Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ban Kinh tế T.Ư, GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư nhấn mạnh “Qua 65 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn với tên gọi khác nhau, truyền thống tốt đẹp của Ban Kinh tế Trung ương luôn được kế thừa và phát huy, đó là sự trung thành với Đảng, sự tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhiều thế hệ lãnh đạo và cán bộ”.
Là tai mắt của Đảng về kinh tế - xã hội
Trong chuyến thăm Ban Kinh tế Trung ương tháng 1/2014 sau một thời gian tái lập lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắn nhủ Ban Kinh tế T.Ư “thấm vào từng công việc sứ mệnh lịch sử, để xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, là cơ quan nghiên cứu đề xuất hàng đầu chuyên sâu về kinh tế - xã hội của Đảng”
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, tháng 1/2014. |
Theo Tổng Bí thư, để hoàn thành được nhiệm vụ trung tâm, nặng nề, khó khăn, phức tạp đó và lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, một yêu cầu tất yếu khách quan được đặt ra là Đảng cần có đội ngũ tham mưu chiến lược chuyên sâu về kinh tế - xã hội, là tai mắt của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế - xã hội. Đội ngũ đó chính là Ban Kinh tế TƯ.
Gần 3 năm và 64 Đề án
Trong gần 3 năm tái lập, Ban Kinh tế TƯ đã thực hiện 33 đề án lớn về kinh tế - xã hội, đều là những sản phẩm như theo đánh giá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là “hết sức đáng quý”.
Đó là các Đề án như tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI; Luận cứ khoa học - thực tiễn xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020;...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với Ban Kinh tế trung ương, tháng 3/2014. |
Mọi diễn biến, hoạt động của nền kinh tế đã được “phủ sóng” và phân tích kịp thời. Ban KT đã chủ động nghiên cứu để cụ thể hóa, làm rõ nội dung các vấn đề lớn trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII như: Chính sách công nghiệp quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến 2035; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; chiến lược phát triển các ngành công nghiệp vật liệu; chủ trương, chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; chủ trương, chính sách phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả các chủ thể kinh doanh, các loại hình doanh nghiệp; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền; chính sách dân số với phát triển bền vững; thể chế phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng;...
Bám sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của thế giới, khu vực và đất nước, Ban cũng đã chủ động nghiên cứu và hoàn thành nhiều nội dung quan trọng báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, như: đề xuất chủ trương, chính sách mới nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020; đánh giá thực trạng, hiệu quả, lợi thế của hành lang kinh tế Đông - Tây; đề xuất cơ chế, chính sách bảo đảm thực hiện tự do thương mại giữa Việt Nam với ASEAN trong thời gian tới; tình hình diễn biến giá dầu và tác động đến kinh tế - xã hội nước ta; tình hình nợ công của nước ta hiện nay; về việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá, tác động đối với nền kinh tế Việt Nam; về khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; về tình hình thị trường chứng khoán Trung Quốc và một số vấn đề rút ra cho Việt Nam…
Trong gần 3 năm qua, Ban đã nghiên cứu, đánh giá tổng thể, toàn diện tình hình 4 năm thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về các lĩnh vực trọng tâm (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tài chính - ngân hàng) theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI; giám sát việc thực hiện Kết luận số 121-KL/TW của Bộ Chính trị về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn…
Một trong những sản phẩm hết sức đáng quý của Ban Kinh tế TƯ sau gần 3 năm tái lập, như theo đánh giá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là Đề án Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.
Tiếp nối trang sử vàng truyền thống
Ngày 28/12/2012, Ban Kinh tế Trung ương được thành lập lại theo Quyết định số 160-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Quyết định số 161-QĐ/TW của Bộ Chính trị ngày 28-12-2012 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương - đánh dấu một sự kiện quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển của Ban Kinh tế Trung ương, tiếp nối trang sử vàng truyền thống.
