Với những người đam mê sneakers, có lẽ đôi giày dưới đây sẽ khiến họ phải thốt lên "Wow".
Puma RS Computer Shoe
Mẫu giày này đến với thế giới từ giữa những năm 80 của thế kỷ trước, đây rõ ràng là thứ tinh túy nhất để mang lên chân vào thời điểm đó.
Chiếc giày Puma RS bên phải được tích hợp bảng mạch, bộ vi xử lý, đồng hồ bấm giây và nút bấm "inertia switch" được kích hoạt bởi mỗi bước chân. Người mang Puma RS có thể kết nối đôi giày với đủ loại máy tính cổ lỗ sĩ (thực chất là dân chơi công nghệ thời đó mới có) như Apple II, Commodore 64... để theo dõi tốc độ, khoảng cách, số bước chân và lượng calo tiêu hao khi tập luyện trong khoảng 6 năm.
Vào thời đó, một đôi giày Puma RS chính hãng, đầy đủ phụ kiện và phần mềm đi kèm được bán với giá 200 USD. Dưới đây là một số bức ảnh vô cùng giá trị về mẫu giày thông minh Puma RS, do website Digibarn sưu tầm.
Trên 30 năm tuổi, phần đế giữa đã bị "crumb" (trở nên giòn xốp, dễ dàng vỡ vụn) nhưng Puma RS quả là kiệt tác giày thể thao của những năm 80:
Phần mềm đi kèm Puma RS tương đối thô sơ, khá giống với Nike+ hoặc Garmin Connect ngày nay. Về cơ bản, thiết kế của Puma RS mang đậm dấu ấn của giày chạy 'retro-runner' của những năm 80 - 90. Tuy nhiên, phần đế sau cồng kềnh mang đầy tính công nghệ lại bị chê bai thậm tệ.
Điều tuyệt vời nhất chính là, Puma góp phần đặt những nền móng đầu tiên cho giày chạy thông minh trên thế giới. Ngoài ra, nó còn khiến đối thủ truyền kiếp adidas phải lo sợ. Đáng tiếc là Puma RS lại không thành công như mong đợi.
Trên thực tế, đôi giày chạy thông minh đầu tiên trên thế giới lại đến từ adidas, đó là mẫu Micropacer (1984). Còn "người anh em xa" Puma RS lại ra đời vào năm 1986, rõ ràng sự ra đời của nó khiến cuộc chiến giày công nghệ giữa các ông lớn trở nên nóng sốt hơn, dù thị trường dành cho phân khúc này hãy còn ảm đạm:
Alison Turnbull, phóng viên gạo cội của tạp chí Running gọi Puma RS là "đôi giày có thiết kế đầy mánh lới" và kết luận rằng: "Dù bạn có giàu hay không, không ai nên trả tới 100 USD cho một đôi giày chạy bộ".
Thậm chí, một nhân viên bán hàng người Đức còn nói: "Không ai cần đôi giày này. Tôi cho rằng đây là ý tưởng liều lĩnh".
Không lâu sau đó, Nike cũng kết luận rằng chưa có thị trường vững chắc dành cho giày chạy thông minh.
Theo GenK