Tôi cho bạn thân mượn xe ô tô. Không may anh ấy tông chết một người, hiện chiếc xe của tôi đang bị công an giữ. Xin hỏi, chiếc xe của tôi có bị tịch thu không, tôi có phải bồi thường cho nạn nhân hoặc liên đới chịu trách nhiệm hình sự không? Bạn tôi có giấy phép lái xe.
Thái Tuấn (Đồng Nai)
Luât sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng trả lời:
Với trường hợp của anh Tuấn, có thể xác định vấn đề liên quan đến hành vi giao phương tiện giao thông cho người khác và người điều khiển đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, cụ thể là làm chết một người.
Về hành vi này, dưới góc độ hình sự của các tội phạm liên quan đến việc giao xe thuộc sở hữu của mình cho người khác điều khiển, phải căn cứ theo quy định tại điều 264 bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 để xem xét.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng |
Điều luật này mô tả như sau:
“Người chủ sở hữu, quản lý phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà giao cho người không có giấy phép lái xe hoặc người đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm:
a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”.
Như vậy, trong trường hợp của anh Tuấn, vấn đề giao xe trên thực tế là có. Được thực hiện thông qua việc cho bạn thân mượn, đây là một giao dịch nằm trong phạm vi quyền định đoạt của chủ sở hữu tài sản.
Cũng như trình bày trong câu hỏi rằng thời điểm giao xe biết rõ người bạn có giấy phép lái xe. Điều này loại trừ 1 trường hợp có dấu hiệu của tội phạm quy định tại điều 264 BLHS 2015.
Nhưng đồng thời điều luật này cũng mô tả các trường hợp khác là khi người được giao phương tiện có sử dụng bia rượu hoặc sử dụng chất ma túy hoặc không đủ các điều kiện khác (được mô tả cụ thể tại điều luật) thì mới xác định chính xác trách nhiệm của chủ xe. Nên chỉ khi người bạn thân khi được giao xe đảm bảo các điều kiện điều khiển phương tiện thì mới loại trừ dấu hiệu của chủ sở hữu xe đối với tội phạm tại điều 264 BLHS 2015.
Đồng thời, dù việc chủ sử dụng xe có dấu hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, thì hiện tại hậu quả 1 người chết, quá trình điều tra làm rõ trách nhiệm của người điều khiển cũng đang cần phải làm rõ.
Vì người điều khiển có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tại điều 260 BLHS 2015 nên chiếc xe vẫn là tang vật của vụ án cần phải được điều tra, làm rõ.
Trong thời gian này, khi chưa kết thúc quá trình điều tra và làm rõ trách nhiệm của các bên thì Cơ quan tiến hành tố tụng chưa trao trả lại phương tiện cho chủ sở hữu được. Việc tịch thu là không xảy ra trong trường hợp xác định chủ phương tiện không phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc không liên đới dân sự trong hậu quả này.
Đối với vấn đề liên đới trách nhiệm bồi thường, do phương tiện giao thông là một nguồn nguy hiểm cao độ, nên cần căn cứ khoản 2 điều 601 bộ luật Dân sự 2015 để xác định trách nhiệm của chủ nguồn nguy hiểm cao độ đối với hậu quả xảy ra.
Nếu xác định chủ xe đã giao quyền sử dụng hợp pháp, cũng như đảm bảo các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, bảo dưỡng chiếc xe và nguyên nhân không bắt nguồn từ lỗi về trách nhiệm của chủ nguồn nguy hiểm cao độ với nguồn nguy hiểm cao độ thì sẽ không có liên đới trong trách nhiệm bồi thường.
Ông Tây gây tai nạn chết người phải vay tiền luật sư để bồi thường
Không đủ tiền bồi thường cho gia đình nạn nhân, mẹ của Shane Denoon đã phải vay tiền của luật sư.
Đoàn Nga (ghi)