Quan hệ giữa Elon Musk và Apple đi “tàu lượn” vào tuần trước. Ông chủ mới của Twitter khởi đầu một tuần bằng hàng loạt tweet chỉ trích Apple và Tim Cook dừng quảng cáo, gợi ý họ “ghét tự do ngôn luận”.
Đối với Apple, đây là một thảm họa PR khi Musk kích động “đội quân” người theo dõi bắt đầu “cuộc cách mạng chống kiểm duyệt trực tuyến tại Mỹ” và kêu gọi Apple “công khai mọi hành động kiểm duyệt đã thực hiện gây ảnh hưởng đến khách hàng”.
Musk còn khẳng định Apple “dọa rút Twitter khỏi App Store” mà không giải thích lý do. Thay vì tham gia vào một trận chiến trên mạng trước công chúng, đích thân Tim Cook mời Musk đến Apple Park để gặp mặt. Sau đó, Musk lên Twitter cảm ơn CEO Apple vì cuộc họp và chuyến đi quanh trụ sở. Ông còn nói thêm tất cả chỉ là “hiểu nhầm”.
Tờ Financial Times đã nói chuyện với “cựu binh hơn 10 năm tại Apple” về năng lực xoa dịu một người như Musk của Cook.
“Tôi dám chắc Tim đã ‘bỏ bùa’ Cook. Ông ấy muốn lắng nghe Musk. Tôi cũng chắc chắn Tim đưa ra quan điểm của mình. Đó là điều Tim làm: xắn tay áo và giải quyết các vấn đề. Ông ấy không tham gia vào các tranh cãi công khai, dù đó là tranh chấp PR hay thứ gì đó tranh cãi hơn. Nó không phải phong cách của ông ấy. Ông ấy không giống như Elon”, người này chia sẻ.
Một tuần sau khi ông Joe Biden nhậm chức, Cook viết thư ca ngợi hành động bảo vệ người nhập cư của tân Tổng thống Mỹ. Cũng chính sự khôn khéo này mà ông được mời đến bữa tối tại Nhà Trắng vinh danh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đồng sáng lập Apple Steve Wozniak nói thêm rằng, “kỹ năng tốt nhất của Cook chỉ là thấu hiểu nhu cầu được quan tâm của tất cả mọi người” và không đặc biệt thích gì.
John Sculley, CEO Apple trước khi Steve Jobs quay về, giải thích rõ hơn: “Nghìn tỷ đầu tiên đến từ Jobs và Ive, nghìn tỷ tiếp theo đến từ những gì Tim Cook đã làm. Ông ấy làm điều đó một cách âm thầm, không gây chú ý cho bản thân nhưng xuất sắc. Khi cầm iPhone trên tay, cái tên xuất hiện trong tâm trí bạn ngay lập tức là Steve Jobs và Jony Ive, song những cống hiến của Tim Cook cũng tương tự”.
Trong 5 năm qua, chủ nghĩa thực dụng của Cook đã giúp Apple tránh bị đánh thuế dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump; những lập luận về quyền riêng tư của người tiêu dùng đã giúp ông có được đồng minh ở Brussels trong bối cảnh tâm lý phản đối công nghệ đang lan rộng; các khoản đầu tư của Apple vào Trung Quốc cho phép hoạt động sản xuất hầu như hoạt động tốt trong thời kỳ đại dịch.
Năng lực của Cook cũng được một nhân vật nổi tiếng công nhận. Khi Apple trong tay Jobs, Warren Buffet chưa từng đầu tư vào công ty. Song, ông hiện là cổ đông lớn nhất của “Táo khuyết” với 140 tỷ USD cổ phần, tương đương hơn 40% danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway.
Dù đã trấn áp được một “kẻ nổi loạn” như Musk, Financial Times lại lưu ý Cook chưa xử lý được khủng hoảng lớn nhất hiện nay của Apple. Đó là Apple lệ thuộc vào Trung Quốc và bị ảnh hưởng sâu sắc trước các hỗn loạn thời gian qua tại “thành phố iPhone” Trịnh Châu.
Một bài báo mới trên Thời báo Phố Wall cho biết Apple đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc sang những nước như Việt Nam, Ấn Độ. Song, Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với “Táo khuyết” xét về doanh số iPhone.
iPhone chiếm chưa tới 1/5 doanh số smartphone toàn cầu nhưng “bỏ túi” 80% lợi nhuận thị trường. Dưới thời của Cook, vốn hóa Apple tăng thêm khoảng 2 nghìn tỷ USD.
Hoạt động sản xuất trơn tru là động lực tăng trưởng hai thập kỷ qua tại Apple, trong đó Trung Quốc phụ trách 95% sản lượng iPhone. Với những gì đang diễn ra ở Bắc Kinh, các nhà đầu tư đặt câu hỏi về Kế hoạch B của CEO Tim Cook.
(Theo FT, 9to5mac)