Câu hỏi phỏng vấn "Bạn muốn thấy mình ở đâu trong 5 năm tới?" giúp các nhà tuyển dụng và lãnh đạo công ty đánh giá xem: mục tiêu của ứng viên đồng nhất đến mức nào với mục tiêu của công ty. Điều này sẽ giúp họ tính toán khả năng ứng viên gắn bó lâu dài tại công ty, hay sẽ rời đi sau 1 năm hoặc vài tháng.

{keywords}
(Nguồn hình: Freepik) 

Các câu hỏi về tương lai có thể khó trả lời. Ứng viên không thể trả lời quá “thật thà” như: 5 năm nữa sẽ xuất bản tiểu thuyết trong khi đang ứng tuyển vị trí kế toán; hoặc khi ứng viên phản hồi mơ hồ có thể khiến nhà tuyển dụng nghĩ họ hời hợt với sự nghiệp, không phải là mảnh ghép phù hợp cho công ty, hoặc đang che giấu điều gì đó. Vậy nên, câu trả lời của ứng viên vừa cần trung thực, nhưng vẫn phải liên quan đến công việc và ngành.

Vạch ra lộ trình rõ ràng

Ứng viên nên nghiên cứu một con đường dài lâu và hợp lý với vị trí công việc đang phỏng vấn từ những câu hỏi như: Thông thường mọi người sẽ ở vị trí đó bao lâu? Những bước tiếp theo trong 5 năm tới là gì?...

Một số nhà tuyển dụng sẽ chỉ rõ lộ trình sự nghiệp trong phần thông tin tuyển dụng. Tuy nhiên, ứng viên có thể tìm hiểu từ những người đi trước, gia đình, bạn bè, người trong ngành để có cái nhìn chính xác hơn.

Ví dụ, nếu ứng viên ứng tuyển vị trí y tá, mục tiêu sẽ làm quản lý; ứng viên nên tìm hiểu trước về mặt tổ chức, xem y tá có thể phấn đấu lên điều dưỡng trưởng được không. Ứng viên có thể tìm thông tin trên internet của các điều dưỡng trưởng xem họ có phấn đấu từ vị trí y tá của bệnh viện không. Cùng với đó, ứng viên nên nói rõ khi phỏng vấn về mong muốn này.

Thể hiện sự yêu thích công việc

Việc ứng viên nhấn mạnh sự chuyên tâm vào công việc ban đầu trước khi có bước đi tiếp theo là điều quan trọng. Nếu ngay từ đầu ứng viên đã hời hợt với các nhiệm vụ cơ bản thì nhà tuyển dụng sẽ đặt câu hỏi về động lực làm việc của người này.

Ví dụ, ứng viên có thể trả lời: “Một trong những điều khiến tôi quan tâm công việc này là cơ hội được làm nhiều vai trò. Là trợ lý kinh doanh BĐS, tôi vẫn học hỏi được kỹ năng chăm sóc khách hàng cũng như có cơ hội áp dụng kỹ năng chỉnh sửa ảnh khi chăm sóc fanpage công ty. Tôi cũng rất vui khi được tìm hiểu thêm về công việc kinh doanh từ các đại lý thành công nhất”.

{keywords}

(Nguồn hình: Freepik) 

Phát triển nghiệp vụ theo chiều sâu

Không phải công việc nào cũng có thể trở thành “bước đệm” để leo lên những vị trí cao hơn trong thời gian 5 năm. Trong trường hợp đó, ứng viên có thể chuyển hướng nói về việc phát triển nghiệp vụ theo chiều sâu, nhất là với các nghề như: tư vấn, bán hàng, tổ chức sự kiện, giảng dạy và lập trình máy tính.

Thành thạo như một chuyên gia cũng là một mục tiêu khiến ứng viên trở nên vượt trội. Ví dụ, khi phỏng vấn cho một công việc bán hàng, ứng viên có thể nói: “Trong vòng 5 năm, tôi muốn được công nhận là một chuyên gia về ngành hàng này, duy trì và phát triển chặt chẽ mạng lưới khách hàng, mở rộng đáng kể cơ sở đại lý trong vùng và có thể nắm trong tay một số khách hàng lớn trong nước”.

Nêu mục tiêu dưới dạng kết quả

Ứng viên có thể nêu rõ mục tiêu về thành tích mong muốn đạt được. Ví dụ: một giáo viên muốn trở thành giáo viên giỏi cấp thành phố, đồng thời cải thiện đáng kể tỷ lệ học sinh thành tích cao thông qua các phương pháp giảng dạy sáng tạo.

Với câu trả lời dạng này, ứng viên cần chia sẻ một số ví dụ về phương án thực hiện.

Với những công việc dễ chuyển đổi

Có một số công việc mà việc dự kiến chuyển đổi sau một vài năm là hợp lý như: chuyên viên phân tích đầu tư tài chính; trợ lý nghiên cứu khoa học; trợ giảng…

{keywords}

(Nguồn hình: Freepik) 

Trong những trường hợp này, ứng viên có thể “vẽ” ra những mục tiêu rộng hơn, nhưng vẫn phải chỉ ra công việc hiện tại có ý nghĩa như thế nào, những kỹ năng, sở thích của ứng viên sẽ đóng góp ra sao cho công ty trong tương lai xa.

(Nguồn: CareerBuilder)