- Sau nhiều năm chờ đợi nhưng không có sự thay đổi, cải thiện nhiều hộ gia đình đã chuyển đi nơi khác để không phải qua 'tuyến đường ám ảnh' dân Định Công, Linh Đàm như VietNamNet đã đưa.

'Tuyến đường ám ảnh' dân Định Công, Linh Đàm

Chỉ trong một thời gian ngắn, không ít người điều khiển xe máy mất kiểm soát, tự ngã khi gặp vũng nước, đường trơn trượt.

Thường xuyên "đo đường"

"Đánh" đúng nỗi bức xúc của người dân, bài viết 'Tuyến đường ám ảnh' dân Định Công, Linh Đàm" VietNamNet đăng tải ngày 17/3 đã thu hút được rất nhiều phản hồi, bình luận.

Nhiều bạn đọc gửi email về chia sẻ, họ rất vất vả, thậm chí không ít lần đã "vồ ếch" mỗi lần vượt qua tuyến đường này.

Độc giả có nickname Lehviet cho biết: "Hôm kia tôi đèo con nhỏ qua đoạn đường này và hai mẹ con bị ngã, hiện vẫn rất đau chân. Lúc đấy, có mấy người dân chạy lại đỡ và bảo: Đoạn này hàng ngày có đến hàng chục người ngã".

"Nhà tôi ở trong khu này, hôm nào cũng phải đèo các con đi học, có hôm không va quệt gì, đường cũng vắng nhưng tự ngã xe vì đoạn đường hãi hùng này", độc giả Trần Dung than thở.

{keywords}
Cảnh không hiếm gặp. Ảnh: Nhị Tiến

Bạn đọc Quang Minh: "Cứ nghĩ cảnh vợ con đi qua con đường này hàng ngày là tôi lại đau lòng. Nhiều hôm hai mẹ con đi làm, đi học ngã xe ướt hết quần áo, trầy tay chân... Không hiểu sao "dân rất cần rồi, nhưng quan vẫn chưa vội", chính quyền Hà Nội cứ chú trọng việc chặt hạ hàng ngàn cây xanh, tốn cả chục ngàn tỷ để trồng cây mới, mà "không chịu hiểu" người dân đang rất khó khăn, vất vả vì tuyến đường này".

Độc giả Nguyễn Châu cũng đồng tình: "Đã hai lần tôi bị ngã ở đây. Hàng ngày đi làm trên con đường này, tôi thường rùng mình, nhiều lần phải chấp nhận đi đường khác dù xa hơn nhưng lại an toàn".

Độc giả Bùi Thị Cẩm Nhung còn phản ánh: "Đoạn đường này được đăng báo nhiều lần và bài ấn tượng nhất cũng cách đây gần năm trời rồi. Đó là bài: "Rùng mình con đường chiến địa giữa Thủ đô" được đăng tải từ ngày 4/7/2014 trên báo VietNamNet nhưng có thay đổi gì đâu. Mình hàng ngày phải đi làm trên cung đường này thật là vất vả. Người dân thì cứ dài cổ kêu còn người có trách nhiệm thì cứ làm thinh. Buồn khủng khiếp!".

Bán nhà vì tuyến đường "ám ảnh"

Sau nhiều năm chờ đợi nhưng không có sự thay đổi, cải thiện nhiều hộ gia đình đã chuyển đi nơi khác để không phải qua con đường khủng khiếp mỗi ngày.

Anh Hà (SN 1981) cho biết: "Bán căn nhà cũ vay mượn ít tiền gia đình tôi đã chuyển sang chung cư ở Mỹ Đình ở để tiện gần trường học của các con, cơ quan của bố mẹ và quan trọng là không phải đi qua tuyến đường này nữa".

Bạn đọc có địa chỉ email [email protected] chia sẻ: "Tôi có căn hộ rất đẹp ở KĐT Đại Kim, tôi rất yêu căn hộ của mình và muốn sống mãi ở đó. Tuy nhiên chỉ vì con đường đau khổ hứa 12 năm rồi chưa được làm này mà tôi đã phải bỏ đi nơi khác".

{keywords}
Nỗi ám ảnh của người dân. Ảnh: Nhị Tiến

"Nhiều năm nay, mình đã không còn qua tuyến đường này nữa mình và bà xã đã phải đi vòng vèo đường khác xa hơn. Giờ đọc báo mới biết nó vẫn chưa được thay đổi gì. Nghĩ mà nản", nickname Hoài Phương chán nản.

Ngoài than phiền về tuyến đường này, nhiều độc giả cũng tố thêm các tuyến đường "hành dân" ở Thủ đô.

TuanMinhVu cho biết: "Còn đoạn đường ở ngõ 34 phố Vĩnh Tuy, Phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng (mương thoát nước Vĩnh Tuy), thi công chậm trễ, xe tải chở vật liệu phá nát hết đường đi của dân. Ngày nắng cũng như ngày mưa đường lúc nào cũng đầy ổ gà, ổ voi, bùn loãng ngập đến nửa bánh xe nữa, ô nhiễm môi trường. Dân chúng tôi không hiểu sao giữa Thủ đô mà vẫn tồn tại những tuyến đường đi như lội ruộng này".

Độc giả ở email [email protected]: "Tiện thể cho em than ngõ 192 đường Lê Trọng Tấn dài dằng dặc đầy ổ trâu ổ bò với ạ!".

"Ngoài đoạn đường trên, ở Định Công còn rất nhiều khu có hạ tầng giao thông thuộc loại rất kém của thành phố như: Khu Cầu Lủ (qua sông Tô Lịch), ngã ba Định Công Thượng - Bùi Xương Trạch, Khu Chợ Định Công Hạ...Đông đảo nhân dân rất mong UBND quận Hoàng Mai và phường Định Công sớm giải quyết", một độc giả khác phản ánh.

Độc giả Minh Tú lại nhấn mạnh, các tuyến đường trên nhếch nhác đã nhiều năm nay rồi, tại sao lại xây khu đô thị mới, xây cầu ở quanh đây để làm gì  khi mà nhu cầu thiết yếu nhất là đường đi lại không cải thiện cho người dân?

L.Lam (tổng hợp)