Sáng 22/9, Diễn đàn “Phát triển du lịch nông nghiệp - nông thôn gắn với tiêu thụ nông đặc sản, sản phẩm OCOP” đã được Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức.
Trong nhiều tham luận tại sự kiện, câu chuyện làm du lịch để đổi thay các bản làng, vùng quê ma tuý, của ông Dương Minh Bình - Giám đốc Công ty Phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam (CBT) đã gây sự chú ý đặc biệt.
Đưa dịch vụ 5 sao vào những ngôi nhà 0 sao
Theo ông Bình, từ năm 2013, khi ông và các cộng sự bắt tay vào làm du lịch homestay, không ai tại Việt Nam biết khái niệm này là như thế nào. Do đó, doanh nghiệp phải thực hiện mọi thứ từ đầu.
Khi hợp tác với cư dân bản địa mở homestay, bước đầu, công ty không bao giờ kêu gọi người dân bảo tồn văn hoá. Đơn giản nhất, phải làm cho người dân tăng thu nhập đầu tiên.
Khi người dân có thu nhập tăng từ du lịch, ông Bình mới nói với họ rằng, du khách tới đây để trải nghiệm thiên nhiên, tìm hiểu văn hoá. Nếu những thứ đó mất đi, họ sẽ không còn khách. Do đó, bà con phải tự giác biết cách bảo tồn truyền thống, còn không sẽ mất tiền từ du lịch.
Và đây là cách mà ông Bình, người được mệnh danh là “phù thuỷ homestay Việt Nam” thực hiện cùng chủ nhà, để hút du khách.
Thứ nhất, khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu địa phương để làm du lịch. Các vật dụng trong nhà nên có tính đặc thù.
Đơn cử, máng ăn bằng tre cho gà cũng được CBT cải tiến thành đồ đựng nĩa, dao. Du khách phương Tây thích thú và còn mua vật dụng đó khi họ quay về nước.
Về nội thất, tất cả các đèn trang trí được làm bằng ống tre. Nhà vệ sinh không sử dụng vật liệu inox đắt tiền mà sử dụng vật liệu địa phương. Khu vệ sinh chỉ xây gạch phía dưới nền, toàn bộ khung trên làm bằng tre. Bởi, không bao giờ du khách tới các bản làng lại thích nhìn vật liệu bê tông, vốn quá quen thuộc.
Thứ hai, việc cải tạo nhà làm homestay cần thực hiện khéo léo. Đơn cử, từ một hồ cá, công ty ông Bình phát hiện hồ này có nguồn nước từ trên thượng nguồn chảy về, nên ông cải tạo thành hồ bơi. Giờ đây, hồ bơi bé tại homestay này được du khách cả thể giới biết tới.
Hay, thay vì để khoảng trống phía dưới làm chỗ buộc trâu, ông cải tạo thành các quầy bar cho du khách. Chủ homestay dọn dẹp sạch sẽ không gian, không để mùi hôi thối, côn trùng trong quá trình khách lưu trú.
Thứ ba, đưa dịch vụ 5 sao vào những ngôi nhà 0 sao. Ở đây, công ty đưa những dịch vụ dễ đào tạo, không tốn tiền vào các homestay du lịch cộng đồng và bắt buộc người dân phải làm cho bằng được.
Dẫn chứng, trước đây, đi từ Tây Bắc sang Đông Bắc, du khách chỉ thấy có thịt lợn luộc hay gà luộc. Giờ đây, các món ăn đã được chế biến với phong vị đa dạng hơn để phù hợp với cả du khách nước ngoài, hay khách du lịch 3 miền Bắc-Trung-Nam.
Doanh nghiệp này đưa đầu bếp khách sạn 5 sao tới, để hướng dẫn cho chủ homestay cách sử dụng nguyên liệu địa phương, chế biến món ăn để ai cũng có thể ăn được.
Giờ đây, trong nhiều bản làng vùng núi, chủ homestay đã biết làm sốt mayonnaise, làm mắm môm. Họ còn có máy pha cà phê, sẵn sàng phục vụ cappuccino hay espresso cho du khách.
Một ví dụ khác về dịch vụ 5 sao, dù chi phí ở homestay chỉ là 80.000 đồng/đêm nhưng CBT yêu cầu chủ các homestay liên kết, phải cung cấp đủ 3 dịch vụ đi kèm khi khách tới. Gồm: ly nước chè chào mừng; khăn lạnh; khách được mặc đồ dân tộc. Đây là điều bắt buộc phải có. Nếu không được hưởng 1 trong 3 dịch vụ trên thì du khách có quyền trừ đi 10.000 đồng trong tour.
Ngoài ra, ăn sáng cũng không chỉ có mỳ tôm mà phải đa dạng hơn món ăn cho thực khách.
Thứ tư, thiết kế hoạt động cộng đồng để du khách không nhàm chán.
Như, homestay để du khách đi xây lò cho người dân sử dụng. Ở đây, khách du lịch phải trả tiền cho người dân, thì mới được trải nghiệm xây bếp.
Đổi thay không ngờ tại những bản làng thuốc phiện
Theo vị giám đốc, qua 10 năm cải tạo, kết hợp làm du lịch cộng đồng với các homestay trên cả nước, chưa có gia đình nào bỏ cuộc giữa chừng. Trái lại, nhiều chủ hộ còn đầu tư, mở rộng thêm. Có nhà sẵn sàng đầu tư cả hồ bơi 500 triệu để tăng thêm tiện ích cho du khách.
10 năm trước, hỏi về bản Hua Tạt (huyện Vân Hồ, Sơn La); Pù Luông (huyện Bá Thước, Thanh Hoá) hay Hang Kia - Pà Cò, Mai Hịch (huyện Mai Châu, Hoà Bình) ở đâu thì không ai biết. Nếu có, người ta chỉ nhớ tới đó là những làng quê nghèo, gắn liền với cây thuốc phiện và tệ nạn ma tuý.
Thì giờ đây, nhiều bản làng đã "lột xác", chủ homestay là người dân tộc có thu nhập cao. Nhiều người quá bận vì hàng ngày dẫn khách du lịch đi trải nghiệm du lịch cộng đồng bản địa.
Dẫn chứng, một homestay tại Mai Hịch đi vào hoạt động từ năm 2013. Tới năm 2018, homestay này nâng cấp hồ cá thành hồ bơi sinh thái. Hiện, doanh thu đạt hơn 2,5 tỷ đồng, trong khi chi phí đầu tư chưa tới 1 tỷ.
Hay một homestay khác ở Sa Đéc (Đồng Tháp) hoạt động từ năm 2017 với số tiền đầu tư gần 1 tỷ. Ngay trong năm 2018, homestay đã đón gần 2.000 lượt khách lưu trú, hơn 5.000 khách vãng lai ăn uống. Tới nay, homestay có doanh thu gần 2 tỷ đồng, nộp ngân sách gấp 40 lần so với việc trồng hoa và nuôi ếch trước đây.
“Nếu làm du lịch cộng đồng đúng cách, người dân sẽ được tiếp cận với những tiện nghi mà chính ông bà họ không thể nào nghĩ tới. Không những vậy, vùng đất nơi họ sinh sống được gia tăng giá trị, thu hút các nhà đầu tư. Làng quê thay đổi rõ ràng nhờ du lịch”, ông Bình chia sẻ tại sự kiện.