Bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là nơi sinh sống của hơn 330 hộ dân với 100% là người dân tộc Mông sinh sống. Bản Tà Số có khí hậu lạnh hơn so với các bản vùng thấp từ 4 - 6 độ C, địa hình núi cao. Hiện, bản được chia ra thành 2 bản Tà Số 1 và Tà Số 2.
Trước đây, đời sống của người dân bản rất vất vả, do đường đi lại khó khăn, hàng hóa nông sản làm ra, vận chuyển hơn nửa ngày mới xuống đến đường lớn. Vì vậy, phần lớn người dân nơi đây thường phát triển kinh tế theo hướng tự cung, tự cấp, chăn nuôi tại các láng nhỏ, tách biệt với cuộc sống nơi phố thị.
Năm 2019, được Nhà nước hỗ trợ người dân bản đã cùng nhau đồng lòng góp sức hoàn thành tuyến đường dốc quanh co lên bản bằng đường bê tông rộng rãi, kéo gần khoảng cách của bản Tà Số với các bản lân cận và khu vực thị trấn. Nhờ có đường đi lại thuận tiện hơn, người dân bản đã chủ động học hỏi kinh nghiệm trồng và phát triển nhiều loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao; chuyển đổi nhiều diện tích đất đồi sang trồng các loại cây ăn quả, bước đầu mang lại hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập.
Cuối năm 2021, nhiều hộ gia đình đã cùng nhau quyết tâm đi học tập kinh nghiệm mô hình bản văn hóa, du lịch cộng đồng; sau đó về phổ biến lại cho bà con để cùng nhau bắt tay vào làm du lịch.
Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Sơn La cùng chính quyền huyện Mộc Châu, kết hợp với dự án Great quan tâm đầu tư nhiều hơn về phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có bản Mông ở Tà Số.
Dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông còn nguyên vẹn và thiên nhiên ưu đãi, bà con ở 2 bản xây dựng nếp sống văn minh. Trong bản, nhà nào cũng được đánh số, hai bên đường làng ngõ bản đều sạch đẹp, được trồng nhiều hoa. Từ người già tới trẻ em đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình…
Hiện, bản có 7 hộ đăng ký tiên phong làm du lịch cộng đồng với phương châm “ phát triển du lịch giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc” những hộ làm homestay luôn yêu tiên lưu giữ những nét đẹp truyền thống nhiều nghề riêng của dân tộc Mông như: thiêu thổ cẩm, nghề rèn, nghề làm khèn… được giữ gìn và bảo tồn.
Lãnh đạo xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu cho biết: sẽ cải tạo lại toàn bộ cảnh quan của bản; giữ lại những ngôi nhà cổ; khôi phục nghề rèn nông cụ, thêu thùa, dệt thổ cẩm truyền thống để bà sử dụng hằng ngày và bán ra thị trường; bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng như múa khèn Mông, hát giao duyên, các trò chơi dân gian như ném pao, đánh tù lu, giã bánh dày ngày tết… thực hiện trong ngày lễ lớn, Tết cổ truyền hằng năm và phục vụ du khách.
Một năm trở lại đây, Bản Tà Số đón hàng nghìn lượt khách đến trải nghiệm và lưu trú. Đời sống của bà con đã dần được cải thiện, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình đã tăng lên, đạt 38 triệu mỗi năm (theo số liệu thống kê của xã Chiềng Hắc).
Ông Trần Xuân Việt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết, đối với các chương trình, dự án bảo tồn văn hóa, tỉnh hướng trọng tâm bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc ở Mộc Châu. Với lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên, chính quyền định hướng bà con khai thác tiềm năng, lợi thế để làm du lịch cộng đồng.
Theo quy hoạch chung của tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các khu du lịch của huyện Mộc Châu sẽ phát triển, trở thành những khu du lịch trọng điểm, đồng thời tại Nghị quyết 41 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có chỉ ra nhiều chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp với những bản văn hoá điển hình như bản Tà Số...
Yên Minh