Than antraxit là loại quý hiếm trên thế giới, nếu như ta đem than đó đưa vào đốt điện là có tội với thế hệ mai sau vì lãng phí.

Tuần Việt Nam tiếp tục tọa đàm về sử dụng tài nguyên và môi trường với TS. Nguyễn Tiến Chỉnh, chuyên gia kinh tế- kỹ thuật mỏ, nguyên Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Chiến lược phát triển của Tập đoàn Vinacomin ; TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật, Bộ Công Thương; ông Đỗ Thanh Bái, chuyên gia an toàn hóa chất và môi trường, giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất (Viện Hóa học công nghiệp).

Những dòng thải đáng lo ngại

Nhà báo Hoàng Hường: Quảng Ninh vừa muốn khai thác mỏ, công nghiệp mỏ, vừa khai thác du lịch, phát triển đô thị, lại thêm kinh tế biển. Nhưng đường đi của những chất thải, chất rắn mà ông vừa nói có thể gây ra những tổn thất nặng nề khác... Có vẻ nhiều vấn đề cần cân nhắc ở đây?

Ông Đỗ Thanh Bái: Thảm họa này cho ta nhiều điều cần xem xét và bài học về quy hoạch.

Phải nói trong vòng 15, 20 năm qua ở Quảng Ninh đã có nhiều nghiên cứu về quy hoạch nói chung và đánh giá môi trường chiến lược cho các hoạt động phát triển của toàn tỉnh (DMC) do các tổ chức quốc tế, cơ quan chính phủ và các nhà khoa học tiến hành.

TKV (tập đoàn than) trong 10 năm qua cũng  đã cố gắng rất nhiều  trong vấn đề cải thiện môi trường mỏ. Ví dụ họ đầu tư rất nhiều tiền để cải thiện hạ tầng giao thông, cung cấp nước… và trồng rừng phủ xanh lại những khu vực mà đã bị khai thác, hoặc các bãi thải, trong chuyên môn gọi là hoàn nguyên.

TKV đã làm việc đó rất tốt. Tuy nhiên đã đạt yêu cầu chưa thì chắc cũng chưa thể khẳng định được. Quy hoạch đã hợp lý hay chưa thì tôi không phải là chuyên gia quy hoạch, nhưng tôi thấy ở đây đã và đang có một số xung đột.

Thứ nhất, như tôi nói ban đầu, khai thác lộ thiên tạo ra những thay đổi về địa mạo và cảnh quan, tác động tới những mục tiêu và phát triển khác. Ví dụ: quy hoạch đô thị, giao thông, du lịch…

Thứ hai, mất rừng, trong đó có rừng nguyên sinh bị phá để triển khai các hoạt động khai thác mỏ. Đương nhiên khi rừng đầu nguồn bị phá sẽ tạo ra các nguy cơ lũ lụt. Mặc dù TKV đã trồng lại khá nhiều rừng mới, trong đó có cả rừng ngập mặn (đước), nhưng sự trồng lại các thảm xanh này vẫn chưa đủ bù lại việc mất rừng trên toàn tỉnh.

Thứ ba, những mục tiêu phát triển khác liên quan đến than ở Quảng Ninh như những ngành công nghiệp hóa học dựa vào than, nhiệt điện, xi măng... sau này có thể là một số ngành công nghiệp khác về than nữa, sẽ là những nguồn phát thải như khí thải, nước thải, hoặc chất thải rắn. Những dòng thải này sẽ ít nhiều gây xung đột đến mục tiêu phát triển khác, làm suy giảm chất lượng môi trường ảnh hưởng đến dân sinh, cảnh quan, du lịch, thủy sản…

Các nhà máy nhiệt điện chạy than tạo ra lượng xỉ than rất lớn, nhất là khi sử dụng than cám có hàm lượng tro cao như than Hòn Gai. Xỉ than này cũng chứa kim loại nặng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nước và đất nếu không được quản lý tốt.

Để có chỗ chứa xỉ sẽ phải tạo ra quỹ đất mới và có thể phải lấn biển, khi đó có thể tạo ra nguy cơ cho môi trường biển. Rõ ràng ở đây có vấn đề về quy hoạch và cân bằng các lợi ích phát triển khác nhau trên địa bàn. 