Trong điều kiện rất khó khăn, chịu sức ép giảm đầu mối, giảm biên chế, cơ sở vật chất thiếu thốn, Ban Kinh tế Trung ương đã đồng thời triển khai hai nhiệm vụ song song: 1- Xây dựng mới từ đầu chức năng, nhiệm vụ, bộ máy tổ chức, tuyển chọn cán bộ, xây dựng quy chế, thiết lập quan hệ làm việc với các cơ quan, các cấp, các ngành; và 2- thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là tiến hành ngay việc nghiên cứu, thẩm định những đề án quan trọng theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Trong gần 3 năm qua, lãnh đạo Ban đã luôn bám sát chương trình công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xây dựng và tổ chức thực hiện có kết quả tốt kế hoạch, chương trình công tác hằng năm. Về nghiên cứu đề xuất, Ban đã thực hiện 33 đề án lớn về kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là các đề án nghiên cứu về các luận cứ khoa học - thực tiễn góp phần xây dựng các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII.
Ban cũng đã chủ động nghiên cứu để cụ thể hóa, làm rõ nội dung các vấn đề lớn trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ XII. Bám sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của thế giới, khu vực và đất nước, Ban cũng đã chủ động nghiên cứu và hoàn thành nhiều nội dung quan trọng báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Về công tác thẩm định, trong gần 3 năm qua, Ban đã thực hiện đúng thời gian và có chất lượng tốt việc thẩm định 31 đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Về chức năng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế - xã hội, trong gần 3 năm qua, Ban đã tổ chức nhiều hình thức phù hợp với điều kiện thực tế của Ban, như: giám sát trực tiếp thông qua các chương trình làm việc, khảo sát; giám sát gián tiếp, định kỳ thông qua các báo cáo và tổ chức một số chương trình kiểm tra, giám sát chuyên đề để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cùng với việc tổ chức nghiên cứu, giám sát thông qua báo cáo của các đơn vị, thông qua các chương trình làm việc, khảo sát tại các địa phương, đơn vị trong quá trình thực hiện chức năng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, Ban đã có những ý kiến gợi mở nhằm tham góp với các địa phương, đơn vị về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, góp phần gắn kết mối quan hệ phối hợp công tác giữa Ban Kinh tế Trung ương với các địa phương, đơn vị nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương. Đặc biệt, trong tháng 1-2015, lần đầu tiên Ban đã tổ chức thành công "Hội nghị công tác tham mưu về kinh tế - xã hội của Ban Kinh tế Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy", với sự tham dự, chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư và sự tham gia của thường trực các tỉnh ủy, thành ủy.
Đối với công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, Ban đã trực tiếp tham gia góp ý xây dựng, hoàn thiện 33 dự thảo báo cáo chính trị của các tỉnh ủy, thành ủy; tham gia ý kiến bằng văn bản phục vụ các cuộc làm việc của Bộ Chính trị cho ý kiến về văn kiện đại hội Đảng của 63 tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Trong gần 3 năm qua, Ban đã phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai 10 đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương tại nước ngoài (Ấn Độ; Na Uy; Thụy Điển; Hà Lan; Anh và Pháp; Nhật Bản và Hàn Quốc; Trung Quốc; Lào; Ixraen; Liên bang Nga và Bêlarút). Ban cũng cử 85 lượt cán bộ tham gia các đoàn đi nghiên cứu, làm việc, học tập, khảo sát ở nước ngoài theo chương trình của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Sau các chuyến công tác, Ban đều có báo cáo kết quả gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được đánh giá tốt về kết quả nghiên cứu, khảo sát. Tổ chức tiếp, làm việc với 68 đoàn quốc tế, bảo đảm tốt về mặt nội dung làm việc cũng như tuân thủ các quy định về đối ngoại của Đảng.
Qua 65 năm xây dựng và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn với tên gọi khác nhau, truyền thống tốt đẹp của Ban Kinh tế Trung ương luôn được kế thừa và phát huy, đó là sự trung thành với Đảng, sự tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của nhiều thế hệ lãnh đạo và cán bộ; đó là sự nỗ lực không ngừng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đoàn kết phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động trước những diễn biến của tình hình, góp phần tích cực trong việc hoạch định những cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn của đất nước và luôn đóng vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội, phục vụ sự lãnh đạo về kinh tế - xã hội của Đảng.
Với những thành tích và đóng góp đã đạt được, Ban Kinh tế Trung ương vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác; nhiều đồng chí lãnh đạo, cán bộ đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng của Đảng và Nhà nước. Tiếp nối chặng đường vẻ vang 65 năm Ban Kinh tế Trung ương, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Ban nguyện tiếp tục phát huy truyền thống, không ngừng vươn lên, nỗ lực cống hiến, đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu và trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Nguyễn Thanh Liêm