- Chúng ta có thể sẽ tiếp tục phải trả giá, lần này số tiền sẽ không như trước mà lên tới 80 triệu USD, tương đương với gần 2.000 tỷ đồng. Nhiều người quan tâm đã đặt câu hỏi, mua bản quyền giải ngoại hạng Anh làm gì, khi tiền phải trả ngày càng tăng, nhà đài kinh doanh thua lỗ, còn đa số khán giả lại không được xem?
Tất cả đều thiệt
Số lượng người hâm mộ giải bóng đá Anh tại Việt Nam khá lớn. Trong khi đó, theo các nguồn tin, kênh truyền phát độc quyền super sunday hiện chỉ có khoảng 700.000-800.000 thuê bao và số thuê bao mua gói có giải ngoại hạng Anh chỉ dưới 30%. Đây là con số khá nhỏ bé, so với số lượng thuê bao trên toàn thị trường. Như vậy có nghĩa là đa số khán giả cả nước không thể xem được kênh độc quyền phát sóng các trận ngày chủ nhật trong 6 năm liên tiếp. Muốn xem, khách hàng phải sử dụng duy nhất dịch vụ của đài độc quyền các trận chủ nhật và tất nhiên phải chấp nhận cái giá độc quyền không dễ chịu.
Khi độc quyền phát sóng các trận ngày chủ nhật, thì các đài khác đều mua cùng một loại hàng hóa, đó là các trận đấu phát vào tối thứ bảy, thậm chí nhiều đài mua cùng một trận đấu, cùng một thời điểm. Như vậy, nhìn từ khía cạnh kinh tế, các đài truyền hình và đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã lãng phí nguồn lực rất lớn khi không thể hợp tác với nhau.
‘Hơn thế, khi một nhà đài nào đó độc quyền, thì khán giả sẽ là người thiệt thòi nhất. Vì trên thực tế, nó không chỉ khiến số đông khán giả không được xem giải đấu yêu thích, mà chính “nhà đài” sở hữu bản quyền cũng đối diện với nguy cơ thua lỗ khi nhìn dưới góc độ kinh doanh’, bình luận viên, Vũ Quang Huy, Đài truyền hình VTC cho biết.
Độc quyền truyền hình các trận bóng đá có thể giúp tạo ra thương hiệu. Tuy nhiên, chưa hẳn đã mang lại lợi nhuận. Thời gian qua, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều gia đình phải tiết kiệm chi tiêu, cộng với văn hóa chung hiện nay là cuối tuần ra quán nhậu, quán cafe để xem bóng đá, nên nhà đài chưa chắc đã phát triển được thuê bao như mong muốn.
Nhìn từ khía cạnh kinh tế, các đài truyền hình và đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam đã lãng phí nguồn lực rất lớn khi không thể hợp tác với nhau. |
“Một nguồn thu khác là quảng cáo trong thể thao cũng không phải luôn mang lại hiệu quả như mọi người nghĩ. Là một bình luận viên lâu năm, tôi biết quảng cáo phát trong các trận bóng đá không đem lại hiệu quả so với nhiều chương trình truyền hình khác, kể cả ở những trận cầu đinh”, ông Huy nhận xét.
Có theo vết xe đổ?
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, câu hỏi đặt ra ở đây là mua bản quyền giải ngoại hạng Anh làm gì khi tiền ngày càng trả nhiều hơn, kinh doanh thì thua lỗ, còn đa số người hâm mộ lại không được xem? Có phải vì lợi ích nhóm, một số người đã để cho đối tác nước ngoài quyết định hoàn toàn vấn đề bản quyền ở nước ta? Họ chấp nhận thua lỗ, mua bản quyền với giá cao, mặc cho người dân không được hưởng thụ?
Để chuẩn bị đấu giá mua bản quyền truyền hình bóng đá Anh tại Việt Nam cho 3 mùa giải 2016- 2019, các thành viên Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam đã nhóm họp để bàn bạc, lên kế hoạch. Tuy nhiên nguy cơ đổ vỡ vẫn có thể xảy ra. Chỉ cần đơn vị nào đó, có ý đồ mua độc quyền bản quyền phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh, vì lợi ích của riêng mình, mà bỏ qua lợi ích chung.
Để trả lời câu hỏi này, một đơn vị truyền hình trả tiền đã từng lý giải, là do Công ty IMG Media chỉ đồng ý để Canal+ chia sẻ quyền phát sóng cho một nhà đài mà thôi.
