10 năm trở thành "người nhện"
Dịp cuối năm, nhiều tòa nhà cao tầng, chung cư tại TP.HCM tiến hành tổng vệ sinh. Đây cũng là "mùa" kiếm tiền của những người thợ lau kính.
Tại một công ty trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận, TPHCM), nhóm thợ được thuê lau sạch tất cả cửa kính.
Đứng trên tầng thượng của tòa nhà 7 tầng, anh Nguyễn Văn Huy (35 tuổi) đang chuẩn bị buộc dây thừng vào các trụ để đu xuống tầng dưới làm việc. Những sợi dây có thể chịu tải trọng lớn và luôn được kiểm định.
"Vì đây là công việc vô cùng đặc thù và không có chỗ cho việc mắc sai lầm. Chỉ một sơ suất nhỏ thì người lao động có thể phải trả một giá khá đắt, có thể là cả tính mạng", anh Huy cho biết.
Về cơ duyên đến với nghề, anh Huy tâm sự: "Mình làm công việc này đã được 10 năm. Ban đầu mình chủ yếu đi phụ những anh đi trước trong nghề này nhưng do lương thấp quá. Sau đó, mình được những người anh đi trước chỉ cho cách leo và vệ sinh kính ở các tòa nhà cao tầng sau đó thì ra nghề cho đến bây giờ".
Các công nhân đu mình trên các cửa sổ được gọi vui là "người nhện". Đu mình ở độ cao cả trăm mét, họ làm việc hết sức vất vả, nguy hiểm.
Cùng với đó, bộ dụng cụ nghề của người thợ cũng khá là đơn giản gồm: Dây, ghế đu, đồ hít kính, khóa an toàn, đai bảo vệ toàn thân, dụng cụ lau rửa... Bộ đồ có giá trị khoảng một triệu đồng, thường do công nhân lau kính tự trang bị.
"Trong quá trình làm việc, người công nhân lau kính thường sẽ bị ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết, nếu vào mùa khô thì người làm việc dễ bị mất sức, cảm do nắng, cùng với đó nhiều khi mình đang làm gặp phải gió lớn thì bị mất thăng bằng rất nguy hiểm", anh Huy chia sẻ.
Trải qua 10 năm gắn bó với nghề "người nhện" này, anh Huy đã không ít lần gặp những sự cố, hy hữu nhất là vào một lần đang lau kính cho một tòa nhà khi hết giờ làm việc thì nhân viên bảo vệ tòa nhà đi kiểm tra và thấy sợi dây cáp. Sau đó, không hiểu vì lý do gì người nhân viên bảo vệ này lại đến tháo dây ra.
"Lúc đấy là 5h chiều, đã hết giờ làm việc nhưng mình cố gắng ở lại làm cho xong nên có thể anh bảo vệ không để ý. Anh ấy tưởng mình đã về để quên dây ở lại nên đã tháo dây ra lúc đó may ra mình chỉ còn cách mặt đất vài mét nên không xảy ra điều gì đáng tiếc. Đó là sự cố mà mình không thể nào quên được", anh Huy kể lại.
Thu nhập 1,5 triệu đồng/ ngày
Sau khi kiểm tra kỹ độ an toàn, anh Huy bắt đầu lơ lửng từ tầng 7 tòa nhà công ty để lau kính theo chiều dọc, từ trên xuống.
"Nghề này chỉ có mỗi tháng cuối năm là bận rộn nhất, nhiều mối gọi mà làm không xuể. Dịp Tết mỗi ngày có thể kiếm từ 1 - 1,5 triệu đồng, mấy tháng khác có khi chỉ làm được chục ngày mà tiền công thì chỉ có 600 - 750.000 đồng/ ngày thôi, có khi mình phải làm công việc khác như lắp ráp cửa kính, sơn tường,… những công việc mà không thể bắt giàn giáo mà cần người leo dây thì mình đều nhận để kiếm thêm thu nhập ", anh Huy cho biết.
Anh Huy còn cho biết thêm, đối với những thợ mới vào nghề thì đa số làm các tòa nhà thấp có độ cao trung bình khoảng 4 tầng, sau khi đã quen việc thì dần dần nâng độ cao.
Tuy vậy, không phải ai cũng vượt qua việc phải treo mình ở các tòa nhà cao tầng nên cũng có nhiều người bỏ việc sau một khoảng thời gian ngắn vì không thể thích nghi. Mỗi cửa kính căn hộ thường mất gần chục phút để lau sạch.
"Trong lúc làm vệ sinh kính, mình phải làm thật kỹ tất cả các góc cạnh, vì nếu đã kéo dây để xuống bên dưới thì sẽ không thể nào đi lên được nữa, nên nếu làm không kỹ, kính còn dơ thì mình sẽ bị nhân viên hoặc cư dân tại chung cư đó phản ánh thì chúng tôi phải đi dây để vệ sinh lại rất mất thời gian và công sức", người đàn ông 35 tuổi chia sẻ.
Thời gian để vệ sinh sạch kính của một tòa nhà thì tùy vào kích thước và quy mô mà có thể kéo dài từ 2-3 ngày có khi là cả tuần đối với những tòa nhà lớn. Còn riêng về chung cư thì anh Huy và đồng nghiệp có thể mất cả tháng trời vì diện tích và phần cần làm sạch quá nhiều.
"Mỗi ngày, bắt đầu từ 8h sáng thì sẽ bắt đầu công việc đến gần 12h trưa thì sẽ nghỉ ngơi, ăn uống lấy lại sức để buổi chiều làm tới tầm 17h thì dọn dẹp rồi về. Cùng với đó mình và gia đình nhỏ đang ở trọ ở Đồng Nai nên khi đi làm ở thành phố thì mình tranh thủ đi sớm từ 6h để tránh kẹt xe đảm bảo đúng giờ làm", anh Huy cho biết.
Vì mức độ nguy hiểm, nên nhiều lần anh Huy được vợ của mình khuyên bỏ nghề tìm một công việc khác để làm, vì hiện nay vợ anh lúc nào cũng lo lắng mỗi khi anh đi làm.
"Bản thân mình cũng có suy nghĩ nhiều rồi, trong thời gian sắp tới có thể mình sẽ đi tìm một công việc khác để mình có thể làm lâu dài và ổn định. Đặc biệt là không còn nguy hiểm nhiều như công việc này để người thân và gia đình mình bớt lo lắng", anh Huy tâm sự.
Cha mù loà, hỏng chân, mẹ ung thư, con công nhân lo không nổi
Cuối năm 2016, anh Đoàn bị tai nạn giao thông, hỏng một bên mắt và bị nhiều tổn thương. Năm 2019, anh tiếp tục bị hoại tử hỏm xương đùi 2 bên, còn chưa điều trị khỏi thì vợ anh phát hiện mắc căn bệnh ung thư vú.
Theo Dân Trí