Mới đây, khi bàn về không gian kiến trúc của tỉnh Quảng Ninh, TS KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhận định, nhìn chung, so với nhiều địa phương trên cả nước, kiến trúc tại các đô thị Quảng Ninh còn đảm bảo khá, giữ được sắc thái riêng, nhất là tại các đô thị lớn và vừa như Hạ Long, Móng Cái, Mạo Khê, Cẩm Phả…

W-anhminhhoa-3.png
Kiến trúc đô thị Quảng Ninh nhìn từ trên cao

Phần kiến trúc truyền thống các đô thị ở đây (truyền thống theo quan niệm tính cho công trình thiết kế từ những năm 2000 trở về trước), được thiết kế xây dựng khá cẩn thận và quy củ. Những công trình từ thời trước cách mạng 1945 vẫn còn nơi giữ được một khối lượng đáng kể, khá nguyên vẹn. Hình thái những loại công trình truyền thống này còn có nhiều khả năng đáp ứng tốt cho phát triển đô thị vào tương lai. Chính những loại công trình này góp phần tạo nên bản sắc ít lẫn cho các đô thị ở Quảng Ninh.

Hệ thống và thể loại công trình mới xây dựng gần đây ở Quảng Ninh cũng đã đạt chất lượng khá đồng đều và khả dĩ hơn nhiều nơi trong nước. Nổi bật là các công trình ở đô thị Hạ Long và Vân Đồn.

Ở Hạ Long, đó là các công trình được xây sau 2010 như Thư viện, Bảo tàng, Cung triển lãm Quy hoạch, Trung tâm Hội nghị tỉnh, Khu vui chơi giải trí vườn Nhật Bản, một số biệt thự dọc bờ Vịnh, Tháp đồng hồ trung tâm…; ở Vân Đồn như Nhà ga hàng không, một số khách sạn… Các hướng kiến trúc lựa chọn cho các chương trình ưu tiên của Đảng và chính quyền tỉnh gần đây cũng đã thể hiện cách làm vì tương lai, hài hòa và độc đáo cho vùng đất mỏ.

Mặt khác, những bất cập về mặt kiến trúc ở Quảng Ninh cũng còn một số hạn chế: Hệ thống công trình di sản truyền thống đang bị mai một tính đồng nhất và bản sắc riêng trong xây dựng mở rộng các đô thị đang bị thiếu kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến nguy cơ cũ hóa, mỹ quan buồn tẻ, nhất là tại các vùng đô thị do tư nhân đầu tư; Quảng Ninh cũng chưa đặt ra được chiến lược cho việc định hình phát triển kiến trúc cho từng đô thị trong cụm, chuỗi; chưa vận dụng bền vững yếu tố đồng hành cùng di sản đối với đô thị Hạ Long, vùng miền với các đô thị đặc thù như: Vân Đồn, Móng Cái, Cô Tô, Cẩm Phả..; việc thực hiện ban hành và quản lý theo những quy chế kiến trúc cụ thể, theo quy định cũng chưa hiệu quả hoặc có đô thị chưa được áp dụng đầy đủ.

Ông Sơn đúc kết, nếu nhìn toàn cảnh, quy hoạch và kiến trúc Quảng Ninh với mô hình được xem là Việt Nam thu nhỏ đã có những bước tiến ngoạn mục trong quá khứ, dẫn đến những thành công thuyết phục đang hiển hiện hôm nay. Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển, nhiều bất cập đã được lộ rõ cần sớm khắc phục điều chỉnh.

Theo KTS Phan Đăng Sơn, trong bối cảnh đó, việc triển khai đồng loạt phát triển đô thị và nông thôn sắp tới, sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho tỉnh, đặc biệt là ngành xây dựng. Với việc vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng nhân dân, nếu biết kết hợp thêm đầy đủ hệ thống chuyên gia chuyên sâu và tận dụng thời cơ, cả vùng chuỗi đô thị và nông thôn của tỉnh Quảng Ninh sẽ làm thêm được nhiều điều kỳ diệu trong xây dựng và phát triển đậm chất văn hóa, hội nhập thế giới đại đồng bền vững.

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV