu phát triển, để ngành hàng không của ta ngang tầm quốc tế như hôm nay.

Đừng lo người máy sẽ cướp mất việc làm

Thời CN 4.0 sẽ là thời thịnh hành của người máy. Nhưng chúng ta luôn nhớ rằng: Người thật làm ra người máy và chỉ huy điều hành người máy. Có nghĩa là người máy ra đời do yêu cầu của người thật và vì lợi ích của người thật.

Người máy sẽ làm những việc mà người thật không thể làm được như làm trong môi trường nhiệt độ quá cao, hoặc quá thấp, làm trên trời, dưới biển, dưới lòng đất thiếu oxy. Người máy sẽ làm những việc mà người thật làm năng suất thấp hơn. Người máy sẽ làm những việc mà người thật làm không an toàn đến tính mạng…

Đó là cách tốt nhất để chúng ta tiết kiệm lao động vào làm những việc mà người máy không thể làm được, hoặc chưa cần làm như sáng chế, văn học, nghệ thuật, kinh tế hộ.v.v.

Tóm lại, người máy ra đời không mâu thuẫn với lợi ích của người thật mà chỉ phục vụ để thu nhập bình quân và đời sống của người thật cao hơn.

Còn một điều cần nói thêm là: Thời CN 4.0 sẽ góp phần tôn vinh và cải tạo từng con người, giúp con người sống và tự giác cao hơn. Bởi con người chỉ tự giác đến mức hoàn hảo khi hội tụ 3 điều kiện: Luật pháp đồng bộ; đạo đức công vụ tốt và công cụ kỹ thuật hỗ trợ đầy đủ.

Trong đó công cụ kỹ thuật hỗ trợ chiếm vị trí quan trọng nhất, đó là thành quả của thời CN 4.0. Ví dụ một cảnh sát các nước tiên tiến ra đường nói gì với dân, làm gì với dân, trung tâm điều hành đều nghe, đều xem, đều giám sát thì họ sẽ nói chuẩn, làm chuẩn.

Còn ở Việt Nam, một cảnh sát ra đường sẽ toàn quyền, thì khó đạt được mục tiêu chuẩn mực như chúng ta mong muốn. Bản thân chúng ta nếu được làm cảnh sát chắc cũng vậy.

Tóm lại ứng dụng, kết nối, lan tỏa trong thời CN 4.0 sẽ cho chúng ta tất cả những gì chúng ta mong muốn mà các thời đại trước đó không thể có được.

Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT

Chúng ta cần một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự

Chúng ta cần một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự

Vượt ra ngoài khuôn khổ của ngành thông tin, bài phát biểu đó thể hiện một tầm tư duy và cải cách cho Việt Nam. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung gửi bài viết riêng cho Tuần Việt Nam.

Phát biểu của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Smart IoT Vietnam 2018

Phát biểu của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Smart IoT Vietnam 2018

Toàn văn phát biểu đề dẫn tại Hội thảo Smart IoT Vietnam 2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.