{keywords}

Ông Nguyễn Tiến Chỉnh

Nhiệt điện than sẽ chiếm 50 - 60%

Hoàng Hường: Ngoài những vấn đề quy hoạch, yếu tố từ phía con người nêu trên, thì các vấn đề khách quan như địa chất riêng của Quảng Ninh hay điều gì khác cần lưu ý trong quá trình quy hoạch hoặc phòng chống thiên tai?

Ông Ngô Đức Lâm: Trong quá trình khai thác, bản thân ngành than tác động đến môi trường, nhưng cũng phải chịu đựng tác động môi trường. Có mấy vấn đề cán bộ, công nhân than phải chịu đựng.

Thứ nhất, bụi than trong công nghiệp VN khiến công nhân bị bệnh phổi. Y tế ngành luôn phải kiểm tra sức khỏe và làm động tác ‘rửa phổi’ cho cán bộ, công nhân hàng năm.

Thứ hai, khi khai thác dưới hầm lò sâu, công nhân chịu rủi ro từ nhiều loại khí độc, đặc biệt là metan. Ở nồng độ nào đó, metan rất dễ sinh cháy, nổ. Tình trạng cháy trong khu mỏ ở Việt Nam là thường xảy ra. Ví dụ như mỏ Mạo Khê xảy ra 99 công nhân bị đốt cháy vì khí metan trong quá trình khai thác.

Thứ ba, nguy cơ sập lò, như anh Chỉnh nói, khai thác hầm lò phụ thuộc giá đỡ là cái khung giá đỡ. Dù công nghệ nay đã tiến bộ hơn trước rất nhiều, nhưng không có khả năng chống đỡ hoàn toàn. Vấn đề kẹt cục bộ đã từng xảy ra.

Thứ tư, yếu tố môi trường, gọi là bọng nước. Trong kết cấu địa tầng luôn có những khoảng trống bị tích nước, người ta gọi bể nước ngầm, nằm trong lòng đá. Đợt mưa vừa qua, như tôi biết, có thực trạng rò rỉ nước vào những bể ngầm đó và nó có thể vỡ bất cứ lúc nào. Đó là rủi ro tiềm ẩn.

Người ta cứ nói “ngành than ảnh hưởng tới bão lũ vừa qua”. Thực ra khai thác than sinh ra cái biến đổi khí hậu ít thôi. Cái sinh ra biến đổi khí hậu chính là do sử dụng than, như nhiệt điện, xi măng, các công nghiệp hóa chất, các công nghiệp tiêu dùng khác.

Nhiệt điện than là vấn đề phải bàn luận, con số các nhà máy nhiệt điện của ta hiện nay khoảng độ 20%, nhưng tương lai phải đến 50, 60%.

{keywords}

Ông Ngô Đức Lâm

Xuất khẩu - nhập khẩu than để chống lãng phí

Hoàng Hường: Tôi thấy có một nghịch lý ở đây. Như đã biết,năm nay, hoặc sang năm 2017 chúng ta chính thức nhập khẩu than. Tôi hiểu nôm na là đã hết than, nhưng tại sao ta lại triển khai các nhà máy nhiệt điện và số lượng ngày càng tăng lên, đặc biệt khi những nhà máy nhiệt điện đấy lại là một nguy cơ rất lớn cho môi trường?

Ông Nguyễn Tiến Chỉnh: Bài toán mà thế giới cũng như Việt Nam đau đầu là cân đối năng lượng. Ta đang thiếu hụt nguồn cấp cho điện. Hiện chúng ta tiêu thụ cho điện 17,7 triệu tấn than năm 2014, nhưng đến 2020 sẽ lên đến khoảng 50 triệu tấn. Theo quy hoạch đến 2025 là 85 triệu tấn và 2030 là 120 triệu tấn. Nhu cầu sử dụng than trong nhà máy điện rất cao. Bài toán cung cầu than đang bị một khoảng trống không giải quyết được.

Về vấn đề nhập khẩu than, để kinh tế nhất người ta dùng than cám năm, cám sáu trở xuống và thậm chí đến bây giờ cám bảy mà cám bảy đốt cho điện. Năm 2017 sẽ bắt đầu nhập than nhưng do các liên doanh nước ngoài tự nhập. Hiện ta đang nhập khẩu từ Indonesia và một phần từ Úc, Nam Phi và Nga.

