Bận như… trực điện thoại 115 Hà Nội
Trung tâm vận chuyển cấp cứu Hà Nội (HN), nơi đặt đài điện thoại 115, tiếp nhận toàn bộ cuộc gọi cấp cứu của toàn TP.HN. Nghe và điều hành cấp cứu chỉ có 6 nhân viên là nữ. Nhân viên trực 115, vẫn thường quen với câu nói đơn giản nhưng đúng tính chất công việc của họ rằng: Bận rộn như 115…
24/24 giờ “ôm điện thoại”
Phòng nhỏ, đặt ngay cạnh cửa ra vào của Trung tâm vận chuyển cấp cứu HN (thuộc Sở Y tế HN) ở số 11 Phan Chu Trinh có 5 máy điện thoại và 6 nhân viên trực, nhưng hàng ngày họ phải tiếp nhận tất cả cuộc gọi cấp cứu của toàn thành phố HN. Công việc của một nhân viên trong kíp trực tưởng chừng rất đơn giản: Nghe điện thoại gọi đến yêu cầu; ghi ra sổ trực cuộc gọi vừa nhận; điều động xe cấp cứu đến địa chỉ cần vận chuyển. Ở nội thành HN, xe ở Trung tâm số 11 Phan Chu Trinh sẵn sàng nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ. Còn ở khu vực khác như Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm, nhân viên trực phải thông báo và điều động ngay những xe cấp cứu thường trực tại đây qua các số điện thoại: 7683071 (Từ Liêm), 6813278 (Thanh Trì), 8777170 (Gia Lâm).
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Chánh, năm 2006 có khoảng hơn 26.000 lượt bệnh nhân cấp cứu được Trung tâm vận chuyển. Trung bình mỗi ngày vận chuyển từ 60-70 lượt bệnh nhân cấp cứu. Nếu tính mỗi lượt vận chuyển bệnh nhân cấp cứu có ít nhất 2 cuộc gọi, thì trong năm 2006, 6 nhân viên trực 115 đã phải tiếp nhận 52.000 cuộc gọi. Nhưng thực tế, mỗi cuộc cấp cứu, nhân viên 115 phải tiếp nhận ít nhất là từ 4 – 5 cuộc gọi. Các loại cấp cứu tai nạn giao thông, số cuộc gọi phải lên đến 8-10 cuộc, và như vậy, số cuộc gọi đến 115 phải tính đến hàng trăm ngàn cuộc. Đó là chưa kể những cuộc gọi nhầm địa chỉ, những cuộc gọi trêu chọc. Vì vậy, bất kể đêm hay ngày, các nhân viên của 115 đã vào kíp trực là chỉ biết ngồi nghe điện thoại. Họ không bao giờ rời máy, kể cả lúc ăn cơm.
Nhân viên của cả Trung tâm vận chuyển cấp cứu HN có 120 người, phải căng ra để trực. Trung tâm có 10 xe vận chuyển, mỗi xe có 1 lái xe, 1 bác sĩ, 1 y tá và đủ các loại thuốc men, dụng cụ y tế cấp cứu cần thiết, một máy bộ đàm. 10 xe trực và hoạt động 24/24 giờ mỗi ngày. Tại số 11 Phan Chu Trinh có 4 xe thường trực – vì đây là khu vực trung tâm. Ngoài ra, ở Từ Liêm, Thanh Trì, mỗi nơi có hai xe, Gia Lâm có 1 xe thường trực. Số lượng bệnh nhân cấp cứu vận chuyển đợt từ 98-100% yêu cầu. Tiền vận chuyển được tính theo mỗi ca cấp cứu và di chuyển. Nếu như đến cấp cứu tại nhà, người bệnh phải trả khoản phí là 35.000 đồng/lượt. Vừa cấp cứu, vừa vận chuyển đến các bệnh viện, bệnh nhân phải trả mức phí là 50.000 đồng/lượt.
Đau đầu với nạn trêu chọc
Đau đầu nhất với các nhân viên trực ở đây, không phải là thường xuyên phải nghe điện thoại gọi cấp cứu, mà là nạn chọc phá, quấy rối. Chị Nguyễn Thị Liên, nhân viên trực 115 đưa cho tôi một cuốn sổ mà nhân viên ghi lại toàn bộ những số điện thoại thường xuyên gọi đến để trêu chọc. Ngoài cuốn sổ với hàng trăm số điện thoại, chủ yếu là số của các mạng di động, thì còn có hàng chục số khác đã được nhân viên trực 115 thuộc làu làu. Chỉ cần số đó hiện lên màn hình cuộc gọi, là họ biết ngay là cuộc gọi để trêu chọc, và họ dập máy. Nhưng, không đơn giản dập máy rồi là xong. Kẻ trêu chọc dùng hàng chục số khác, gọi và tiếp tục trêu.
Chị Vũ Minh Trang cho biết, có những người gọi trêu từ 8 giờ tối hôm nay, đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Cứ đều đặn, 5 phút một lần, họ gọi đến trung tâm. Không thể chịu được nữa, nhân viên 115 đành nhấc máy và hỏi vì sao, họ nói rằng chỉ thích nghe 115 nói chuyện cho đỡ buồn! Lại có người đêm nào cũng vậy, khoảng 2, 3 giờ sáng là gọi 115, hỏi tại sao cứ trêu chọc, thì họ nói rằng, gọi để “đánh thức” hộ nhân viên 115, nhỡ người trực có ngủ quên. Thực tế, đêm nhân viên trực 115 không bao giờ được ngủ. Họ tiếp nhận ca trực từ 8 giờ sáng hôm nay, và trực đến 8 giờ sáng hôm sau. Sau đó, họ được phép nghỉ hai ngày kế tiếp. Trong hàng trăm số điện thoại, riêng số 0917.511.317 trêu chọc suốt đêm ngày 2, rạng ngày 3/1/2007.
Ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Giám đốc Trung tâm Vận chuyển cấp cứu HN cho rằng, để hạn chế tình trạng này cần phải có sự cộng tác của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Sự trêu chọc của người dân với nhân viên 115 có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu nhất là do số điện thoại 115 là không tính cước người gọi. Vì không mất tiền, nên họ gọi lúc nào và thời gian bao lâu cũng được. Các số di động trả trước còn thời hạn sử dụng gọi được đã đành, các loại hết thời hạn sử dụng vẫn có thể gọi được 115. Nhưng khi gọi đến hỏi các nhà cung cấp dịch vụ di động về chủ thuê bao thì họ cũng không nắm được. Vì vậy, theo ông Chánh, việc quản lý thuê bao trả trước là rất cần thiết. Các mạng di động cũng nên khoá cả số gọi đi 115 khi tài khoản không còn thời hạn sử dụng. Gọi đến 115 để trêu chọc cũng cần coi là một hình thức quấy rối điện thoại và các cơ quan chức năng phải có biện pháp xử lý.
Thục Uyên