Định nghĩa về đau
Đau bao gồm đau liên tục, đau nhói như dao đâm, đau như kim châm hoặc được mô tả theo nhiều cách khác nhau. Đau có thể gây ra các triệu chứng thể chất khác như buồn nôn, chóng mặt, suy nhược, buồn ngủ hoặc gây ra các thay đổi cảm xúc như tức giận, trầm cảm, cáu kỉnh... Đáng kể nhất, cũng có thể thay đổi cuộc sống, ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ và sự độc lập của bạn. Hiện tại, cách tốt nhất để điều trị cơn đau là kiểm soát các triệu chứng đau.
Nếu vẫn không thể điều trị khỏi hoặc không xác định được nguồn gốc cơn đau, bạn cần tham vấn bác sĩ để có thể đưa ra các lựa chọn để kiểm soát cơn đau của bạn.
Chẩn đoán mức độ đau
Không có xét nghiệm hoặc thiết bị hình ảnh nào có thể đo được cường độ của cơn đau. Đôi khi cách hỗ trợ tốt nhất để chẩn đoán mức độ đau là mô tả về loại cơn đau, thời gian và vị trí đau.
Việc đo lường cơn đau thường được thực hiện bằng cách sử dụng "thang đau" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mức độ đau được đo bằng những cảm giác do người bị đau diễn tả. Cơn đau thường được đo lường trên thang số từ "không đau" đến "đau tồi tệ nhất từng có" thông qua ảnh hưởng của nó đến các hoạt động ngủ, chơi, làm việc, các mối quan hệ và tâm trạng. Biện pháp này giúp bác sĩ và ngay cả người bệnh hiểu được cường độ và mức độ nghiêm trọng của cơn đau, và liệu phương pháp điều trị cơn đau có tạo ra sự cải thiện hay không.
Hình ảnh thang điểm đau từ 1 đến 10. |
Thang đau được mô tả chi tiết theo các nhóm như sau:
Đau nhẹ - Đau dai dẳng, khó chịu nhưng không thực sự cản trở các hoạt động sống hàng ngày
1 - Đau rất nhẹ, không dễ nhận thấy. Hầu hết thời gian bạn không nghĩ về nó.
2 - Đau nhẹ. Khó chịu và đôi khi có những cơn giật mạnh hơn.
3 - Đau chịu đựng được. Cơn đau cảm nhận được và làm mất tập trung, tuy nhiên, bạn có thể quen và thích nghi với nó.
Đau vừa phải - Cản trở đáng kể đến các hoạt động sống hàng ngày
4 - Đau vừa phải. Nếu bạn tham gia sâu vào một hoạt động, cơn đau có thể bị bỏ qua trong một khoảng thời gian, nhưng vẫn khiến bạn phân tâm.
5 - Đau nhiều hơn. Không thể bỏ qua quá vài phút, nhưng với nỗ lực, bạn vẫn có thể xoay sở để làm việc hoặc tham gia một số hoạt động xã hội.
6 - Đau vừa phải nhiều hơn. Cơn đau vừa phải nhiều hơn gây trở ngại cho các hoạt động bình thường hàng ngày, khó tập trung.
Đau nặng - Làm hạn chế các hoạt động bình thường hàng ngày của bạn
7 - Đau nặng. Chi phối các giác quan của bạn và hạn chế đáng kể khả năng thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày hoặc duy trì các mối quan hệ xã hội. Cản trở giấc ngủ.
Đau dữ dội - Gây tàn tật và không thể thực hiện các hoạt động sống hàng ngày
8 - Đau dữ dội. Hoạt động thể chất bị hạn chế nghiêm trọng. Trò chuyện đòi hỏi nỗ lực rất nhiều.
9 - Đau kinh khủng. Không thể trò chuyện. Khóc và/hoặc rên rỉ không kiểm soát được.
10 - Đau không thể nói chuyện được. Nằm liệt giường và có thể mê sảng. Rất ít người sẽ từng trải qua mức độ đau đớn này.
Xử lý đau
Nguyên tắc chung của điều trị đau là bắt đầu với thuốc ở bước đầu tiên, sau đó leo dần lên bậc thang xử trí nếu vẫn còn đau.
Đau nhẹ là tình trạng có thể tự hồi phục mà không cần điều trị hoặc đáp ứng với thuốc không kê đơn như Paracetamol đơn chất hoặc các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), ví dụ Ibuprofen.
Đau vừa phải có thể được kiểm soát bằng các thuốc mạnh hơn như Paracetamol liều cao hoặc dạng phối hợp với cafein hoặc codein, hay các thuốc NSAID.
Đau nặng cần được điều trị liên tục trong nhiều ngày, vài tuần, vài tháng hoặc nhiều năm:
- Đặc biệt ở mức số 7 là đau nặng, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc với sự kết hợp của Paracetamol 650 mg và 65 mg Cafein là thuốc không kê toa được Cục Quản lý Dược chấp thuận dùng giảm các cơn đau nặng.
- Đối với cơn đau từ mức 8 đến 10, cần sử dụng thuốc opioid mạnh được bác sĩ kê đơn.
(Theo dantri)