Hoàng Hường: Nhập khẩu thì chúng ta phụ thuộc nguồn cung, và chi phí rất lớn, tại sao chúng ta có than lại bán đi, rồi lại mua về. Tôi vẫn không hiểu?

Ông Nguyễn Tiến Chỉnh: Đây là vấn đề cần giải thích rõ. Than cục có giá trị rất lớn, than cám tốt cũng giá trị lớn. Than antraxit là loại quý hiếm trên thế giới, nếu như ta đem than đó đưa vào đốt điện là có tội với thế hệ mai sau vì lãng phí. Giá trị của nó gấp 3, 4 lần than để đốt cho điện.

Hoàng Hường: Như ông nói lúc nãy thì hiện nay chúng ta đã khai thác mỏ ngầm ở mức -300m. Thế sản lượng mà chúng ta còn có thể khai thác đấy thì sẽ còn được bao nhiêu vì nỗi lo cạn kiệt tài nguyên luôn thường trực?

Ông Nguyễn Tiến Chỉnh: Than là tài nguyên quý và chúng ta phải giữ gìn, tiết kiệm. Trong quy hoạch than người ta cứ nói đồng bằng sông Hồng là bể than rất lớn nhưng nền yếu nước nhiều, trên là ruộng lúa và các công trình. Công nghệ hiện nay chưa khẳng định được. Trong cân đối 2030 nguồn than chỉ tập trung vào Quảng Ninh.

Hoàng Hường: Tôi đồng ý bài toán cân bằng năng lượng là khó giải quyết. Nhưng để có năng lượng bằng mọi giá, mà môi trường bị hủy hoại, bài toán này tính sao?

Ông Ngô Đức Lâm: Đây là bài toán giữa được và mất, giữa phát triển và vấn đề môi trường. Nước ta đang chậm phát triển. Hiện nay tiêu thụ điện bình quân đầu người hàng năm của chúng ta đang trên 1000 Kwh đầu người, như Thái Lan con số hiện tại là 3000kWh/ người, Malaysia 7000kWh/ người, Singapore 40 000 Kwh/người. Tức là cái phát triển là đương nhiên, nhưng phải nghiên cứu sự phát triển ấy thì nó sẽ tác hại ở mức độ nào.

Trong quy hoạch, để phát triển 7 đến 8% thì phải sử dụng rất nhiều than, vì các nguồn nhiên liệu sơ cấp khác ta không còn nhiều. Thủy điện không phát triển được nữa, khí đốt và dầu không nhiều nữa, không có cách nào khác, phải sử dụng than.

Bài toán cân bằng năng lượng ở nước ta bây giờ chưa có đáp án; hoặc đáp án nghiêng về phần phát triển hơn là nghiêng về bảo vệ môi trường.

Hoàng Hường: Tôi không hiểu có nặng nề không khi nói cách chúng ta lựa chọn phát triển như hiện nay để giải quyết bài toán năng lượng hiện thời, nhưng con cháu ta phải trả giá?

Ông Ngô Đức Lâm: Từ đấy phải có chính sách đền bù cho môi trường. Sử dụng than quốc tế hiện nay vẫn là cốt yếu như Trung Quốc chiếm 47,9%, Brazil 89%, Mỹ 49%... Phát triển nhiệt điện là đương nhiên, nhưng ở mức độ nào và đền bù cho môi trường thế nào?

Ở quốc tế anh phải đền bù dưới hình thức đóng thuế hơn 20 USD cho 1 tấn phát thải. Phát thải ở nước ta so với thế giới là không nhiều nên người ta chưa đưa vào phụ lục của thế giới là Việt Nam không được phát thải, hoặc là phải cắt bớt phát thải.

Nhưng tôi nghĩ ta nên tính đến tương lai không xa sẽ bị đánh thuế phát thải cacbon.

(Còn nữa)

Tuần Việt Nam 

Ảnh: Lê Anh Dũng 

Quay phim: Đức Yên, Xuân Quý 

Dựng phim: Huy Phúc