Rau sắn muối chua

Dưa lá sắn có mùi ngai ngái, nồng nồng, có thể nấu được nhiều món ăn hấp dẫn. Ngày xưa, thời còn nghèo khó, hầu như nhà nào cũng làm sẵn vại dưa rau sắn để ở góc nhà. Khi nào không có gì ăn thì lấy tạm bát dưa rau sắn cho lên bếp nấu hoặc chạy ra vườn, hái nắm rau sắn rồi vò nục, nấu thành canh ăn cơm.

{keywords}
Rau sắn muối chua trở thành đặc sản được ưa chuộng ở thành phố

Ngày nay, khi cuộc sống khả giả hơn, thì món rau sắn muối chua trở thành đặc sản được các chị em ở thành phố săn lùng. 

Chị Phan Anh (ở Mỹ Đình) cho biết chị bắt đầu bán rau sắn muối từ 3 năm trước, mới đầu chị nghĩ là bán cho vui nhưng càng về sau người đặt hàng càng đông. Để đủ số lượng bán cho khách, chị cùng bố mẹ mua hết cây sắn ở trong làng để về cắm quanh nhà, tưới nước đều đặn để sắn lên chồi non và hái muối bán quanh năm.

{keywords}
Bán cả tạ dưa sắn muối chua mỗi ngày, chị Phan Anh thu tiền "khủng" mỗi tháng

"Tôi bán lấy số lượng là chính với giá chỉ 10.000đ/bát, 40.000đ/kg. Khách muốn mua rau phải đặt trước ít nhất một tuần mới có, vì vậy có người mua mỗi lần cả trăm nghìn ăn dần", chị kể lại. 

Chỉ nhờ bán “món ăn nhà nghèo” mà chị có thu nhập đều đều mỗi tháng từ 15-20 triệu đồng. Vừa có thể chăm 3 đứa con vừa có thu nhập ổn định với hơn 2.000 khách hàng luân phiên đặt rau.

Tóp mỡ

Tóp mỡ vốn là phần “xác thịt” của những khẩu mỡ khi rán lên còn thừa. Thời xưa, lúc còn nghèo khó, những miếng tóp mỡ vô cùng quý giá để chống đói. Tóp mỡ có thể rim với mắm, chấm mắm để ăn với cơm.

Khoảng 2 năm trở lại đây, tóp mỡ bỗng nhiên trở thành đặc sản, được bày bán sang chảnh với giá cực đắt đỏ. Từ món ăn bình dân, nay top mỡ đã thành "món lạ" với giá bán từ 400 – 500 nghìn đồng/ kg, tại nhiều nơi, khách muốn mua phải đặt trước từ 2-3 tuần mới có hàng. Ngoài mua để ăn, có người còn mua để làm quà tặng cho người thân, bạn bè.

{keywords}
Với giá bán từ 400 – 500 nghìn đồng/ kg, tóp mỡ không còn là món ăn bình dân mà đã trở thành đặc sản đắt đỏ

Anh Minh (ở Ba Đình, Hà Nội) cho biết món tóp mỡ rim mắm ở cửa hàng của anh luôn trong tình trạng hết hàng, không đủ cung cấp cho khách. Trung bình, mỗi ngày anh nhận từ 50-80 đơn hàng. Lượng khách đông, hàng lại ít nên cửa hàng anh chủ yếu chỉ để bán cho khách quen ở Hà Nội. 

Còn chị Giang (ở chợ Ngã Tư Sở) tự làm món tóp mỡ để bán cho khách. Chị cho biết để làm được 1kg top mỡ mất rất nhiều thời gian. Ngoài khâu chọn thịt và thái thịt, thì rán cũng rất quan trọng, làm sao để vừa đảm bảo giòn, thơm, ngậy mà không quá ngấy và không bị đắng. 3kg thịt mới được 1kg thành phẩm.

"Lượng khách đặt hàng trước rất đông nhưng tôi không nhận được nhiều vì làm rất mất thời gian. Nếu chăm chỉ, mỗi tháng cũng kiếm được một khoản kha khá từ bán món tóp mỡ này", chị Giang chia sẻ. 

Cám gạo

Cám gạo vốn là thứ phế phẩm được dùng làm thức ăn cho lợn, gà, trâu bò,... Nó có giá rất rẻ, chỉ vài ngàn đồng mỗi cân. Hình ảnh nồi cháo cám - chè khoán cho người ăn chỉ xuất hiện trong văn học, vì nghèo nên mới phải ăn cháo cám.

Năm 2019, cám gạo bất ngờ được săn lùng với giá đắt đỏ. Đáng chú ý, thay vì làm thức ăn cho lợn, gà vịt như ông bà ta xưa nay vẫn làm thì giờ họ mua về để ăn hàng ngày nhằm bồi bổ sức khoẻ. 

{keywords}
Lúc cao điểm, cám gạo có thể lên tới 4 triệu đồng/kg

Chị Mai (ở Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho biết cứ vào sáng sớm, thay vì ăn cơm hay bún phở, chị lại pha cho mỗi người một ly cám gạo uống vừa ngon, đơn giản lại vô cùng bổ dưỡng. "Nghe chuyện mua cám về ăn thì nhiều người không tin, nhưng nói thật để mua được loại cám này tôi phải đặt cả tháng mới có, giá cũng lên đến 4 triệu đồng/kg", chị Mai chia sẻ.

Chị Mai cho biết thêm, đây là cám hữu cơ, không phải cám thông thường nên rất khó mua, giá cũng đắt gấp 100 lần giá gạo hữu cơ, còn so với gạo thường thì cám gạo hữu cơ đắt gấp khoảng 200 lần.

Phần cám gạo là thứ quý giá bởi nó chứa rất nhiều chất dinh dưỡng nhưng từ trước đến nay mọi người bỏ phí. Tuy nhiên, để làm ra được sản phẩm cám gạo cho người ăn phải trải qua khá nhiều công đoạn và rất tốn thời gian. Từ một tấn cám gạo thông thường mới làm ra được 10kg cám gạo hữu cơ.

"Đó là lý do cám gạo hữu cơ vừa đắt vừa hiếm, cung luôn không đủ cầu và khách thì phải xếp hàng đặt mua", một người bán cám hữu cơ ở Hà Nội cho hay. 

(Theo Dân Việt)