Sự thiếu liên kết, có thể sẽ tiếp tục phải trả giá và lần này số tiền sẽ không như trước mà lên tới 80 triệu USD, tương đương với gần 2.000 tỷ đồng, là con số không hề nhỏ trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều việc phải lo. Bỏ ra số tiền lớn mà không đảm bảo hài hoà lợi ích cho người xem, sẽ gây ra nhiều bức xúc trong xã hội.
Sự thiếu liên kết, có thể sẽ tiếp tục phải trả giá và lần này số tiền sẽ không như trước mà lên tới 80 triệu USD, tương đương với gần 2.000 tỷ đồng. |
Việc thiếu liên kết, để nước ngoài lợi dụng nâng giá chuyển nhượng nhằm trục lợi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng và các đơn vị truyền hình trong nước là một nghịch lý cần phải được xử lý triệt để.
Kinh nghiệm ứng xử với bản quyền truyền hình thể thao
Tại Singapore, 2 hãng truyền hình trả tiền lớn là Star Hub và SingTel cũng đã sử dụng chiến lược độc quyền nội dung để phát triển thuê bao, dẫn đến ngành công nghiệp truyền hình trả tiền đối mặt với tình trạng nội dung bị xé lẻ. Giá bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao lớn tại Singapore liên tục tăng cao, dẫn đến giá thuê bao tăng theo, người tiêu dùng phải liên tục thay đổi từ hãng này sang hãng khác nếu muốn xem các sự kiện thể thao lớn mà bóng đá Anh là tiêu biểu.
Để chấn chỉnh tình hình, tháng 3/2010, Cơ quan phát triển truyền thông Singapore (MDA) đã bổ sung Quy định phát chéo nội dung vào Bộ Quy tắc ứng xử thị trường truyền thông. Theo Quy định này, một đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền phải tận dụng hạ tầng của một đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền khác, để mở rộng mạng lưới phân phối, đối với các nội dung mua độc quyền của mình.
Điều này đã giúp khắc phục được tình trạng nội dung bị xé lẻ, người xem liên tục phải thay đổi nhà cung cấp dịch vụ và trả phí thuê bao cao hơn. Khuyến khích các đơn vị chuyển từ chiến lược độc quyền nội dung sang tạo sự khác biệt bằng chất lượng dịch vụ, qua đó giữ cho giá mua bản quyền các chương trình ổn định.
Tại Trung Quốc, cuộc đấu giá bản quyền phát sóng Giải bóng đá ngoại hạng Anh năm 2009, chỉ thu được khoảng 60 triệu USD, một con số quá nhỏ so với quy mô thị trường có 1,3 tỷ người. Ở Trung Quốc không có sự cạnh tranh để giành quyền phát sóng bóng đá Anh.
Đài truyền hình Nhà nước CCTV đã công khai nêu quan điểm, nếu bóng đá Anh muốn tiếp cận khách hàng Trung Quốc, hãy trả chúng tôi tiền! Lời nói đi cùng hành động, kể từ năm 2003 đến năm nay, bóng đá Anh hoàn toàn vắng bóng trên tất cả các kênh truyền hình của CCTV. Với việc không được phát sóng rộng rãi, đương nhiên hình ảnh và giá trị của bóng đá Anh giảm rất nhiều tại Trung Quốc.
Năm 2006, Đài truyền hình tỉnh Quảng Đông khai trương kênh truyền hình trả tiền chuyên về thể thao mang tên WinTV, đã chi xấp xỉ 60 triệu USD để có bản quyền truyền hình bóng đá Anh. Tuy nhiên, sau ba năm từ 2009 - 2012, số lượng thuê bao tăng không nhiều, chỉ khoảng 30.000.
Đến đợt đấu giá ba mùa giải từ 2010- đến 2013, WinTV tiếp tục dành bản quyền phát sóng bóng đá Anh từ The Premier League với mức giá như cũ. Sau đó, họ đã bán lại cho Công ty truyền thông Super Sports, công ty này đã bán lẻ bản quyền truyền hình bóng đá Anh, cho khoảng 20 kênh truyền hình quảng bá địa phương và các hãng cung cấp dịch vụ truyền hình Internet, tại Trung Quốc, theo phương thức chia sẻ doanh thu quảng cáo. Và như vậy, bóng đá Anh gần như được phát sóng miễn phí tại Trung Quốc.
Trần Thủy